Bộ GD&ĐT đề xuất các hình thức khen thưởng, kỉ luật đối với học sinh
Nguyên tắc khen thưởng bảo đảm công khai, khách quan, tương xứng giữa hình thức khen thưởng với thành tích đạt được.
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh.
Theo dự thảo, mục đích của việc khen thưởng nhằm ghi nhận, biểu dương, động viên, khuyến khích, tạo động lực để học sinh rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu vươn lên trong học tập và cuộc sống; tôn vinh, nhân rộng tấm gương người tốt, việc tốt.
Nguyên tắc khen thưởng bảo đảm công khai, khách quan, chính xác, công bằng, kịp thời, đúng đối tượng và tương xứng giữa hình thức khen thưởng với thành tích đạt được.
5 hình thức khen thưởng
Dự thảo quy định 5 hình thức khen thưởng gồm: Tuyên dương trước lớp; Tuyên dương trước toàn trường; Giấy khen của hiệu trưởng; Thư khen; Hình thức tuyên dương, khen thưởng khác.
Trong đó, hình thức tuyên dương trước lớp được thực hiện đối với học sinh có hành vi tốt đẹp, có ảnh hưởng lan tỏa tích cực đến học sinh khác trong lớp hoặc học sinh có tiến bộ rõ rệt về học tập, rèn luyện. Giáo viên quyết định và thực hiện việc tuyên dương học sinh trước lớp vào thời điểm phù hợp.

Học sinh trường Tiểu học Việt Nam - Cuba (Ba Đình, Hà Nội) trong một giờ sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: TT
Tuyên dương trước toàn trường được thực hiện đối với học sinh có thành tích xuất sắc, hành vi tốt đẹp, có ảnh hưởng lan tỏa tích cực đến học sinh khác trong trường hoặc học sinh có thành tích nổi bật trong học tập, rèn luyện. Giáo viên chủ nhiệm đề nghị hiệu trưởng tuyên dương học sinh trước toàn trường.
Giấy khen của hiệu trưởng dành cho học sinh đạt một trong những thành tích như: đạt thành tích theo quy định về đánh giá học sinh của Bộ GD&ĐT; có nhiều đóng góp cho tập thể lớp, trường hoặc công tác đoàn, đội; tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng được giáo viên chủ nhiệm giới thiệu và tập thể lớp công nhận; có thành tích trong các phong trào thi đua, cuộc thi, hội thi theo quy định.
Thư khen được thực hiện đối với học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tiến bộ, tự vượt lên chính mình hoặc có thành tích đột xuất nổi bật. Giáo viên, hiệu trưởng, các cấp quản lý tùy theo tính chất, mức độ của thành tích tặng thư khen cho học sinh.
Ngoài các hình thức tuyên dương, khen thưởng trên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện hình thức tuyên dương, khen thưởng khác phù hợp nhằm động viên, nêu gương kịp thời đối với học sinh trong học tập, rèn luyện.
Nhiều biện pháp kỷ luật
Đối với việc kỷ luật, dự thảo Thông tư nêu rõ mục đích nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm của học sinh; đồng thời giáo dục, giúp đỡ học sinh tự nhận thức được hành vi vi phạm; tự giác điều chỉnh hành vi, khắc phục hậu quả, tự giác tu dưỡng, rèn luyện để tiến bộ và hình thành thói quen, lối sống kỷ luật.
Nguyên tắc kỷ luật là tôn trọng, bao dung, khách quan, không định kiến, bảo đảm quyền được tham gia và lợi ích của học sinh đối với các vấn đề liên quan. Không sử dụng biện pháp kỷ luật mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của học sinh.
Các biện pháp kỷ luật đối với học sinh tiểu học gồm: Nhắc nhở, yêu cầu xin lỗi.
Các biện pháp kỷ luật đối với học sinh ngoài đối tượng học sinh tiểu học gồm: Nhắc nhở, phê bình, yêu cầu viết bản tự kiểm điểm.
Một số hoạt động hỗ trợ chủ yếu để khắc phục hành vi vi phạm là khuyên bảo, động viên để học sinh tự nhận thức được hành vi vi phạm và hướng khắc phục; theo dõi, tư vấn, hỗ trợ học sinh vi phạm trong quá trình khắc phục hành vi vi phạm; phối hợp với gia đình học sinh và các lực lượng khác để tư vấn, hỗ trợ học sinh khắc phục hành vi vi phạm.
Thông tư này dự kiến thay thế Thông tư 08 năm 1988 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh.