Ứng dụng kỹ thuật, tăng giá trị cua nuôi
Thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thông qua chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nông dân huyện Cái Nước đa dạng đối tượng nuôi, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả đối với các mặt hàng chủ lực ở địa phương, trong đó có cua nuôi.
Hiện toàn huyện có trên 28.000 ha, chiếm trên 90% tổng diện tích nuôi thủy sản, được nông dân nhân rộng mô hình nuôi cua xen canh trong vuông tôm, năng suất đạt bình quân từ 150-200 kg cua thương phẩm/ha/năm. Mô hình nuôi này không đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn đầu tư thấp, có thể tận dụng nguồn cá tạp có sẵn trong vuông tôm làm thức ăn cho cua nuôi, một vốn có thể thu về hơn bốn lời.
Ðúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn, anh Ðỗ Quy Mân, ấp Cái Giếng, xã Ðông Hưng, hiện là thương lái thu gom cua thương phẩm ở địa phương. Theo anh, mô hình nuôi cua xen canh trong vuông tôm đang bộc lộ những hạn chế trong khâu quản lý, cua nuôi có thể thoát ra bên ngoài bất cứ lúc nào; trong quá trình thu hoạch, nông dân không có sự lựa chọn, khi cua vào lú đều phải bắt bán, kể cả cua chưa đủ gạch, bởi nếu thả lại nuôi tiếp thì cơ hội bắt lại lần hai rất mong manh. Vì vậy, mặt hàng cua thương phẩm trên thị trường, tùy vào chất lượng mà thương lái có quyền quyết định theo nhiều giá khác nhau. Ðối với cua chưa đủ gạch, mức giá có thể giảm 50% hoặc hơn thế nữa. Ðây là thiệt thòi mà nông dân phải chịu, đó là chưa nói đến điệp khúc “được mùa, mất giá”.
Ðể gia tăng giá trị mặt hàng cua nuôi, trong quá trình thu gom cua thương phẩm của bà con trong xóm ấp, anh Mân tuyển chọn lại cua ốp chưa đủ gạch, giá trị thấp để nuôi thử nghiệm cua gạch chất lượng cao và cách làm này cho kết quả khả quan. Ðúc kết kinh nghiệm thành công của mô hình nuôi cua ốp trở thành cua gạch trong can nhựa, anh Mân mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng xây cất căn nhà diện tích hơn 200 m2, bố trí 1 ngàn hộp nhựa và hệ thống lọc nước tuần hoàn, nhân rộng mô hình nuôi cua gạch theo quy trình khép kín. Hằng ngày đi thu gom cua thương phẩm của bà con nông dân, với những con cua đủ gạch, đảm bảo chất lượng, anh bán lại cho vựa; còn những con cua chưa đủ gạch, anh giữ lại nuôi trong can nhựa, khoảng 2-3 tuần chăm sóc, cua phát triển đủ gạch, giá trị sẽ tăng gấp đôi.
Nắm bắt nhu cầu thị trường mùa Tết, trong những ngày đầu tháng Chạp, anh Mân thu gom, đưa vào hệ thống nuôi 600 con cua, tổng trọng lượng hơn 200 kg. Giá cua mua vào dao động từ 180-200 ngàn đồng/kg. Sau khi nuôi lại, đến thời điểm cận Tết Ất Tỵ, cua sẽ đủ gạch. Nếu tính mức giá bán ra thấp nhất 600 ngàn đồng/kg, số lượng nói trên sẽ cho thu nhập tương đương 130 triệu đồng; còn nếu giá cua gạch tăng đột biến như những năm trước, lợi nhuận sẽ hơn 200 triệu đồng.
Tương tự, tại ấp Tân Tạo, xã Tân Hưng Ðông, hộ chị Nguyễn Thị Quyên trước đó được ngành chức năng huyện chọn đầu tư thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ lọc tuần hoàn nuôi cua 2 da trong hộp nhựa” từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ năm 2023. Với kinh nghiệm tích lũy được, chuẩn bị cho thị trường Tết năm nay, gia đình chị Quyên mở rộng quy mô sản xuất. Ðể tiết kiệm không gian, thuận lợi trong khâu chăm sóc, 300 hộp nhựa dùng để nuôi cua được chị bố trí thành 2 hàng, hộp nhựa được xếp chồng lên nhau và được kết nối với hệ thống lọc tuần hoàn. Mỗi con cua được thả nuôi riêng biệt trong một hộp nhựa, chủ yếu là cua yếm vuông có mức giá dao động từ 150-180 ngàn đồng/kg tùy thời điểm thu gom. Sau khoảng 30 ngày chăm sóc, cua sẽ hình thành lớp da bên trong chuẩn bị chuyển sang giai đoạn lột xác, chất lượng rất cao, loại cua này có giá từ bằng hoặc cao hơn so với mặt hàng cua gạch.
Mô hình nuôi cua gạch trong hộp nhựa của hộ anh Ðỗ Quy Mân và mô hình nuôi cua 2 da của hộ chị Nguyễn Thị Quyên tuy không mới nhưng cách làm này thể hiện sự linh hoạt của nông dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm bắt quy luật thị trường, giúp nâng cao thu nhập./.
Việt Tiến