Ứng dụng hiệu quả khoa học-công nghệ, bảo vệ người tiêu dùng

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, ngày 6/5, các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự án Luật Nhà giáo, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: ĐĂNG ANH)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: ĐĂNG ANH)

Mở đầu phiên làm việc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Nhà giáo.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, việc giao thẩm quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục là cần thiết, tạo điều kiện cho ngành chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển nhà giáo, đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng; góp phần khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ và mất cân đối cơ cấu nhà giáo.

Điều chỉnh thẩm quyền tuyển dụng của ngành giáo dục

Về nội dung về tuyển dụng nhà giáo, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) cho rằng, quy định “phương thức tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm” là chưa thật sự hợp lý.

Cụ thể, việc thực hành sư phạm được hiểu là thực hiện các kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm. Người học ngành học sư phạm đã được thực tập sư phạm và được công nhận kết quả thực hành sư phạm. Vì vậy, việc quy định cứng phải có thực hành sư phạm là chưa hợp lý, gây khó cho các đơn vị tuyển dụng nếu số lượng thí sinh đăng ký quá lớn, đồng thời mất rất nhiều thời gian để tổ chức thực hành.

Tôi cho rằng thực hành sư phạm là quy định rất quan trọng, không thể bỏ chỉ vì các sinh viên sư phạm đã được thực hiện khi còn ngồi ghế giảng đường. Thực tế cho thấy, có những thầy, cô giáo dù đã đứng trên bục giảng nhưng không thể dạy tốt do yếu về tâm lý, kiến thức và nhất là thiếu kinh nghiệm giảng dạy.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn tỉnh Đồng Nai)

Đồng tình với ý kiến nêu trên, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) nêu thực tế cho biết: Nhu cầu điều chuyển giáo viên giữa các trường trong cùng hệ thống, nhất là ở bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hiện rất phổ biến.

Tuy nhiên, dự án luật chưa làm rõ được vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong điều phối nguồn nhân lực và phối hợp với người đứng đầu cơ sở giáo dục khi tuyển dụng, điều chuyển trong trường hợp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Do đó, nếu chỉ quy định quyền tuyển dụng cho hiệu trưởng khi đáp ứng điều kiện mà thiếu đi cơ chế phối hợp hoặc phân quyền rõ ràng, sẽ dễ xảy ra tình trạng “cục bộ”, thiếu gắn kết hệ thống.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc và một số đại biểu đề nghị xem xét, sửa đổi quy định theo hướng cơ sở giáo dục được quyền tuyển dụng giáo viên nếu có thể thực hiện tự chủ 100%; đồng thời, bổ sung đối tượng là các cơ sở giáo dục công lập hoạt động theo mô hình đặc thù, thí điểm hoặc liên kết quốc tế; việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền thành lập, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu chất lượng đặc thù…

Có đơn giản hóa mới có đổi mới sáng tạo

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật Khoa học và công nghệ năm 2013).

Dự án Luật được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thay đổi tư duy theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình; thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Thảo luận tại tổ trong phiên làm việc chiều qua, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành luật, tuy nhiên, cần làm rõ hơn những quy định mang tính đột phá, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chú trọng chính sách kiến tạo phát triển đồng bộ với quản lý…

“Cần có cơ chế, thể chế luật hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước để doanh nghiệp thuộc mảng kinh tế tư nhân đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo đà phát triển nhanh để nước ta có thêm các tập đoàn kinh tế lớn ngang tầm thế giới, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị”.

Đại biểu TRẦN HOÀNG NGÂN (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh)

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dự án luật cần đặc biệt tăng cường các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ tài chính cho hoạt động khoa học, công nghệ, nhất là những quy định khiến các nhà khoa học tốn quá nhiều thời gian để xử lý hóa đơn, chứng từ cần thanh toán.

Lưu ý đến thực trạng các đề tài khoa học ở nước ta được nghiên cứu nghiệm thu không ít nhưng ứng dụng vào thực tế lại chưa nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự án luật cần phải thể hiện được sức mạnh từ các cơ chế tài chính linh hoạt, nhất là những quy định liên quan đến tạo điều kiện hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ vốn ban đầu cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đơn giản hóa thủ tục thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, gỡ bỏ bớt rào cản hành chính trong chuyển giao công nghệ.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu điều chỉnh các quy định tại các điều 61 và 62 theo hướng bảo đảm thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước hiện hành cũng như dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9; trong đó, cần chú trọng đến các nội dung về chi ngân sách nhà nước, lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước… gắn với cơ cấu lại nguồn ngân sách chi cho nghiên cứu khoa học và công nghệ. Song song với đó, dự án luật cần có những cơ chế đặc biệt cho phép tiếp cận, học hỏi, mua lại công nghệ tiên tiến của các nước phát triển.

Bảo vệ người tiêu dùng là mục tiêu hàng đầu

Cũng trong phiên thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm chú trọng đến việc hình thành, củng cố hành lang pháp lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng hiện nay, cơ quan soạn thảo dự án luật cần lưu tâm hơn đến các vấn đề như truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng trong thương mại điện tử, trách nhiệm của nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng… để có thể theo kịp quá trình phát triển của công nghệ, yêu cầu quản trị hiện đại.

Liên quan đến vụ việc hàng trăm nhãn hiệu sữa giả lưu hành công khai trong suốt những năm vừa qua, đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) thẳng thắn chỉ ra, sự lỏng lẻo, thiếu cơ chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đã để lại hậu quả không nhỏ.

Vụ việc đã bộc lộ những lỗ hổng mang tính hệ thống trong thiết kế chính sách, tình trạng chồng chéo về phân công trách nhiệm giữa các bộ và địa phương. Khi hậu quả xảy ra, việc quy trách nhiệm cũng không thể thực hiện triệt để, thậm chí có dấu hiệu đùn đẩy, né tránh…, tất cả xuất phát từ việc không có một đầu mối cụ thể, chịu trách nhiệm cuối cùng.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đã đưa ra đề xuất nghiên cứu cơ chế bồi thường thiệt hại đối với những sản phẩm không bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng.

Theo đại biểu, cơ chế sẽ được áp dụng với những mặt hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhưng trước đó lại được cơ quan có thẩm quyền tuyên bố là an toàn.

Nếu được xem xét xây dựng và ban hành, quy định trên sẽ trở thành động lực giúp người dân chủ động báo cáo các sản phẩm kém chất lượng thay vì “chịu trận” khi gặp vấn đề liên quan.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ung-dung-hieu-qua-khoa-hoc-cong-nghe-bao-ve-nguoi-tieu-dung-post877794.html
Zalo