Cà phê sạch tăng giá, nông dân Đắk Lắk đổi đời
Năm 2024, sau sầu riêng hồi giữa năm, đến cà phê dịp cuối năm liên tục được giá, làm thay đổi rất lớn cuộc sống mọi mặt của người dân Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung và góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương nhanh, bền vững.
Tiền tỷ thu về
Ông Trần Đình Trọng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp dịch vụ công bằng Eatu (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, sau hai năm giá các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, hay cả lúa liên tục tăng giá phi mã, giờ ra ngõ là có thể bắt gặp tỷ phú. Tại HTX Eatu đang có gần 50 thành viên. Bình quân mỗi hộ thành viên hiện có khoảng 1,5 ha đất sản xuất xen canh cà phê, hồ tiêu và sầu riêng. Ngoài ra HTX còn liên kết và hợp tác với nhiều bà con địa phương, với tổng diện tích lên tới hơn 1.400 ha. Tính bình quân trên mỗi ha, liên tiếp 2 vụ gần nhất, riêng cà phê năng suất khoảng 3 tấn tương đương 200 triệu đồng, cộng thêm khoảng 2 tấn hồ tiêu (trồng xen canh) với giá 80.000 đồng/kg tạo nguồn thu thêm 160 triệu đồng; đặc biệt là 10 tấn sầu riêng thêm khoảng 700 triệu đồng.
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến cà phê
Cùng với các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tỉnh Đắk Lắk đặc biệt quan tâm đến thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến cà phê, nhằm nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh. Đến nay toàn tỉnh Đắk Lắk có trên 200 cơ sở chế biến cà phê, trong đó có những nhà máy chế biến công suất lớn như: Cà phê Ngon, Trung Nguyên, Intimex, An Thái, Simexco Đắk Lắk, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đắk Man…
"Nhờ các loại cây trồng đều được mùa, trúng giá, thu nhập của thành viên HTX năm 2023 đạt khoảng 1 tỷ đồng/ha. Trừ hết chi phí, bà con còn lời khoảng 50 - 70%. 2 năm liên tiếp trúng lớn nên giờ ra đường bắt gặp một nông dân tỷ phú ở Đắk Lắk giờ không có gì lạ nữa" - ông Trọng hồ hởi chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, cho biết cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk, diện tích 212.000 ha, sản lượng khoảng 354.000 tấn, chiếm khoảng 30% diện tích cà phê của cả nước và 33% diện tích của Tây Nguyên. Niên vụ cà phê 2023 - 2024 chứng kiến giá cà phê hạt đạt kỷ lục, giá tăng đột biến, bình quân khoảng 100.000 đồng/kg, có thời điểm đạt mức 135.000 đồng/kg. Đây là giá cao nhất từ trước đến nay, cao hơn 82% so với niên vụ trước và gần gấp 3 lần so với các năm trước đây. Giá cà phê nhân đạt mức cao nhất hơn 15 năm trở lại đây.
Nhờ được giá nên kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk trong niên vụ 2023 - 2024 đạt 915 triệu USD, tăng 168 triệu USD so với niên vụ trước, chiếm tỷ trọng 17% so với cả nước. Tuy nhiên, cà phê xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk chủ yếu vẫn là cà phê nhân (sản phẩm thô), tỷ trọng cà phê qua chế biến xuất khẩu hàng năm tuy có tăng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh.
Theo ông Dương, việc giá cà phê tăng đã làm cho đời sống của người sản xuất cà phê được tăng lên. Người nông dân có của ăn của để, tái đầu tư cho cà phê tốt hơn và không chạy theo những cây trồng khác. Hiện nay, nông dân tỉnh Đắk Lắk đang bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024 - 2025 trong niềm vui phấn khởi vì giá cà phê tăng đột biến.
Sản xuất sạch - chế biến sâu
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, để ngành hàng cà phê phát triển bền vững trong thời gian tới, quan điểm của tỉnh Đắk Lắk là ổn định diện tích hiện có, rà soát lại diện tích không phù hợp để chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn, không chạy theo số lượng mà quan tâm đến chất lượng. Mặt khác, Đắk Lắk sẽ cố gắng quản lý tốt ngành hàng cà phê, làm tốt khâu xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trở thành "thành phố cà phê của thế giới".
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk đang trình UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển cà phê bền vững giai đoạn mới, có những chính sách phù hợp để hỗ trợ thích đáng cho chuỗi ngành hàng từ sản xuất, chế biến đến thương mại bền vững. Đặc biệt, thời gian gần đây, tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm triển khai thực hiện các giải pháp thích ứng với quy định không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu (EU).
Ông Nguyễn Tiến Dũng - phụ trách Chương trình sản xuất cà phê thích ứng với quy định không gây mất rừng và suy thoái rừng của EU của Simexco Đắk Lắk cho biết, công ty đã phối hợp Hiệp hội 4C toàn cầu (tổ chức thực hiện Bộ Nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê) hoàn thành kiểm tra cảnh báo rừng và pháp lý vùng sản xuất. Theo đó, tháng 4/2024, Hiệp hội 4C toàn cầu đã cấp hai chứng thư chứng nhận 4C-EUDR, với tổng diện tích 9.437 ha. Đây là hai chứng thư chứng nhận đầu tiên về ngành hàng cà phê không gây mất rừng và suy thoái rừng của EU tại Việt Nam.
Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Ất Tỵ, có dịp dạo quanh TP. Buôn Ma Thuột, trên nhiều tuyến đường, góc phố không khó để bắt gặp những ngôi nhà biệt thự mới hoàn thiện, những dãy xe hơi đủ loại đậu kín bên đường. Người dân ở đây cho biết, năm vừa qua nhiều hộ dân nhờ trúng mùa, trúng giá liên tục các loại cây nông sản như sầu riêng, hồ tiêu, cà phê... có nguồn thu tiền tỷ họ đã đua nhau làm nhà đẹp, mua xe sang để phục vụ nhu cầu cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Xuất khẩu bền vững sang nhiều thị trường truyền thống
Trong niên vụ cà phê 2023 - 2024, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu 264.404 tấn cà phê, chiếm tỷ trọng 17,9% so với cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 915,795 triệu USD, tăng 168,238 triệu USD so với niên vụ trước, chiếm tỷ trọng 16,9% so với cả nước. Cà phê nhân của Đắk Lắk chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như: Đức, Thụy sĩ, Nhật Bản, Italia, Mỹ…
Tỉnh đang xúc tiến khai thác những thị trường mới có nhiều tiềm năng ở các khu vực như: Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi và các thị trường lớn như: EU, ASEAN, Đông Bắc Á, châu Đại Dương…