Hiệu trưởng, hiệu phó là viên chức hay công chức?

Hiện không ít người thắc mắc hiệu trưởng, hiệu phó là công chức hay viên chức và nhóm chính sách dành cho nhóm đối tượng này.

Hiệu trưởng, hiệu phó là những người thuộc Ban giám hiệu, có vai trò lãnh đạo, quản lý các hoạt động của trường học, được cấp trên điều động, bổ nhiệm. Vậy hiệu trưởng, hiệu phó là công chức hay viên chức?

Quy định về xếp loại công chức, viên chức

Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức sửa đổi quy định, công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan nhà nước.

Bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Hiệu trưởng, hiệu phó trường công lập là viên chức hay công chức?. (Ảnh minh họa)

Hiệu trưởng, hiệu phó trường công lập là viên chức hay công chức?. (Ảnh minh họa)

Cùng với đó, Điều 2 Luật Viên chức sửa đổi quy định, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc.

Đồng thời, Điều 3 Nghị định 115/2020 quy định viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý.

Viên chức không giữ chức vụ quản lý là người chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Căn cứ những quy định nêu trên, chũng ta có thể thấy hiệu trưởng, hiệu phó là viên chức quản lý, không phải công chức.

Định mức tiết dạy của hiệu trưởng, hiệu phó

Điều 8 Thông tư 05/2025 quy định, ngoài nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, hiệu trưởng và hiệu phó trường phổ thông phải giảng dạy một số tiết trong chương trình giáo dục để nắm được nội dung, mục tiêu chương trình và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý.

Định mức tiết dạy trong 1 năm học được xác định như sau: Định mức tiết dạy = Định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần x Số tuần giảng dạy.

Định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần của hiệu trưởng 2 tiết và hiệu phó 4 tiết. Hiệu trưởng, hiệu phó không được quy đổi chế độ giảm định mức tiết dạy với các nhiệm vụ kiêm nhiệm.

Cùng với đó, thời gian làm việc trong năm của hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên trường phổ thông 42 tuần:

Số tuần giảng dạy các nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông là 37 tuần (bao gồm 35 tuần thực dạy và 2 tuần dự phòng);
Số tuần học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ là 3 tuần;
Số tuần chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học là 2 tuần.

Thời gian làm việc trong năm học của hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên trường dự bị đại học là 42 tuần. Cụ thể:

Số tuần giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch năm học là 28 tuần;
Số tuần học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng tài liệu, nghiên cứu khoa học và một số hoạt động khác theo kế hoạch năm học là 12 tuần;
Số tuần chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học là 2 tuần.

Đặc biệt, kể từ năm học 2024 - 2025, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được nghỉ hè như giáo viên. Thời gian nghỉ hè này được bố trí linh hoạt trong năm học và trong thời gian nghỉ hè.

Anh Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/hieu-truong-hieu-pho-la-vien-chuc-hay-cong-chuc-ar940285.html
Zalo