'Cú hích' để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai

Những năm gần đây, việc dạy và học tiếng Anh được các nhà trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, phụ huynh và học sinh quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, 'Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025' được triển khai như 'cú hích' góp phần đưa tiếng Anh dần trở thành ngôn ngữ thứ hai, tạo nền tảng giúp các em học sinh trở thành công dân toàn cầu trong tương lai...

Phòng học tiếng Anh của Trường THPT Chu Văn An được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại, đáo ứng nhu cầu dạy học của giáo viên và học sinh.

Phòng học tiếng Anh của Trường THPT Chu Văn An được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại, đáo ứng nhu cầu dạy học của giáo viên và học sinh.

Theo ông Đào Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mặc dù là tỉnh miền núi, nhưng trong những năm gần đây, việc dạy và học tiếng Anh ngày càng được cơ sở giáo dục quan tâm và lan tỏa tính tích cực đến với học sinh, phụ huynh trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện mục tiêu đề ra nhằm thực hiện tốt Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”...

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Đề án trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT Thái Nguyên khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng kế hoạch cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh, từ năm học 2017-2018. Đến nay, toàn tỉnh có 210/245 trường mầm non và 21/60 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tổ chức thực hiện cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh (đạt 75,7%), tổng số trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh là 28.855/63.732 (bằng 45,28%).

Sở GD&ĐT đã triển khai thí điểm tự chọn chương trình làm quen với tiếng Anh lớp 1, lớp 2 từ năm học 2020-2021 tại những cơ sở giáo dục có nhu cầu và đủ điều kiện. Toàn tỉnh có 46.216/46.216 học sinh lớp 1, 2 được học tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đạt tỷ lệ 100%; 201/201 trường tiểu học và 26 trường liên cấp có cấp tiểu học dạy và tiếng Anh cho học sinh lớp 3, 4, 5 (đạt tỷ lệ 100%).

Từ năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT cũng đã triển khai Chương trình GDPT 2018 cho học sinh lớp 6 ở tất cả các trường THCS trên địa bàn tỉnh và tiếp tục triển khai dạy lớp 7, 8, 9, 10, 11 và 12 trong những năm học tiếp theo đúng lộ trình quy định...

Giáo viên và học sinh Trường THPT Chu Văn An tại Lễ vinh danh và trao giải Quốc gia Cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet, năm học 2023-2024.

Giáo viên và học sinh Trường THPT Chu Văn An tại Lễ vinh danh và trao giải Quốc gia Cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet, năm học 2023-2024.

Tỉnh Thái Nguyên đã bố trí kinh phí triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia, Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Tổng kinh phí chi trên 54,5 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ngoại ngữ, hỗ trợ giáo viên, học sinh dạy và học ngoại ngữ theo các chương trình, đề án của tỉnh giai đoạn 2018-2024; chi bồi dưỡng giáo viên để triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia; kinh phí chi hỗ trợ lệ phí thi cho học sinh đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và chi cho giáo viên dạy tiếng Anh lớp 1, 2...

Nhằm đáp ứng yêu cầu về đội ngũ giáo viên, Sở GD&ĐT phối hợp với Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên dạy tiếng Anh, dạy môn Toán và các môn khoa học tự nhiên.

Từ năm 2018 đến nay, gần 500 lượt giáo viên tiếng Anh được bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ; trên 1.200 lượt giáo viên tiếng Anh bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm; trên 1.000 lượt giáo viên tiếng Anh bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; 410 lượt giáo viên môn Toán và các môn khoa học tự nhiên bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ... Nhờ đó, chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng lên, toàn tỉnh có 1.011/1.029 giáo viên trong biên chế đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo quy định (bằng 98,25%, tăng 15,51% so với năm 2020)...

Với những giải pháp đồng bộ, cùng sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục, Thái Nguyên là một trong những tỉnh, thành được đánh giá cao trong triển khai “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”. Qua đó, cơ sở vật chất, phòng học ngoại ngữ, trang thiết bị dạy học môn tiếng Anh được chuẩn hóa và tăng cường theo hướng hiện đại; việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới; việc triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học đảm bảo theo lộ trình; năng lực sử dụng ngoại ngữ của học sinh và giáo viên được nâng lên rõ rệt. Toàn tỉnh bước đầu đã xây dựng được môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong các trường phổ thông, trao đổi kinh nghiệm dạy và học ngoại ngữ với các trường phổ thông của một số nước…

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án, thời gian tới, Thái Nguyên cần khắc phục một số hạn chế, như: Tiếp tục quan tâm bồi dưỡng năng lưc, nghiệp vụ và tăng cường tuyển chọn, sử dụng giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn, trên chuẩn về năng lực ngoại ngữ; khắc phục kịp thời điểm “trũng” trong dạy và học tiếng Anh đối với các trường ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; cùng với huy động nguồn xã hội hóa, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ việc dạy và học tiếng Anh tại các trường học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các trường còn nhiều khó khăn...

Thảo Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202501/cu-hich-de-tieng-anh-tro-thanh-ngon-ngu-thu-hai-be808c7/
Zalo