Tản văn: Bài giảng đầu Xuân

Bài giảng đầu Xuân năm ấy giúp tôi nhận ra rằng mùa Xuân không chỉ tồn tại trong thiên nhiên, mà còn trong chính tâm hồn của mỗi con người...

Thầy Ánh bắt đầu bài giảng đầu Xuân với niềm lạc quan và nhiều cảm xúc rất đặc biệt. Ảnh: NVCC

Thầy Ánh bắt đầu bài giảng đầu Xuân với niềm lạc quan và nhiều cảm xúc rất đặc biệt. Ảnh: NVCC

Ngày đầu tiên sau nghỉ Tết, trở lại công việc thường nhật với “nghề gõ đầu trẻ”, như bao năm trước, tôi bắt đầu bài giảng mới với niềm lạc quan và nhiều cảm xúc rất đặc biệt. Những cô cậu học trò của tôi cũng vậy, các em háo hức, mê say như ngày đầu tiên bước vào thềm năm học mới.

Thật tình cờ, bài giảng đầu Xuân mới là tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh. Tác phẩm được viết vào thời điểm đặc biệt của lịch sử dân tộc, khi nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Việt Minh vừa giành được chính quyền trong cả nước sau hơn tám mươi năm nô lệ. Tuy nhiên, đó cũng là lúc những thách thức to lớn đang chờ phía trước: Thực dân Pháp đang nuôi dã tâm tái chiếm nước ta với sự tiếp tay của một số nước đế quốc thuộc phe Đồng minh. Vì vậy, bên cạnh việc tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến và mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do của dân tộc, “Tuyên ngôn độc lập” còn đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ đối với các thế lực thực dân đế quốc đang âm mưu tước đoạt nền độc lập mà nhân dân ta đã phải đổ bao xương máu mới gây dựng được.

Tiết dạy đầu năm vừa khép lại thì những kí ức của bài giảng đầu Xuân năm nào lại vọng về trong tôi. Bài giảng đầu cùng với khoảnh khắc mùa Xuân gõ cửa khiến tôi lại bồi hồi nhớ về những ngày còn là học trò, ngồi dưới mái trường thân quen lắng nghe từng lời giảng của thầy cô. Và trong biết bao bài giảng ấy thì tiết học đầu Xuân luôn để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất. Đó không chỉ là những bài học trong sách vở, mà còn là bài học về cuộc sống, về cách nhìn nhận thế giới bằng một tâm hồn rộng mở và một trái tim chân thành. Bài giảng đầu Xuân thầy cô không quên gửi đến chúng tôi những lời chúc tốt đẹp nhất. Bài giảng đầu Xuân, thầy cô còn kể cho chúng tôi nghe những nét đẹp văn hóa cổ truyền trong ngày Tết mà cho đến tận bây giờ còn khắc sâu trong lòng mỗi chúng tôi. Đó là những món ăn đặc trưng trong ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, xôi gấc, giò lụa, hành muối… Đó là những nghi lễ về thờ cúng như cúng ông Công ông Táo, ông bà tổ tiên, Tất niên, giao thừa… Đó còn là những phong tục như lên chùa cầu an, tham gia các trò chơi dân gian… Nhưng có lẽ, với cá nhân, tôi nhớ mãi tiết học đầu Xuân của thầy – thầy giáo dạy Văn năm nào …

Hôm ấy, ngày đầu tiên trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết, nắng Xuân dịu dàng len lỏi qua từng kẽ lá, rọi sáng cả góc sân trường. Lớp học vẫn vậy, vẫn hàng ghế gỗ quen thuộc, vẫn bảng đen và phấn trắng. Nhưng hôm đó, không khí dường như khác lạ. Có lẽ bởi lũ học trò chúng tôi vẫn còn chút dư âm của ngày Tết, vừa háo hức vừa lười biếng, vừa mong chờ vừa lơ đãng.

Thầy bước vào lớp, dáng người cao gầy nhưng đôi mắt sáng ngời và nụ cười hiền hậu. Thầy không bắt đầu ngay với bài học trong sách giáo khoa như thường lệ, mà dành cả hai tiết hôm ấy để kể cho chúng tôi nghe về ý nghĩa của mùa Xuân, về sự khởi đầu và hy vọng. “Mùa xuân là thời điểm đất trời giao hòa, là lúc vạn vật hồi sinh sau giấc ngủ đông dài” - thầy nói, giọng trầm ấm và chậm rãi - “Cũng giống như các em, mùa Xuân là lúc các em có thể bắt đầu lại, đặt ra mục tiêu mới, học hỏi và trưởng thành”.

Thầy kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa, về người nông dân chăm chỉ gieo hạt, về chú chim én miệt mài mang tin vui Xuân đến mọi nơi, và cả về những người trẻ dám mơ ước, dám thử thách bản thân để đạt được điều mình mong muốn. Thầy kể, ở ngôi làng của thầy, năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng đầu tháng Chạp có một nhóm bạn trẻ lên đồi đốn những cành cây khô. Sau đó, chúng kết thành từng bó nhỏ đem đến từng gia đình có người già để tặng. Những bó củi khô dùng để sửa ấm trong những ngày gần Tết giá buốt là món quà đặc biệt mà bọn trẻ dành cho người già.

 “Bài giảng mùa Xuân” luôn hiện hữu khi biết gieo mầm hy vọng. Ảnh: NVCC

“Bài giảng mùa Xuân” luôn hiện hữu khi biết gieo mầm hy vọng. Ảnh: NVCC

Những câu chuyện ấy không chỉ làm sáng bừng không gian lớp học, mà còn đánh thức trong tôi một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống.

Rồi thầy hỏi: “Các em nghĩ gì về mùa Xuân của mình?”. Câu hỏi ấy khiến cả lớp lặng đi. Lần đầu tiên, chúng tôi không còn nghĩ mùa Xuân chỉ là những ngày nghỉ lễ, là bánh chưng, hoa đào, hay những phong bao lì xì đỏ thắm. Mùa Xuân trong lòng mỗi người bỗng trở nên rộng lớn hơn, ý nghĩa hơn. Đó là mùa Xuân của sự trưởng thành, của những ước mơ vừa được gieo mầm, của những dự định sẽ được thực hiện trong tương lai, của sự đoàn viên và cả những giúp đỡ, sẻ chia thấm đẫm tình người ấm áp.

Buổi học đầu Xuân năm ấy trôi qua nhanh, nhưng những lời giảng của thầy giáo dạy Văn vẫn mãi đọng lại trong tôi. Đó không chỉ là bài học của ngày hôm ấy, mà còn là bài học cho cả cuộc đời. Thầy đã dạy tôi cách sống với niềm tin, cách tìm thấy ý nghĩa trong từng khoảnh khắc, và cách bắt đầu lại dù cuộc sống đôi khi không như ý. Phải như mùa Xuân luôn tràn đầy năng lượng yêu thương, năng lượng lạc quan …

Giờ đây, khi thầy đã rời xa mái trường. Mỗi độ Xuân về, tôi lại nhớ đến thầy và bài giảng đầu Xuân năm ấy. Thầy như ngọn đuốc soi sáng, giúp tôi nhận ra rằng mùa Xuân không chỉ tồn tại trong thiên nhiên, mà còn trong chính tâm hồn của mỗi con người chúng ta. Chỉ cần chúng ta biết gieo mầm hy vọng, biết nuôi dưỡng ước mơ, biết sống yêu thương sẻ chia thì “bài giảng mùa Xuân” sẽ luôn hiện hữu, bất kể thời gian hay tuổi tác…

Nguyễn Đình Ánh (Giáo viên Trường THPT Nghi Lộc 2, Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tan-van-bai-giang-dau-xuan-post719701.html
Zalo