Giám sát chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm

Thời gian qua, việc triển khai Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm trên địa bàn Hà Nội đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức, khó khăn cần được giải quyết.

Quản lý hiệu quả dạy thêm, học thêm, giảm tải việc học cho học sinh đang là yêu cầu bức thiết của xã hội. (Ảnh THẾ ĐẠI)

Quản lý hiệu quả dạy thêm, học thêm, giảm tải việc học cho học sinh đang là yêu cầu bức thiết của xã hội. (Ảnh THẾ ĐẠI)

Mới đây, Phòng Giáo dục quận Đống Đa cùng Phòng PA03 (Công an thành phố Hà Nội), đại diện lãnh đạo, Công an phường Láng Thượng đã kiểm tra hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Việt Nga, cơ sở 2. Qua kiểm tra, đoàn công tác xác định, trung tâm đã được cấp chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đăng ký địa điểm kinh doanh, niêm yết tại cơ sở; hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm. Trung tâm có hồ sơ của 29 giáo viên đang tham gia giảng dạy và khoảng 600 đơn xin học của học sinh các khối cấp trung học cơ sở. Các giáo viên đã báo cáo Hiệu trưởng về việc xin dạy thêm ngoài trường theo mẫu quy định của Thông tư số 29/2024/ TT-BGDĐT (Thông tư 29); đã ký cam kết thực hiện Thông tư 29, không dạy học sinh chính khóa của mình có thu tiền. Giáo viên thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ của trường giao, đăng ký dạy thêm ngoài trường ngoài thời gian dạy học chính khóa.

Tuy nhiên, đoàn công tác cũng chỉ ra một số tồn tại, vi phạm của trung tâm này, như: chưa niêm yết tại cơ sở dạy thêm các môn học được tổ chức dạy thêm, thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp, mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh theo mẫu quy định. Trong hồ sơ giáo viên giảng dạy tại trung tâm thiếu bốn hợp đồng lao động; hợp đồng lao động chưa thể hiện đầy đủ các nội dung như vị trí việc làm, thời gian làm việc… Trước những tồn tại, vi phạm này, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản theo quy định; tạm dừng hoạt động của trung tâm từ 12 giờ ngày 23/4/2025.

Trên địa bàn quận Hà Đông, qua kiểm tra đột xuất một cơ sở dạy thêm cách Trường trung học cơ sở Văn Yên khoảng 100m, Ban Giám hiệu đã phát hiện một số giáo viên của trường đang trực tiếp dạy thêm chính học sinh của mình. Trước phản ánh này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo quận xác minh, xử lý nghiêm vi phạm, nếu có.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, khi Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, Sở đã khẩn trương triển khai nhiều hoạt động nhằm đưa quy định mới vào thực tiễn, tổ chức thu thập ý kiến từ cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh để đánh giá tác động và phản ứng ban đầu với thông tư. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả tích cực ban đầu, quá trình triển khai Thông tư 29 trên địa bàn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và khó khăn. Trong đó, Thông tư 29 chưa có hướng dẫn chi tiết về quy định và chế tài xử lý các vi phạm liên quan đến dạy thêm, học thêm. Điều này gây khó khăn cho các trường và cơ quan quản lý trong việc xử lý các vi phạm một cách hiệu quả và thống nhất. Việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường gặp khó khăn về nguồn kinh phí, do ngân sách nhà trường chưa có hướng dẫn cụ thể cho hoạt động này. Điều đó có thể ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền lợi của giáo viên và chất lượng dạy thêm.

Đáng chú ý, mặc dù các trường đã dừng dạy thêm theo quy định của Thông tư 29, nhưng vẫn có nguy cơ tồn tại các hình thức dạy thêm không chính thức, khó kiểm soát, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục trong khi nhu cầu học thêm của học sinh vẫn còn cao, nhất là đối với các môn học quan trọng trong các kỳ thi.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh, việc triển khai hiệu quả Thông tư 29 đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và cơ sở giáo dục. Sở đã công khai thông tin liên hệ để tiếp nhận phản ánh của người dân, đồng thời phối hợp các kênh thông tin khác như ứng dụng iHanoi để nắm bắt tình hình và tăng cường các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện.

Bên cạnh đó, các trường cũng đẩy mạnh giải pháp nâng cao chất lượng dạy học chính khóa, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tăng cường dạy học 2 buổi/ngày, phát động phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm”, các hoạt động hỗ trợ nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Với các giải pháp đồng bộ này, hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố sẽ dần đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và bảo đảm quyền lợi chính đáng của học sinh.

GIA MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giam-sat-chat-che-viec-day-them-hoc-them-post876071.html
Zalo