Bước chuyển mạnh mẽ của ngành Giáo dục
Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thiếu giáo viên, ngành Giáo dục đang từng bước khẳng định vai trò nền tảng trong sự phát triển xã hội với những hướng đi triển vọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo tiền đề cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.
Nghị quyết số 06 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết số 06) đặt trọng tâm vào việc hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị dạy học, đa dạng hóa hình thức học tập và xây dựng đội ngũ nhà giáo vững vàng về chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, nghị quyết chú trọng giáo dục văn hóa, lịch sử, kỹ năng sống và thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xã hội hóa giáo dục, với mong muốn xây dựng một môi trường học tập ngày càng bền vững và toàn diện.
Ra đời trong bối cảnh ngành Giáo dục còn đối mặt với nhiều khó khăn, Nghị quyết số 06 đã trở thành “luồng gió mới” đem lại động lực cho sự phát triển. Các chỉ tiêu cụ thể như xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố, mở rộng quy mô trường lớp và đảm bảo tỷ lệ học sinh đến trường đều được xác định rõ ràng với các giải pháp cụ thể. Tỉnh đã triển khai đồng bộ 34 chương trình, đề án, kế hoạch nhằm cải thiện mọi mặt của giáo dục; đầu tư vào cơ sở vật chất, xã hội hóa giáo dục và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên; chuyển học sinh từ điểm trường về trường chính, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, đào tạo văn bằng hai cho giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đẩy mạnh phong trào thi đua, các cuộc vận động trong giáo dục.
Sau ba năm thực hiện, nhiều mục tiêu của Nghị quyết số 06 đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Nổi bật là việc thành lập 8 trường phổ thông dân tộc nội trú tại các huyện và Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 đạt 93,75%, vượt xa mục tiêu ban đầu. Toàn tỉnh hiện có 814 cơ sở giáo dục cùng hệ thống trung tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sống và dịch vụ du học ngày càng đa dạng. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng lên 56,57%; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 66,04%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100,18%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vượt chỉ tiêu 6,93%. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ cũng ghi nhận những thành tựu đáng khích lệ. Hầu hết trẻ em trong tỉnh đều hoàn thành chương trình mầm non với khả năng sử dụng tiếng Việt thành thạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp theo. Chất lượng giáo dục phổ thông chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh đạt khá giỏi, học sinh đỗ tốt nghiệp THPT ngày càng tăng; công tác xã hội hóa giáo dục đạt nhiều kết quả nổi bật, khuyến học, khuyến tài được phát huy.
Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Quang Trí chia sẻ: “Nghị quyết số 06 là chủ trương đúng đắn và kịp thời, giúp ngành Giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, cải thiện mạng lưới cơ sở giáo dục, bổ sung trang thiết bị và đẩy mạnh công tác đào tạo giáo viên. Mục tiêu là không ngừng nâng cao chất lượng dạy thật, học thật, thi thật, vì một nền giáo dục chất lượng thật”.