Việt Nam mong sự hiện diện của các trung tâm đổi mới sáng tạo Nhật Bản
Đại diện NIC cho biết Việt Nam đã có cơ chế hỗ trợ tiền mặt cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, kỳ vọng các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia hợp tác nhiều hơn.

Việt Nam đang nỗ lực kêu gọi đầu tư vào kinh tế số, nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo của quốc gia. Ảnh: Quỳnh Danh.
Phát biểu tại Hội nghị Giải pháp chuyển đổi bền vững 2025 do Tạp chí Tài chính Nikkei BP phối hợp với Viện Phát triển Quản trị và Công nghệ (AOTS) tổ chức ngày 18/2 tại TP.HCM, ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) bày tỏ mong muốn có sự hiện diện của các trung tâm đổi mới sáng tạo quy mô lớn Nhật Bản tại Việt Nam.
Loạt cơ chế, chính sách đặc biệt thu hút đầu tư vào kinh tế số
Theo ông Hoài, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong nền kinh tế số cũng như quá trình đổi mới sáng tạo của quốc gia.
Trong khi đó, các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong đổi mới sáng tạo và kinh tế số có tính đa dạng, từ đó giúp quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trở nên sôi động hơn.
Năm 2024, Việt Nam và Nhật Bản đã ra mắt Hiệp hội chuyển đổi số, trong đó có hơn 100 doanh nghiệp công nghệ số đặt tại Tokyo cùng với hàng nghìn nhân sự Nhật Bản.
Đồng thời, Việt Nam đã làm việc cùng Đại sứ quán Nhật Bản để triển khai sáng kiến chung giữa hai bên, đặc biệt giúp kết nối các nhà đầu tư hai nước. Qua đó, Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế số.
Đáng chú ý, vào ngày 19/2, Việt Nam sẽ hợp tác cùng Nhật Bản và các cơ quan liên quan để cử một loạt doanh nghiệp cùng các lãnh đạo địa phương Nhật Bản tham gia thảo luận về các sáng kiến phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và nguồn nhân lực bán dẫn. Đây là cơ hội giúp thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên.
Thời gian tới, ông Hoài đề nghị hai bên tiếp tục hợp tác, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy kinh tế số.

Ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc NIC phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Anh Nguyễn.
Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm cụ thể hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40%.
Về kinh tế số, trong năm 2024, tỷ trọng kinh tế số ước đạt 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm. Điều đó cho thấy Việt Nam có nỗ lực rất lớn trong việc phát triển kinh tế số.
Chia sẻ về thuận lợi của các doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới, lãnh đạo NIC nhấn mạnh tại Nghị định 182 về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư được ban hành vừa qua, Việt Nam lần đầu có cơ chế hỗ trợ tiền mặt cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số và phát triển kinh tế số.
Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu hoặc chi phí hoạt động hàng năm. Điều này giúp tạo nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Mặt khác, việc phát triển hạ tầng số cũng sẽ được thực hiện song song với phát triển kinh tế số. Việt Nam đang dần hoàn thiện dự án cao tốc Bắc - Nam, đồng thời sân bay Long Thành cũng sẽ cơ bản đưa vào hoạt động trong năm 2026.
Bên cạnh đó, Việt Nam có tỷ lệ sử dụng Internet trong top đầu thế giới, có tốc độ đường truyền cao và đang hoàn thiện hệ thống cáp quang. Ngoài ra, các trung tâm dữ liệu cũng đang được Việt Nam triển khai và hợp tác với các tập đoàn lớn.
"Việt Nam đang xây dựng hệ thống hạ tầng điện rất tốt, đường tải điện Bắc - Nam dần hoàn thiện cùng với điện mặt trời, năng lượng tái tạo. Quốc hội hiện cũng đang thảo luận về năng lượng hạt nhân", ông Hoài bổ sung.
Hiện, Việt Nam đang có 3 khu công nghệ cao quy mô tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Ngoài ra, các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Đồng Nai cũng đang từng bước quy hoạch khu vực phù hợp nhằm phát triển khu công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Về nguồn nhân lực phát triển kinh tế số, Chính phủ đã có Chỉ thị riêng giúp phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Đồng thời, Việt Nam đang hoàn thiện các luật về viễn thông, dữ liệu, cũng như các Nghị định liên quan đến thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Từ những chính sách trên, Việt Nam đã đạt được các kết quả nổi bật. Theo đó, xuất khẩu sản phẩm số của Việt Nam đã từ 113,5 tỷ trong năm 2021 lên 117 tỷ năm 2023. Đáng chú ý, nhiều tập đoàn công nghệ số cũng đã đầu tư vào các trung tâm R&D lớn của Việt Nam như NVIDIA, Samsung, Meta, Google...
Riêng với TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết TP đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm dẫn đầu về AI, kinh tế số, xã hội số, trung tâm tài chính và giáo dục công nghệ. Khi đó, tỷ trọng kinh tế số được kỳ vọng đạt 40%.
"Việc đổi mới sáng tạo không chỉ áp dụng cho kinh tế mà còn giúp phát triển xã hội. TP.HCM sẽ là nơi tạo ra động lực thúc đẩy cho các doanh nghiệp chuyển đổi số cũng như đổi mới sáng tạo vì chất lượng cuộc sống của người dân", ông Hoan chia sẻ, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian tới.
Nhật Bản có thể là đối tác tốt nhất trong chuyển đổi số của Việt Nam
Cũng tại hội nghị, Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki cho biết nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư tích cực tại Việt Nam, không chỉ tập trung ở Hà Nội, TP.HCM, mà còn mở rộng đến các tỉnh, thành khác. Một số đơn vị cũng đang hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Trong số nhiều lĩnh vực, ông cho rằng tiềm năng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam về kinh tế số là rất lớn.
Ông đánh giá ngành công nghiệp số ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Doanh thu năm 2024 được dự báo đạt 152 tỷ USD và đã tăng trưởng khoảng 36% so với năm 2019. Trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, kinh tế số cũng được đánh giá rất cao và có vị trí rất quan trọng.
"Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản có thể trở thành đối tác tốt nhất trong việc thúc đẩy chuyển đổi số của Việt Nam", ông Ito Naoki nhấn mạnh.
Khi các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác với các công ty liên quan đến công nghệ thông tin tại Việt Nam, đặc biệt là các startup, có thể tạo ra được những xu hướng mới về đổi mới sáng tạo, giúp cải thiện khả năng cạnh tranh. Ông đồng thời khẳng định Nhật Bản mong muốn thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, hướng tới một tương lai phát triển lâu dài.