Tư vấn, phản biện một số chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Bắc Giang

Ngày 9/2, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo khoa học tư vấn, phản biện 'Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2025-2030'.

Tiến sĩ Ngô Chí Vinh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì. Cùng dự có thành viên hội đồng tư vấn, phản biện; lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tiến sĩ Ngô Chí Vinh chủ trì hội thảo.

Tiến sĩ Ngô Chí Vinh chủ trì hội thảo.

Tỉnh Bắc Giang đã xác định cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt yêu cầu của của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao còn thấp, nhất là thiếu đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực mũi nhọn.

Việc ban hành Nghị quyết Quy định về chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2025-2030 là hết sức cần thiết.

Các đại biểu nhất trí với dự thảo Nghị quyết, đánh giá thực trạng, kết quả thực hiện các chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2021-2024; chỉ ra được những ưu điểm, nhược điểm, hạn chế của các chính sách đã ban hành và áp dụng thời gian qua.

Trong Tờ trình dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh đã thể hiện rõ cơ sở chính trị, pháp lý, các văn bản pháp luật của cấp trên và những chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết.

Cơ sở thực tiễn cũng đã khái quát vai trò của công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) trong xu thế và hiện thực phát triển của thế giới, của Việt Nam và tỉnh Bắc Giang; vai trò của công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trong phát triển kinh tế, đời sống xã hội trong những năm tới.

PGS.TS Mạc Văn Tiến, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học và Dạy nghề (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng, nhiều địa phương có chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực rất tốt. Vì vậy, tỉnh Bắc Giang cần tạo điều kiện để thu hút cả các đối tượng có thể đóng góp từ xa, không nhất thiết phải về làm việc tại tỉnh.

PGS.TS Mạc Văn Tiến tham gia tư vấn, phản biện.

PGS.TS Mạc Văn Tiến tham gia tư vấn, phản biện.

Cơ chế làm việc, môi trường làm việc cần thông thoáng, không quá cứng nhắc điều kiện về kinh nghiệm. Cùng đó, gắn trách nhiệm với những đối tượng trên, bảo đảm chất lượng, yêu cầu đề ra.

Thạc sĩ Trương Đức Huấn, nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị cần làm rõ thêm việc bố trí nhân lực chất lượng cao (Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ) trong bộ máy nhà nước (cả cơ quan Đảng, đoàn thể) như hiện nay thì đã hợp lý chưa, có lãng phí nhân lực chất lượng cao không, hiệu quả thế nào? Để từ đó, sau khi chính sách được HĐND tỉnh ban hành thì có thể thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở cơ quan nào, vị trí nào? Vì trình độ đào tạo mới chỉ là khả năng làm việc của người lao động, còn phát huy hiệu quả thực tế hay không là do vị trí việc làm, môi trường và điều kiện làm việc nữa.

Cùng đó, rà soát, xác định các cơ quan, đơn vị, vị trí việc làm cần thu hút, cần đào tạo nhân lực chất lượng cao để khi HĐND tỉnh ban hành chính sách thì có thể triển khai được ngay; nhân lực có chất lượng cao cũng biết địa chỉ để lựa chọn vị trí phù hợp. Đồng thời, bổ sung số liệu nhân lực có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư để đảm bảo đồng bộ phân tích cơ cấu nhân lực và xây dựng chính sách, chỉ tiêu thu hút, đào tạo.

Thạc sĩ Nguyễn Công Thông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang đề xuất bổ sung tiêu chí xếp hạng cơ sở đào tạo tại nước ngoài nhằm lựa chọn được trường có chất lượng bảo đảm. Qua đó không để tình trạng đi học kết hợp lao động, kết quả học tập kém.

Các đại biểu còn đề xuất chính sách hỗ trợ đào tạo. Đối với giáo dục nghề nghiệp đề nghị tách ra làm 2 nội dung: Đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ các chuyên ngành, nhóm ngành phục vụ công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) được hưởng hỗ trợ 1 lần. Đi bồi dưỡng nâng cao kiến thức, chứng chỉ sư phạm, đánh giá kỹ năng nghề cũng được hưởng hỗ trợ 1 lần.

Cần xác định rõ số lượng đối tượng cần thu hút là chuyên gia phù hợp với nhu cầu của tỉnh. Việc hỗ trợ 15 triệu đồng/người/khóa học, theo các đại biểu là quá thấp so với thực tế. Vì vậy đề nghị tính toán lại mức hỗ trợ cho phù hợp.

Qua nghe ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp thu, giải trình một số vấn đề liên quan đến công tác soạn thảo dự thảo Nghị quyết.

Kết luận, Tiến sĩ Ngô Chí Vinh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao công tác soạn thảo dự thảo Nghị quyết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Tiến sĩ đề nghị đơn vị sớm chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo để trình cơ quan chức năng xem xét phê duyệt.

Cơ quan soạn thảo chỉnh sửa một số thông tin, số liệu về hỗ trợ thu hút và hỗ trợ đào tạo; trình bày rõ hơn về nội dung, đối tượng đào tạo; tính toán, dự báo trước những tình huống xảy ra, tránh phát sinh vướng mắc sau khi Nghị quyết được ban hành.

Tin, ảnh: Trung Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tu-van-phan-bien-mot-so-chinh-sach-thu-hut-ho-tro-dao-tao-nguon-nhan-luc-tinh-bac-giang-postid412480.bbg
Zalo