Doanh nghiệp lớn cần tiên phong, dẫn đầu trong việc khó và việc mới
Các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong, dẫn đầu trong việc lớn, việc khó, việc mới, chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia.
Sáng 10-2, Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Vai trò lớn mạnh của doanh nghiệp, đóng góp khoảng 60% GDP
Báo cáo tại cuộc gặp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, doanh nghiệp nước ta phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động; hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng năm 2024, có trên 233 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay.
Lực lượng doanh nghiệp ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước khi đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.
![Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_114_51437779/c2d0e2d3d99d30c3698c.jpg)
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Trong năm 2024, môi trường đầu tư kinh doanh cũng đã được cải thiện mạnh mẽ với nhiều cải cách đột phá. Ngoài ra, Thủ tướng đã thành lập các Ban chỉ đạo, tổ công tác để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục giảm, gia hạn nộp một số loại thuế nhằm kích thích tiêu dùng và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Những chính sách này thể hiện sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giúp cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và gia tăng niềm tin, tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
6 gợi mở, giải pháp để doanh nghiệp phát huy mạnh mẽ
Bên cạnh những kết quả rất đáng tự hào, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, tồn tại; tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Trong khi đó, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước. Đây là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích.
Chính phủ đã xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2025 phải đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng hai con số từ năm 2026. Và mục tiêu đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, phải trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trước thực tiễn đó, Bộ KH&ĐT đã gợi mở 6 định hướng và giải pháp. Một là, phải thống nhất cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng trong phát triển kinh tế xã hội. Xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng nhất đóng góp vào tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Hai là, tập trung hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là "đột phá của đột phá", tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Trong đó, đề cao phương pháp quản lý theo kết quả, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm và gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, BOT, BT, giao thông, năng lượng tái tạo…
Ba, khơi thông mọi nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước để khơi dậy, dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội. Tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, nhất là các tuyến đường cao tốc, ven biển, liên vùng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, mở ra không gian phát triển mới; các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi, trung tâm dữ liệu quốc gia…
Đồng thời, có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp trong nước tham gia vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Xây dựng và triển khai ngay các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, có tính cạnh tranh khu vực, quốc tế để hình thành các trung tâm tài chính, khu thương mại tự do.
![Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong, dẫn đầu trong những việc lớn, việc khó, việc mới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_114_51437779/ab108f13b45d5d03044c.jpg)
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong, dẫn đầu trong những việc lớn, việc khó, việc mới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bốn, thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 57-NQ/TW, xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại.
Điển hình là thành lập, phát huy hiệu quả các quỹ khoa học và công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đổi mới sáng tạo… Chủ động gắn kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp để thực hiện đào tạo 50 nghìn nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn.
Năm, xây dựng cơ chế, chính sách hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn để dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước và mở rộng tham gia thị trường quốc tế; phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư.
Cụ thể, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI; thu hút FDI có chọn lọc. Xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho các cán bộ kỹ thuật từng làm việc trong doanh nghiệp FDI.
Sáu, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa sản xuất những mặt hàng trong nước có thế mạnh, có khả năng duy trì và chiếm lĩnh dần thị trường trong nước.
Các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong
Nói thêm, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong, dẫn đầu trong những việc lớn, việc khó, việc mới, chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia. Đồng thời, chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cùng phát triển theo chuỗi giá trị.
Các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất; tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò cầu nối giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Tăng cường đối thoại, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý.