'Lá chắn' bảo vệ sức khỏe trẻ em
Trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương hơn so với các đối tượng khác trước các bệnh truyền nhiễm do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn non nớt. Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin là một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa bệnh tật, mang lại cho trẻ nhiều lợi thế sức khỏe, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.

Cán bộ Trạm Y tế xã Thanh Trù (Vĩnh Yên) tiêm phòng vắc xin cho trẻ nhỏ. Ảnh: Kim Ly
Tìm hiểu thực tế tại phòng tiêm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được biết, phần lớn người dân đều hiểu rõ về ý nghĩa của việc tiêm vắc xin và nắm được lịch các mũi tiêm phòng quan trọng cho trẻ theo từng giai đoạn.
Chị Vũ Thị Hương, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) chia sẻ: “Hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin đầy đủ đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ nên tôi luôn đưa con đi tiêm chủng theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Tôi được các bác sĩ tư vấn rất chi tiết về lịch tiêm của trẻ. Đặc biệt thông báo nhắc hẹn tiêm chủng hiện nay đều được gửi qua tin nhắn, tạo thuận lợi trong việc theo dõi quá trình tiêm chủng của con”.
Những ngày qua, tình hình cúm mùa diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, chị Hoàng Thu Liên, phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) quyết định cho các con tiêm dịch vụ mũi vắc xin phòng cúm để tăng khả năng phòng, chống dịch bệnh.
Chị Liên cho biết: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết trẻ em là nhóm có nguy cơ dễ bị lây nhiễm và có thể diễn biến nặng khi mắc cúm mùa nên tôi quyết định đưa 2 con đi tiêm vắc xin phòng cúm. Tôi hiểu rõ tiêm vắc xin là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp trẻ phòng, chống bệnh tật nên luôn chú ý đưa con đi tiêm đầy đủ, đúng lịch hẹn của bác sĩ. Ngoài các mũi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), tôi còn cho các con tiêm dịch vụ một số mũi vắc xin tăng cường như viêm não mô cầu, cúm, phế cầu… để các con được bảo vệ tốt nhất trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh”.
Hiện nay, có hai hình thức tiêm phòng vắc xin gồm tiêm phòng theo chương trình TCMR và tiêm dịch vụ. Chương trình TCMR được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 1985 và ngày càng mở rộng về quy mô, số lượng vắc xin. Đến nay, đã có 12 vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào chương trình như viêm gan B, bạch hầu, lao, bại liệt, ho gà, uốn ván, sởi… Hiệu quả của chương trình TCMR đã góp phần tạo "lá chắn" bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng dân số, được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất ở Việt Nam.
Tại Vĩnh Phúc, với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác TCMR đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh; bệnh Sởi và Rubella được khống chế; tiêm chủng các mũi vắc xin hằng năm luôn đạt tỷ lệ cao so với các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bên cạnh những vắc xin trong chương trình TCMR, hiện người dân có thể lựa chọn tiêm dịch vụ với một số loại vắc xin phòng bệnh khác cho trẻ như 5 trong 1, 6 trong 1, viêm gan siêu vi A, viêm não mô cầu A-C hoặc B-C, cúm mùa... Hệ thống tiêm chủng trên địa bàn tỉnh được củng cố, tăng cường bao gồm các cơ sở y tế thực hiện công tác TCMR và tiêm chủng dịch vụ, giúp các cha mẹ có nhiều lựa chọn để tiêm phòng cho con.
Bác sĩ Bùi Văn Hồng, Phó Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Tiêm chủng là giải pháp hiệu quả để bảo vệ trẻ trước nguy cơ bệnh dịch, đặc biệt là trong những năm đầu đời, giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển toàn diện. Vắc xin giúp cơ thể trẻ tạo miễn dịch chủ động, tạo “lá chắn” đặc hiệu chống lại các tác nhân gây bệnh. Nếu trẻ mắc bệnh, thời gian bệnh sẽ ngắn hơn và triệu chứng nhẹ hơn so với trẻ không được tiêm chủng, từ đó giảm rủi ro để lại di chứng sau khi mắc bệnh.
Bên cạnh những lợi ích trực tiếp cho trẻ được tiêm vắc xin, tỷ lệ bao phủ vắc xin được mở rộng góp phần bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng, nhất là những người không được miễn dịch do chưa đến tuổi tiêm phòng hoặc không đủ điều kiện để tiêm phòng, hạn chế sự lây lan của các dịch, bệnh nguy hiểm trong cộng đồng”.
Để vắc xin thực sự là "lá chắn” bảo vệ sức khỏe trẻ em và cả cộng đồng, Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì và phát huy thành quả đạt được của chương trình TCMR, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích tiêm chủng, khuyến cáo người dân đưa con em tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tiêm chủng; tiếp tục kiện toàn hệ thống kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở; kiện toàn Hội đồng đánh giá, tư vấn phản ứng sau tiêm chủng; duy trì và củng cố đội ngũ cán bộ chuyên trách thực hiện chương trình TCMR từ tỉnh đến huyện, xã; tổ chức các lớp đào tạo mới, đào tạo lại, tập huấn, hướng dẫn về tiêm chủng an toàn, khám sàng lọc, xử trí phản ứng phản vệ sau tiêm chủng cho trẻ em; nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm an toàn tiêm chủng theo quy định…