Tự điều trị thuốc Tamiflu, người phụ nữ phải nhập viện do cúm bội nhiễm

Bị sốt cao, tự test cúm tại nhà và có kết quả dương tính, chị N.N.P (30 tuổi, Hà Nội) mua thuốc kháng virus Tamiflu uống trong 2 ngày. Tuy nhiên, sốt cao và mệt mỏi không đỡ khiến chị phải nhập viện trong tình trạng bội nhiễm.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện E, thời gian vừa qua, nơi đây tiếp nhận nhiều ca mắc cúm bội nhiễm do tự ý dùng thuốc điều trị tại nhà.

Không chỉ người cao tuổi hay người có bệnh nền, cúm còn có thể gây biến chứng nguy hiểm ở người trẻ khỏe mạnh. Trước khi nhập viện 4 ngày, chị N.N.P (30 tuổi, Hà Nội) xuất hiện sốt cao kèm đau đầu, đau họng, ho có đờm, sổ mũi, đau mỏi người. Sau khi tự test cúm tại nhà và có kết quả dương tính, chị P đã tự dùng Tamiflu trong 2 ngày. Tuy nhiên, tình trạng còn sốt cao và mệt mỏi khiến chị P phải đến khám tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E.

Tại đây, chị P được chẩn đoán mắc cúm B bội nhiễm và được chỉ định điều trị bằng kháng sinh, kháng virus cúm, kết hợp các biện pháp hỗ trợ như giảm ho, hạ sốt và bù nước điện giải. Theo bác sĩ điều trị, từ trường hợp này cho thấy ngay cả người trẻ có tiền sử khỏe mạnh cũng không nên chủ quan với cúm, đặc biệt khi bệnh diễn biến kéo dài hoặc có dấu hiệu bất thường.

Cũng tự mua thuốc về uống sau khi sốt kéo dài, ho có đờm, đau họng và mệt mỏi nhưng không khỏi, bà N.T.T (73 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng diễn biến nặng. Bà T được chẩn đoán mắc cúm A bội nhiễm.

Nhiều người mắc cúm A phải nhập viện.

Nhiều người mắc cúm A phải nhập viện.

ThS.BS Đinh Thị Bích Thục, Khoa Bệnh Nhiệt đới cho biết, thống kê từ tháng 1/2025, tại đây tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 250 ca bệnh cúm các loại. Tuy nhiên, thời gian từ sau Tết Nguyên đán 2025, số ca mắc cúm đến khám và điều trị có xu hướng gia tăng, trung bình khoảng 10 bệnh nhân mắc cúm mỗi ngày. Cao điểm có ngày gần 40 bệnh nhân tới khám, trong đó, hơn một nửa là mắc cúm.

Đáng chú ý, không chỉ người cao tuổi, trẻ nhỏ hay người có bệnh nền (tim mạch, đái tháo đường, hô hấp…) mà ngay cả những người trẻ, khỏe mạnh cũng có nguy cơ mắc bệnh và gặp biến chứng nếu chủ quan.

BS Thục nhấn mạnh, bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc cúm, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau tùy theo từng đối tượng. Mặc dù nhiều trường hợp cúm có thể tự hồi phục, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, bội nhiễm vi khuẩn, thậm chí đe dọa tính mạng ở những trường hợp nặng.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tại Việt Nam, số ca mắc cúm tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong dịp Tết Nguyên đán 2025 nhưng chưa có đột biến so với các năm trước. Các chủng virus cúm phổ biến gồm cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Hiện nay, thời tiết mùa đông - xuân với độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và lây lan. Đồng thời, nhu cầu đi lại, giao thương và các hoạt động lễ hội đầu năm gia tăng cũng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh…

BS Đồng Phú Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48h đầu, có triệu chứng sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi và theo chỉ định của bác sĩ. Sau 48h, bệnh nhân chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng.

Thuốc kháng virus cúm chỉ có lợi ích với những người bị cúm nặng (đã nhập viện), hoặc bị cúm và có yếu tố nguy cơ bị nặng và cần được bác sĩ đánh giá và kê đơn. Việc tự ý mua và dùng thuốc tự do không theo hướng dẫn, không đúng liều lượng và thời gian có thể là yếu tố nguy cơ gia tăng tình trạng virus cúm đề kháng thuốc sẽ gây khó khăn cho điều trị bệnh cúm trong tương lai.

Để phòng ngừa bệnh cúm mùa, bác sĩ khuyến cáo người dân cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh...

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để khám và xử trí kịp thời.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/tu-dieu-tri-thuoc-tamiflu-nguoi-phu-nu-phai-nhap-vien-do-cum-boi-nhiem-i759328/
Zalo