10 năm liên tiếp, Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát
Trong 10 năm qua (2015 - 2024), mức trung bình lạm phát của Việt Nam chỉ ở mức 2,8%/năm. Trong khi đó, trong giai đoạn 10 năm trước (2005 - 2014), trung bình làm phát của Việt Nam là 10,2%/năm.
10 năm liên tiếp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023. Như vậy, đây là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát trung bình ở mức dưới 4%.
Báo cáo của Học viện Tài chính cho thấy, trong 10 năm qua (2015 - 2024), mức trung bình lạm phát của Việt Nam chỉ ở mức 2,8%/năm. Trong khi đó, trong giai đoạn 10 năm trước (2005 - 2014), trung bình làm phát của Việt Nam là 10,2%/năm.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng: Rõ ràng, trong 10 năm qua Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát. Ông cho rằng có 3 nguyên nhân tác động tới yếu tố này.
Thứ nhất, tốc độ tăng cung tiền trong giai đoạn 2014 - 2023 chỉ ở mức 13,8%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 27,1% của giai đoạn 2004 - 2013.
Thứ hai, lãi suất trong giai đoạn 2014 - 2024 luôn được duy trì thực dương, trung bình ở mức 3,7%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Trong khi đó, mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2004 - 2014 là 0%/năm.
Thứ ba, tỷ giá USD/VND trong giai đoạn 2014-2024 cũng được duy trì ổn định hơn so với giai đoạn 2004-2014.
Nếu như tốc độ giảm giá của VND so với USD trong giai đoạn 2004-2014 ở mức trung bình 2,9%/năm, thì trong giai đoạn 2014 - 2024 đã giảm xuống còn 1,6%/năm.
“Tăng trưởng cung tiền thấp, lãi suất thực dương và tỷ giá ổn định là những yếu tố cơ bản giải thích tại sao lạm phát tại Việt Nam được duy trì ổn định ở mức thấp trong 10 năm gần đây”, ông Độ nhấn mạnh.
Trên thực tế, lạm phát trong giai đoạn 2015-2024, về cơ bản được neo nhờ chính sách tiền tệ và tỷ giá ổn định. Các biến động về lạm phát chủ yếu do các biến động về giá dầu, giá nguyên vật liệu cũng như giá các dịch vụ y tế và giáo dục do Nhà nước kiểm soát.
Năm 2025: Lạm phát sẽ có diễn biến thế nào?
Dự báo về lạm phát năm 2025, TS Nguyễn Đức Độ đưa ra 3 kịch bản. Trong kịch bản cơ sở, tỷ giá USD/VND ổn định và lãi suất chỉ tăng nhẹ do nhu cầu tín dụng tăng, CPI được dự báo sẽ tăng trung bình 0,23%/tháng và lạm phát trung bình cả năm 2025 sẽ ở mức khoảng 3,0%.
Trong kịch bản cao, áp lực tỷ giá lớn do đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường thế giới, còn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng mạnh lãi suất để ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát, CPI có thể sẽ tăng 0,28%/tháng và lạm phát trung bình sẽ ở mức khoảng 3,3%.
Trong kịch bản thấp, kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng yếu, giá dầu giảm đáng kể, đồng thời giá USD và lãi suất ổn định hoặc giảm nhẹ, CPI có thể chỉ tăng 0,18%/tháng và lạm phát trung bình sẽ ở mức khoảng 2,7%.
Các dự báo trên chưa tính đến trường hợp Chính phủ tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình, cũng như khả kinh tế thế giới rơi vào suy thoái do lãi suất tại các nước phát triển được duy trì ở mức cao trong một thời gian dài.
“Nếu Chính phủ điều chỉnh giá dịch vụ trong nửa cuối năm 2025, lạm phát trung bình có thể ở mức 3,5% trong kịch bản cao. Đối với kịch bản thấp, trong trường hợp kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong năm 2025 và giá dầu giảm mạnh, lạm phát trung bình có thể giảm xuống còn 2,5% hoặc thậm chí thấp hơn”, TS Nguyễn Đức Độ lưu ý.