'Trái ngọt' từ nông nghiệp công nghệ cao
Xác định ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất, chất lượng nông sản và thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, tạo tiền đề xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung, sản xuất sạch.
![HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân (Bình Xuyên) đưa cơ giới hóa vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho nông dân. Ảnh: Khánh Linh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_589_51438317/6bda43d4789a91c4c88b.jpg)
HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân (Bình Xuyên) đưa cơ giới hóa vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho nông dân. Ảnh: Khánh Linh
Với những cánh đồng mẫu lớn sau dồn thửa, đổi ruộng (DTĐR), năm 2017, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân (Bình Xuyên) mạnh dạn đầu tư, đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa trên diện tích 150 ha. Hiện nay, 100% diện tích canh tác của HTX đã được cơ giới hóa với sản lượng sản xuất năm 2024 đạt 63 tạ/ha, phấn đấu năm 2025 đạt 65 tạ/ha.
Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý Lê Thị Hương cho biết: “Đưa cơ giới hóa vào sản xuất là bước tiến quan trọng của ngành nông nghiệp, giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và thu nhập cho nông dân. Để đưa cơ giới hóa, ứng dụng KHKT vào sản xuất, ngay khi tỉnh thực hiện chủ trương DTĐR, HTX đã vận động hơn 2.000 thành viên tích cực đồng hành, ủng hộ. Sau khi được phân ruộng liền thửa, với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, HTX đã vận động hội viên góp vốn đầu tư 7 máy làm đất, 6 máy cấy, 1 máy gieo mạ khay, hơn 1 vạn khay gieo mạ và 1 máy sấy thóc thực hiện đồng bộ đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Cùng với việc đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất theo quy trình VietGAP, năng suất lúa của HTX không ngừng tăng, chất lượng sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao với thương hiệu “Gạo ngon Phú Xuân”. Bên cạnh lợi ích về năng suất, chất lượng và đầu ra sản phẩm, ứng dụng KHKT giúp HTX mở rộng mảng kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, làm lợi cho thành viên HTX mỗi năm từ kinh doanh dịch vụ nông nghiệp trung bình đạt hơn 5 tỷ đồng”.
Là một trong những hộ trồng thanh long ruột đỏ đầu tiên tại xã Vân Trục (Lập Thạch) có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Australia, anh Nguyễn Trung Kiên, chủ vườn thanh long quy mô 3ha cho biết: “Để nông sản có đầu ra ổn định, đáp ứng được những thị trường khó tính nhất thì chất lượng sản phẩm phải tốt, sản lượng ổn định. Do vậy, tôi đầu tư hệ thống tưới nước, bón phân tự động, chăm sóc thanh long theo quy trình VietGAP, đồng thời lắp đặt hệ thống sưởi để thanh long ra quả trái vụ. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao, nhưng hiệu quả kinh tế từ tiết kiệm nhân công, tăng năng suất và giá trị nông sản giúp gia đình tôi nâng cao thu nhập và ổn định công việc”.
Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đưa cơ giới hóa, ứng dụng KHKT vào sản xuất. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 202 về chính sách hỗ trợ đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 86 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Nghị quyết số 87 về chính sách hỗ trợ đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, đến hết năm 2024, 95% tổng diện tích canh tác lúa trên địa bàn tỉnh đã được làm đất bằng máy, trong đó có 75% diện tích thu hoạch bằng máy; nhiều tiến bộ KHKT được áp dụng rộng rãi, đặc biệt là tiến bộ về giống và quy trình canh tác như sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP; ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI, quản lý dịch hại tổng hợp IPM; hệ thống quản lý cây trồng tổng hợp ICM, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM; ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản; ứng dụng các mô hình chăn nuôi khép kín công nghệ cao…
Toàn tỉnh hiện có hơn 130 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý kinh doanh; hơn 80 HTX nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp thông minh, có hoạt động thương mại điện tử.
Hiệu quả phát triển nông nghiệp công nghệ cao góp phần quan trọng đưa tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh đứng thứ Nhất vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 9 cả nước năm 2023. Năm 2024, mặc dù chịu thiệt hại do thiên tai, đặc biệt ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi), ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc vẫn đạt mức tăng trưởng 1,53%.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh dồn thửa, đổi ruộng, “mở đường” để người dân, doanh nghiệp đưa cơ giới hóa, ứng dụng KHKT vào sản xuất, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung, quy mô lớn, nâng cao sức cạnh tranh.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trực tiếp tham gia nghiên cứu hoa khọc, nhận chuyển giao, ứng dụng KHKT vào sản xuất; tích cực triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao…