Hồi sinh di sản bằng công nghệ 3D

Trong bối cảnh công tác bảo tồn di sản văn hóa tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức thì công nghệ số đang mở ra hướng đi mới đầy triển vọng. Kiến trúc sư Đinh Việt Phương, người đứng đầu nhóm 3D Hà Nội tiên phong ứng dụng công nghệ 3D để 'hồi sinh' di sản, góp phần lưu giữ và kể lại những câu chuyện lịch sử một cách sinh động, chân thực.

Một sản phẩm 3D về văn hóa Phật giáo do kiến trúc sư Đinh Việt Phương làm số hóa.

Một sản phẩm 3D về văn hóa Phật giáo do kiến trúc sư Đinh Việt Phương làm số hóa.

Là người đứng đầu nhóm 3D Hà Nội và điều hành Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Giải pháp công nghệ 3DART, anh Đinh Việt Phương chia sẻ, niềm đam mê di sản văn hóa đến với anh từ khi còn là sinh viên Trường đại học Kiến trúc Hà Nội.

Ban đầu chỉ là sự tò mò, nhưng càng tìm hiểu sâu, Đinh Việt Phương càng cảm nhận được sự thiêng liêng ẩn giấu trong từng viên ngói, khung cửa, trong cả cách người xưa sống và gắn bó với những không gian cổ. Chính từ những trải nghiệm ấy, anh nhận ra rằng nếu không nỗ lực lưu giữ kịp thời, những vẻ đẹp cổ kính sẽ dần phai mờ rồi biến mất trước sức ép của thời gian và đô thị hóa. Ý thức sâu sắc về sự cấp thiết ấy đã đưa anh đến với con đường số hóa di sản - một hành trình âm thầm nhưng đầy niềm đam mê và cảm hứng.

Khởi đầu từ việc vẽ nên những khung cảnh Hà Nội xưa bằng công nghệ số 3D, đến nay Đinh Việt Phương và cộng sự đã thực hiện rất nhiều dự án số hóa, phục dựng phiên bản di sản quan trọng. Tiêu biểu là Cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh), công trình Hiển Lâm Các (Đại nội Huế), tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Báo Ân, Hà Nội (hiện trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Pháp) và nhiều hiện vật, công trình khác.

Dưới bàn tay tài hoa của Đinh Việt Phương và các nghệ sĩ 3DART, phiên bản số hóa tiếp tục được trau chuốt, tái hiện sống động trên các mô hình phục dựng thực tế, đưa di sản trở lại với đời sống hiện đại.

Dù rất đam mê và tâm huyết, nhưng kiến trúc sư Đinh Việt Phương cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Một trong những thách thức lớn nhất là thuyết phục cộng đồng, các đơn vị quản lý di sản tin tưởng vào tiềm năng của công nghệ số trong công tác bảo tồn. Để chứng minh hiệu quả, anh cùng các cộng sự nhiều lần phải “vẽ thử, dựng thử” hoàn toàn phi lợi nhuận, với mong muốn mang lại cái nhìn trực quan và thuyết phục. Bên cạnh đó, việc xây dựng đội ngũ cộng sự cũng đầy gian nan. Người làm trong lĩnh vực này không chỉ cần giỏi công nghệ mà còn phải thật sự yêu và thấu hiểu giá trị di sản, đó chính là yếu tố quan trọng để mỗi sản phẩm số hóa không chỉ chính xác về kỹ thuật, mà còn truyền tải được tinh thần và linh hồn của di sản.

Ngoài việc số hóa di sản, Đinh Việt Phương và đội ngũ của mình đã tham gia vào nhiều dự án phim tái hiện lịch sử bằng kỹ xảo điện ảnh, công nghệ 3D như các phim “Thương nhớ ở ai”, “Cuộc đời của Yến”, “Con mắt bão” và gần đây nhất là “Địa đạo”, bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại chính kịch - lịch sử - chiến tranh về địa đạo Củ Chi đang thu hút sự chú ý lớn của khán giả cả nước. Với “Địa đạo”, khán giả như được tận mắt chứng kiến các trận càn, các loại vũ khí của giặc, những cảnh cháy nổ, súng nổ, bom dội chân thực bằng việc sử dụng các công nghệ kỹ xảo điện ảnh do nhóm của Phương phụ trách.

“Công nghệ số là một công cụ tuyệt vời để kể lại những câu chuyện văn hóa, lịch sử một cách sinh động. Từ các mô hình 3D, không gian thực tế ảo cho đến bảo tàng số hay việc phục dựng hiện vật từ phiên bản số hóa,... tất cả đều là những công cụ giúp chúng ta bảo tồn và phát huy giá trị di sản, lịch sử, góp phần đưa công chúng đến gần hơn với di sản, lịch sử”, Phương cho biết.

Qua việc ứng dụng công nghệ số, Đinh Việt Phương và nhóm 3DART đã “thổi hồn” vào những công trình cổ, kết nối quá khứ với hiện tại; giúp đưa di sản đến gần hơn với công chúng, nhất là thế hệ trẻ.

Bài và ảnh: MINH MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoi-sinh-di-san-bang-cong-nghe-3d-post876072.html
Zalo