Dự thảo Luật Nhà giáo: Nhiều chính sách ưu đãi dành cho giáo viên
Dự thảo Luật Nhà giáo - một dự luật được dư luận xã hội rất quan tâm đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Sau tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 9 chương, 46 điều với nhiều chính sách ưu đãi dành cho các nhà giáo.
![Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_207_51435840/c46c3e3c0572ec2cb563.jpg)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Lương của nhà giáo được xếp cao nhất
Cụ thể, về chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng bỏ quy định cụ thể về tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu. Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; việc cải thiện chính sách tiền lương cho công chức, viên chức cần được nghiên cứu, tính toán đồng bộ trong quá trình xây dựng chính sách tiền lương theo vị trí việc làm.
Đối với chính sách hỗ trợ chỗ ở tập thể, thuê nhà ở công vụ đối với giáo viên, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng nhà giáo được hưởng chính sách thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở hoặc được bảo đảm chỗ ở tập thể khi đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, bổ sung quy định trường hợp không bố trí được chỗ ở tập thể hoặc nhà ở công vụ thì nhà giáo được hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo mức hỗ trợ thuê nhà ở công vụ; bỏ tiêu chí “đủ các điều kiện thiết yếu” trong quy định về nhà ở tập thể của giáo viên.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định về trình độ chuẩn được đào tạo đối với nhà giáo dạy môn học đặc thù, nhà giáo làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng trong trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; đưa quy định về lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn và sử dụng nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn về điều khoản chuyển tiếp để thống nhất với quy định của Luật Giáo dục.
Cần hoàn thiện hơn các nội dung về đạo đức nhà giáo
Tại Phiên họp 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa qua, các ý kiến cơ bản cho rằng, đến thời điểm hiện tại, về tổng thể, các nội dung của dự thảo Luật Nhà giáo đã có sự tiếp thu, chỉnh sửa chi tiết, bảo đảm bám sát đúng tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, chỉ quy định những nội dung chung, mang tính nguyên tắc, những nội dung thuộc thẩm quyền của QH, đã được thực tiễn chứng minh tính ổn định.
![Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_207_51435840/f50702573919d0478908.jpg)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)
Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản thống nhất với việc giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục để chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển nhà giáo đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ nhà giáo; giao Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của từng Bộ, ngành liên quan, nhất là việc giao thẩm quyền quản lý nhà nước về nhà giáo ở các địa phương cho UBND cấp tỉnh đối với nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.
Riêng về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, các Ủy viên UBTVQH cơ bản ủng hộ việc cho phép viên chức là nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; cho rằng quy định như vậy là phù hợp và có tính cách mạng. UBTVQH cũng nhất trí với quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp và được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề; cơ chế hỗ trợ tiền thuê nhà cho giáo viên khi công tác tại khu vực khó khăn; chính sách nghỉ hưu sớm trước tuổi nhưng không bị giảm tỷ lệ lương hưu đối với giáo viên mầm non có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên…
Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị hoàn thiện các nội dung về đạo đức nhà giáo. Theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định, đạo đức không phải là quy tắc mà là chuẩn mực ứng xử. Đạo đức nhà giáo là vấn đề rất khó định nghĩa, đạo đức nhà giáo là ứng xử của nhà giáo được mọi người đánh giá là có đạo đức, không có đạo đức, đạo đức cao, đạo đức thấp. Do đó, nên sửa thành “quy định về đạo đức nhà giáo”; nếu chỉ dùng từ “đạo đức nhà giáo” thì phải viết lại.
Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương nêu rõ, qua tham khảo các tài liệu, đạo đức là một hệ giá trị chuẩn mực, song hiện chưa thống nhất với nhau về khái niệm. Bởi thế, có thể quy định lại là quy tắc ứng xử hoặc quy tắc về đạo đức nhà giáo thì sẽ thuyết phục hơn.
Ở khía cạnh khác có liên quan, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị cần bổ sung thêm một điều khoản quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên thì cũng cần phải bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức sư phạm của giáo viên.