Từ hôm nay, hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp phải nộp thuế VAT

Bắt đầu từ 18/2, hàng nhập khẩu giá trị thấp, dưới 1 triệu đồng được gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, sẽ không còn được miễn thuế giá trị gia tăng.

Hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp phải nộp thuế VAT

Bắt đầu từ ngày mai 18/2, hàng nhập khẩu giá trị thấp, dưới 1 triệu đồng được gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, sẽ không còn được miễn thuế giá trị gia tăng. Đây là nội dung trong Quyết định số 01/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc thay đổi chính sách được đưa ra trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh, làm tăng đáng kể số lượng hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng qua dịch vụ chuyển phát nhanh đạt 27,7 nghìn tỷ đồng. Nếu áp dụng mức thuế GTGT 10%, ngân sách Nhà nước có thể tăng thu khoảng 2,7 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia Kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, theo Nghị quyết số 78 của Thủ tướng Chính phủ năm 2010, chúng ta đã miễn thuế theo Công ước Kyoto năm 1973, để hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hải quan, thúc đẩy thương mại quốc tế. Tuy nhiên, theo số lượng của Tổng cục Hải quan từ ngày 1/1-6/2024, bình quân mỗi tháng chúng ta có khoảng 1,3-1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ xuyên biên giới không phải tính thuế.

Có thể thấy việc bãi bỏ miễn thuế với hàng hóa giá trị thấp đang là xu hướng chung trên toàn cầu

Có thể thấy việc bãi bỏ miễn thuế với hàng hóa giá trị thấp đang là xu hướng chung trên toàn cầu

Rõ ràng, với một số lượng hàng hóa lớn như vậy, bình quân một ngày khoảng 500 triệu USD hàng hóa qua biên giới không tính thuế. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải đóng thuế bình thường và nó tạo ra một sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp kinh doanh trong nước với các hàng hóa nhập khẩu. Chính việc không đánh thuế đó đang làm cho các doanh nghiệp trong nước giảm khả năng cạnh tranh, thậm chí nhiều doanh nghiệp có nguy cơ lâm vào phá sản.

"Vì vậy, việc đánh thuế tạo ra sự công bằng. ngoài ra đây cũng phù hợp với xu hướng cải cách thuế của chúng ta. Đó là mở rộng diện chịu thuế, tránh thất thu thuế và phù hợp với xu hướng quốc tế. Đó là hiện nay đã số hóa tương đối lớn và việc thông quan đã không phức tạp ở những sản phẩm hàng hóa nhỏ này. Cho nên, hầu hết các nước trên thế giới đều bỏ thuế này”, ông Thịnh cho biết.

Xu hướng bãi bỏ miễn thuế với hàng nhập khẩu giá trị thấp

Không chỉ Việt Nam, xu hướng toàn cầu cũng đang thay đổi. Với nhiều quốc gia đã loại bỏ chính sách miễn thuế giá trị gia tăng cho hàng nhập khẩu giá trị thấp.

Kể từ năm 2021, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã xóa bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với các lô hàng từ 22 Euro trở xuống.

Vương quốc Anh cũng bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có tổng giá trị từ 135 bảng Anh trở xuống từ ngày 1/1/2021.

Australia cũng bỏ quy định về miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa có giá trị từ 666 USD trở xuống.

Tương tự, tại Singapore, từ ngày 1/1/2023 cũng bắt đầu bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa giá trị nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Để đảm bảo thực hành thương mại công bằng, từ ngày 1/5/2024, Thái Lan cũng thu thuế giá trị gia tăng đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, không phân biệt giá trị.

Có thể thấy việc bãi bỏ miễn thuế với hàng hóa giá trị thấp đang là xu hướng chung trên toàn cầu.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia Kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định: “Đối với doanh nghiệp trong nước, đây là một điều đảm bảo tính công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh. Và các doanh nghiệp trong nước có điều kiện chấn chỉnh lại và hạ thấp giá thành, từ đó cạnh tranh một cách bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu. Đối với người tiêu dùng, về cơ bản họ giữ nguyên hoặc có thể chịu thuế cao hơn. Vì trong thực tế, khi không đóng thuế nhập khẩu, không đóng thuế VAT, người bán vẫn bán theo giá bình thường mà họ vẫn bán trước đây. Cũng có thể có một số doanh nghiệp nước ngoài khi nhập và bán, họ có giảm trừ thuế, trong trường hợp như vậy, thuế có thể làm cho giá trị hàng hóa nhập khẩu cao hơn bình thường. Nhưng chỉ bảo đảm ở mức bình thường”.

Hiện nay, việc triển khai thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp đặt ra nhiều thách thức, như hệ thống khai báo hải quan và các quy trình liên quan chưa được thiết kế để xử lý việc thu thuế này một cách hiệu quả.

Đối với vấn đề này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia Kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đưa ra ý kiến: “Để tháo gỡ những khó khăn này, trước hết đối với các đơn vị chuyển phát nhanh hoặc bưu điện, cần phải nhanh chóng áp dụng các phần mềm quản lý về thuế theo chương trình mới. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, chúng ta chỉ cần 4 tuần để làm việc sử dụng thay đổi phần mềm nhuần nhuyễn trong các doanh nghiệp này. Như vậy, với thời gian chuẩn bị trong thời gian vừa qua, đến thời điểm hiện tại, chúng ta có thể tin rằng, từ ngày 18/2, việc đưa vào thông quan sẽ được thực hiện trên cơ sở phần mềm số hóa của các đơn vị doanh nghiệp. Có thể trong một vài ngày đầu còn có khó khăn, có thể có việc sử dụng công cụ thủ công. Nhưng sau đó, trong một vài ngày tới, máy móc, phương tiện, phần mềm sẽ chạy bình thường, lúc đó, chúng tôi hy vọng mọi việc sẽ nhanh chóng và không ảnh hưởng đến quá trình thông quan”.

Theo VTV.vn

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202502/tu-hom-nay-hang-hoa-nhap-khau-gia-tri-thap-phai-nop-thue-vat-9590980/
Zalo