Ứng dụng công nghệ AI ở trường học vùng cao

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và hạ tầng mạng, giáo viên ở vùng cao trên địa bàn tỉnh vẫn đang nỗ lực tìm hiểu, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác giảng dạy, với kỳ vọng mang đến cho học sinh những bài học sinh động, hiệu quả.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ), thầy Mai Xuân Kiên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những năm gần đây, nhà trường đã từng bước đưa công nghệ vào giảng dạy như sử dụng máy chiếu, trình chiếu powerpoint trong các tiết học. Một số thầy cô bắt đầu làm quen với các phần mềm hỗ trợ như Quizizz, Wordwall để tạo trò chơi học tập.

"Về AI, tuy còn mới mẻ, nhưng đã có giáo viên thử nghiệm sử dụng ChatGPT để gợi ý nội dung bài giảng, soạn câu hỏi cho học sinh. Dù điều kiện còn hạn chế, chúng tôi tin rằng nếu biết chọn những công cụ phù hợp, AI vẫn có thể hỗ trợ thầy cô rất nhiều" - thầy Kiên chia sẻ.

Giáo viên vùng cao Điện Biên chủ động ứng dụng công nghệ AI làm sinh động bài giảng, tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Giáo viên vùng cao Điện Biên chủ động ứng dụng công nghệ AI làm sinh động bài giảng, tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nậm Nhừ, việc ứng dụng công nghệ và AI đang được thầy cô chú trọng. Thầy Lê Trung Hiến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, bên cạnh việc sử dụng phần mềm trình chiếu, dạy học trực tuyến qua Zoom, Teams, một số giáo viên đã chủ động tìm hiểu và thử nghiệm các công cụ AI như ChatGPT, Canva AI để hỗ trợ soạn giáo án, tạo đề thi tự động, thiết kế bài giảng trực quan hơn.

Việc ứng dụng AI bước đầu mang lại những thuận lợi khá rõ nét. Theo thầy Hiến, AI giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, cá nhân hóa việc học cho học sinh, đồng thời làm cho bài giảng trở nên phong phú, hấp dẫn hơn. Đồng thời nhận định, công nghệ giúp bài học sinh động, học sinh hào hứng hơn, còn giáo viên có thêm công cụ hỗ trợ sáng tạo.

Một giờ học tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ) với sự hỗ trợ của công nghệ mới

Một giờ học tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ) với sự hỗ trợ của công nghệ mới

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ AI tại những huyện vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn. Các trường học vùng cao như Nà Hỳ, Nậm Nhừ thiếu thiết bị, mạng internet chập chờn, nhiều học sinh chưa có điện thoại thông minh hay máy tính cá nhân. Bên cạnh đó, kỹ năng công nghệ của giáo viên còn hạn chế, nhiều thầy cô mới chỉ đang ở giai đoạn tìm hiểu, làm quen với AI.

"Thiết bị và kết nối mạng mạnh mẽ sẽ đem lại kết quả cao hơn. Nhưng thực tế hiện nay, đó là rào cản lớn nhất khiến việc ứng dụng AI chưa thể triển khai sâu rộng" - thầy Vũ Tuân, giáo viên âm nhạc Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nậm Nhừ chia sẻ.

Học sinh vùng cao thích thú với các bài học có trò chơi, video minh họa được thầy cô thiết kế bằng công nghệ AI

Học sinh vùng cao thích thú với các bài học có trò chơi, video minh họa được thầy cô thiết kế bằng công nghệ AI

Trong điều kiện thiếu trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ, nhiều thầy cô đã chủ động tự học hỏi. Thầy Vũ Tuân cho biết, từ đầu năm 2024, thầy đã làm quen và ứng dụng công cụ AI như ChatGPT để xây dựng kế hoạch bài dạy, tạo kịch bản bài giảng hấp dẫn. Thầy còn kết hợp các phần mềm như Leonardo AI, Animaker AI, CapCut để tạo hình ảnh, video minh họa cho bài học, sử dụng Gradescope hỗ trợ chấm điểm, và ứng dụng Suno AI trong sáng tác nhạc.

"AI giúp tôi tạo ra những bài học sinh động, hứng thú hơn rất nhiều. Học sinh phản hồi rất tích cực, nhất là khi làm bài tập về nhà qua hệ thống giao bài tập tự động" - thầy Tuân chia sẻ.

Bên cạnh sự nỗ lực của thầy cô, học sinh cũng rất hào hứng với những thay đổi này. Em Lò Phương Thảo, học sinh lớp 6, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nậm Nhừ vui vẻ chia sẻ: "Em thấy học bằng bài giảng có hình ảnh, trò chơi vui và hấp dẫn hơn nhiều. Ngoài ra các thầy cô còn cho chúng em làm bài trắc nghiệm trên điện thoại, tạo cảm giác rất mới mẻ".

Còn em Thào A Liền, học sinh lớp 9 cùng trường, bày tỏ mong muốn: "Em mong rằng các thầy cô soạn nhiều bài học có video, âm nhạc sinh động hơn nữa. Học như thế chúng em nhớ bài lâu hơn và đỡ bị nhàm chán".

Để việc ứng dụng AI thực sự phát huy hiệu quả trong dạy và học, các trường học vùng cao mong muốn nhận được sự hỗ trợ về trang thiết bị. Trường PTDTBT Tiểu học Nà Hỳ và PTDTBT Tiểu học và THCS Nậm Nhừ đều bày tỏ mong muốn được trang bị thêm thiết bị công nghệ, mạng internet ổn định, và đặc biệt là tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, thực hành cụ thể về AI.

"Chúng tôi cần những lớp học không quá lý thuyết, mà tập trung vào các ứng dụng tiện ích, dễ áp dụng vào thực tế lớp học vùng cao" - thầy Vũ Tuân nhấn mạnh.

Trong hành trình đổi mới giáo dục, thầy cô giáo vùng cao vẫn đang miệt mài, lặng lẽ thích ứng với công nghệ mới. Dù con đường còn nhiều khó khăn, nhưng sự quyết tâm, chủ động học hỏi của các thầy cô cùng sự hứng khởi của học sinh chính là nền tảng để trí tuệ nhân tạo từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở những nơi còn nhiều khó khăn như Nậm Pồ.

Hoàng Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/giao-duc/ung-dung-cong-nghe-ai-o-truong-hoc-vung-cao
Zalo