Tuyển sinh lớp 10: trường tư ổn định, trường công thấp thỏm chờ môn thứ 3
Một số trường THPT tư thục tại Hà Nội vừa công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 – 2026. So với năm trước, cơ bản các phương thức tuyển sinh lớp 10 được giữ ổn định, trong đó duy trì nhiều ưu đãi với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh.
Trường tư chuộng ngoại ngữ trong tuyển sinh
Trường THCS – THPT Newton vừa thông báo kỳ kiểm tra đánh giá năng lực vào lớp 10 (đợt 1) năm học 2025 – 2026. Thí sinh có nhu cầu đăng ký ngay và kỳ kiếm tra sẽ diễn ra ngày 15/2/2025.
Tham dự kỳ thi này, số môn thi sẽ tùy thuộc vào hệ học sinh đăng ký. Với hệ Chất lượng cao và hệ Bán quốc tế (ngoại ngữ 1: tiếng Anh hoặc tiếng Trung), học sinh làm bài thi toán và tiếng Anh; với hệ Song ngữ Mỹ/Cambridge, học sinh làm 3 bài thi, gồm: toán; tiếng Anh & tiếng Anh tổng hợp (Math, Science, Language Arts).
Trong tháng 12/2024, một số trường THPT tư thục tại Hà Nội cũng công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 – 2026. Điểm nổi bật, nhiều trường dành ưu tiên đặc biệt cho học sinh sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ.
Cụ thể: Trường THCS và THPT Lý Thái Tổ thông báo tuyển 480 học sinh lớp 10. Học sinh được chia thành 12 lớp, thuộc 4 mô hình là tiếng Anh quốc tế, chất lượng cao, lớp ban A và ban D. Trường tuyển thẳng học sinh thuộc một trong ba nhóm: giải ba học sinh giỏi cấp quận trở lên với các môn văn hóa; đạt IELTS 6.0 hoặc TOEFL iBT 65, Cambridge PET/PCE 169 trở lên; kết quả học tập và rèn luyện cấp THCS (trừ kỳ II lớp 9) đạt loại Tốt.
Những học sinh còn lại được xét dựa vào học bạ. Điểm xét tuyển là tổng điểm của 3,5 năm THCS (tối đa 40) + điểm ưu tiên (tối đa 6, dành cho học sinh có giải văn nghệ, thể dục thể thao cấp quận trở lên). Trường chỉ xét giải trong năm học lớp 9, nếu đạt nhiều giải cùng lúc, các học sinh được tính điểm ở mức cao nhất.
Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn tuyển 240 học sinh lớp 10 với 2 mô hình lớp A và lớp D. Trường cũng tuyển thẳng với học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quận trở lên ở các môn văn hóa; đạt giải trong các kỳ thi toán, tiếng Anh, Khoa học kỹ thuật của đơn vị quốc tế hoặc phối hợp với Bộ GD&ĐT; học sinh có ít nhất hai năm học lực giỏi, 4 năm hạnh kiểm tốt ở bậc THCS. Học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ (IELTS, TOEFL Junior) theo quy định của trường được giảm 15%- 20% học phí cơ bản.
Trường Nguyễn Siêu không tuyển thẳng nhưng ưu tiên tuyển học sinh có IELTS từ 6.0 trở lên. Ngoài ra, những em có trình độ tiếng Anh tốt, có các giải thưởng học thuật và dự án xã hội sẽ được xét cấp học bổng 10-100% học phí.
Trường tuyển sinh bằng hai phương thức. Với xét tuyển, học sinh được đánh giá theo điểm học bạ, nguyện vọng gia đình và bài trắc nghiệm tâm lý. Nếu chọn thi tuyển, các em có thể tham gia kiểm tra đánh giá năng lực ba môn toán, ngữ văn và tiếng Anh do trường tổ chức; hoặc nộp điểm thi lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội, kết hợp với kiểm tra tiếng Anh.
Đưa ra lý do tuyển thẳng và ưu tiên học sinh có chứng chỉ IELTS, đại diện ban tuyển sinh các trường cho biết, qua các khóa tuyển sinh trước, học sinh sở hữu chứng chỉ IELTS có kiến thức và khả năng tư duy tốt; tất cả các học sinh này đều đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình học.
Trường công: thấp thỏm chờ chốt môn thi thứ 3
Nếu khối trường tư thục công bố rõ ràng phương án tuyển sinh, trong đó dành nhiều ưu tiên với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh thì hiện, khối trường công lập vẫn đang chờ công bố quy chế tuyển sinh chính thức và thấp thỏm với môn thi thứ 3.
Tại dự thảo Thông tư về quy chế tuyển sinh THPT, có quy định 3 phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Trường hợp tổ chức thi tuyển sẽ thực hiện 3 môn thi gồm: toán, ngữ văn và một môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn.
Bộ yêu cầu, môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ 3 có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Phương án các môn thi sẽ công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Đến thời điểm hiện tại, dư luận, phụ huynh học sinh, thầy cô và các nhà trường vẫn mong ngóng Bộ GD&ĐT công bố chính thức quy chế tuyển sinh THPT. Về môn thi thứ 3, nhiều ý kiến cho rằng không nên đợi đến 31/3 mà có thể công bố ngay từ đầu năm học để học sinh có quá trình ôn thi bài bản, đạt kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến thẳng thắn nêu quan điểm: nên cố định môn thi thứ 3 là ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh); bởi, tiếng Anh là một trong 8 môn bắt buộc cho tất cả học sinh; giúp hiện thực hóa yêu cầu của Bộ Chính trị là từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Phụ huynh Hà Thị Lan, trú tại quận Ba Đình chia sẻ: trong giai đoạn hội nhập toàn cầu, ngoại ngữ (tiếng Anh) được coi là chìa khóa. Hàng năm, điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh ở nước ta vẫn ở mức thấp. Nếu không coi tiếng Anh là môn bắt buộc tại kỳ thi lớp 10, có lẽ kết quả tiếng Anh bậc THPT khó có thể nâng cao.
“Bộ GD&ĐT vừa phát động phong trào học ngoại ngữ. Với học sinh cấp THCS, không gì hiệu quả hơn là gắn tiếng Anh vào kỳ thi lớp 10 công lập. Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới về cấu trúc đề thi, nội dung thi, đặc biệt đề thi ngữ văn không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa. Tôi mong rằng, trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 – 2026, môn thi thứ 3 sẽ là môn tiếng Anh”, phụ huynh Nguyễn Ánh Ngọc, trú tại quận Thanh Xuân đề xuất.
Cũng theo phụ huynh này, với hình thức thi tuyển lớp 10, Bộ GD&ĐT nên có phương án rõ ràng, thống nhất để các địa phương lựa chọn: phương án 1 là cố định thi toán, ngữ văn, tiếng Anh; phương án 2 là bài thi tổ hợp (tổng hợp kiến thức của các môn học còn lại).
"Theo tôi, cố định phương án thi toán, ngữ văn, tiếng Anh là hợp lý. Tuy vẫn có ý kiến cho rằng, tiếng Anh chỉ là một môn học về ngôn ngữ, không thể được coi trọng hơn các môn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội những rõ ràng, bất cứ học sinh nào cũng cần tiếng Anh. Khi cố định 3 môn thi này, các nhà trường sẽ có cách thức kiểm tra, đánh giá để bảo đảm học sinh nắm chắc kiến thức ở các môn còn lại sau khi hoàn thành bậc THCS và có đủ hành trang bước vào cấp THPT", phụ huynh Nguyễn Ý Lan, quận Hà Đông bày tỏ.