'Trường - Viện' và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao - Kỳ 1: Gắn kết hữu cơ giữa các thực thể
Mô hình 'Trường - Viện' đã minh chứng mang lại hiệu quả thiết thực trước yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao như hiện nay. Mô hình này của Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế (ĐHH) đã được Ban Tuyên giáo Trung ương chọn là điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024.
Các nguyên lý cốt lõi của mô hình “Trường - Viện” của Trường đại học Y - Dược, ĐHH là sự kết hợp đào tạo giữa lý thuyết và thực hành, giữa lý luận với thực tiễn, giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành quả nghiên cứu khoa học vào khám, chữa bệnh.
“Học đi đôi với hành”
Như bao sinh viên Trường đại học Y - Dược, ĐHH, Phan Thị Phương Thảo (sinh viên năm 5 ngành y khoa) cảm thấy tự tin khi mình được đào tạo trong môi trường đại học chuyên nghiệp. Thời lượng giữa lý thuyết kết hợp thực hành được trường, khoa bố trí hợp lý, giúp cho Thảo và sinh viên ngành y nắm bắt tốt nhất những kiến thức, kinh nghiệm, đặc biệt là kỹ năng thực hành. “Chỉ còn một năm nữa tốt nghiệp đại học, em đã rất tự tin bản thân sẽ áp dụng kiến thức trên giảng đường vào thực tiễn khám, chữa bệnh sau này”, Thảo nói.
Thảo chia sẻ, trong môi trường học tập theo mô hình “Trường - Viện” của Trường đại học Y - Dược, ĐHH, em cũng như các bạn cùng trường, lớp được giảng dạy lý thuyết từ các môn cơ sở đến bệnh học tại trường. Chẳng hạn như ngành y khoa đã và đang được đào tạo theo chương trình đổi mới, tích hợp dựa trên năng lực, Thảo được học kiến thức cơ sở theo từng hệ cơ quan, mà ở đó sẽ tích hợp các ca lâm sàng liên quan giúp sinh viên liên hệ với thực tế.
Cùng với đó là các môn tiền lâm sàng được thực hành và đánh giá chuẩn xác trên bệnh nhân, giúp sinh viên trang bị các kỹ năng cơ bản, từ kỹ năng giao tiếp, tính chuyên nghiệp đến kỹ năng thăm khám bệnh nhân… trước khi được thực hành tại bệnh viện. Như câu nói “Học đi đôi với hành”, từ những lần đầu thực tập tại bệnh viện, tiếp cận bệnh nhân bằng sự vụng về, đó là lúc mà sinh viên nhận thấy bên cạnh kiến thức lý thuyết tốt thì kỹ năng lâm sàng rất quan trọng. Điều này buộc các bạn sinh viên phải chủ động, tích cực rèn luyện, trau dồi thực hành, thực tiễn để cải thiện các kỹ năng này.
Nhiều sinh viên Trường đại học Y - Dược, ĐHH bày tỏ, được thực tập tại Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế là cơ hội để các sinh viên tiếp xúc trực tiếp với môi trường làm việc của nhân viên y tế, được tham gia vào quá trình khám bệnh và chăm sóc bệnh nhân, được tiếp cận các phương pháp chẩn đoán và điều trị tiến bộ. Quan trọng hơn nữa là sinh viên được sự hướng dẫn và giám sát của các bác sĩ và giảng viên giàu kinh nghiệm. Chính thầy, cô là người trực tiếp giảng dạy sinh viên, đồng thời là bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân nên năng lực chuyên môn và giảng dạy luôn được tích lũy và trau dồi.
Trong các buổi giao ban lâm sàng, chính thầy, cô là những người trực tiếp điều trị nên giúp các sinh viên nhìn nhận rõ sự khác biệt khi đi từ lý thuyết đến lâm sàng, chẩn đoán, điều trị và dự phòng. Mặt khác, nhờ việc tiếp xúc với bệnh nhân, sinh viên ngành y học có được sự thấu hiểu và đồng cảm với người bệnh, cũng như nắm rõ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, từ đó hình thành y đức - yếu tố rất quan trọng đối với bất kỳ ai theo đuổi nghề y.
Nâng cao chất lượng giảng viên
TS. Đặng Thị Anh Thư, Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Giám đốc Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng Trường đại học Y - Dược, ĐHH chia sẻ, với vai trò, trách nhiệm của mình, cô luôn ủng hộ và chủ động đóng góp vào việc phát huy mô hình "Trường - Viện" của Trường đại học Y - Dược, ĐHH. Mô hình này không chỉ kết hợp đào tạo và nghiên cứu, mà còn tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa học thuật và thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và sức khỏe cộng đồng.
Hiện Khoa Y tế cộng đồng đảm nhiệm chính chuyên đào tạo cho 10 ngành đại học và sau đại học. Với vai trò Giám đốc Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng, TS. Thư chủ động thúc đẩy hợp tác trong và ngoài nước, thực hiện các nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong lĩnh vực y tế cộng đồng. Viện nghiên cứu là nơi TS. Thư cùng các cộng sự xây dựng và triển khai các dự án nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh và các vấn đề y tế công cộng đang ngày càng trở nên phức tạp.
Theo lãnh đạo Trường đại học Y - Dược, ĐHH, các giảng viên của trường còn tham gia vào việc hoạch định chiến lược phát triển đào tạo và nghiên cứu của nhà trường, với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế. Việc kết nối nghiên cứu khoa học với thực tế rất quan trọng, tạo ra môi trường học tập năng động gắn với thực tiễn cho sinh viên, học viên và phát triển các mô hình can thiệp y tế hiệu quả nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng. Thúc đẩy các hoạt động hợp tác giúp tạo ra một mạng lưới thực hành phong phú cho sinh viên/học viên và củng cố mối quan hệ gắn kết hữu cơ giữa các thực thể của mô hình “Trường - Viện” đã và đang được hoàn thiện và triển khai tại nhà trường.
Mô hình "Trường - Viện" tại Trường đại học Y - Dược, ĐHH không chỉ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các giảng viên trong công tác giảng dạy cũng như các hoạt động chuyên môn.
Trước hết, mô hình "Trường - Viện" giúp các giảng viên tiếp cận trực tiếp với các cơ sở thực hành, đặc biệt là Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế và các cơ sở y tế khác tại địa phương và trong khu vực. Việc này giúp giảng viên không chỉ giảng dạy lý thuyết mà còn có cơ hội đưa những kiến thức mới nhất vào ứng dụng thực tế. Sinh viên/học viên không chỉ học trong lớp mà còn được tham gia vào các chương trình thực tập tại các bệnh viện, các cơ sở y tế và các cộng đồng, nơi mà các giảng viên có thể hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên/học viên thực hành, rèn luyện kỹ năng trực tiếp với bệnh nhân, người dân tại các địa phương.
Mô hình này cũng giúp giảng viên phát triển và mở rộng các nghiên cứu chuyên môn, nghiên cứu khoa học để cải tiến phương pháp giảng dạy và đóng góp vào sự phát triển chung của ngành y tế. Trong môi trường "Trường - Viện", các nghiên cứu có thể được hỗ trợ, thậm chí triển khai ngay tại các cơ sở thực hành, từ đó mang lại kết quả thực tiễn và có giá trị cao hơn. Sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành giúp tăng cường tính ứng dụng của các nghiên cứu khoa học, tạo ra cơ hội cho giảng viên và sinh viên/học viên tham gia vào các dự án nghiên cứu quy mô lớn.
(Còn nữa)