Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX: Ưu tiên nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia
Hiện nay, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia mức độ 1 của tỉnh Bắc Giang đạt 95,8%, cao hơn bình quân chung của cả nước 38%. Tỉnh ủy Bắc Giang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, tạo đà nâng chất lượng giáo dục.
Hơn 1,6 nghìn tỷ đồng xây dựng trường chuẩn quốc gia
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đặt ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 21,4% cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã quan tâm lãnh đạo tập trung các nguồn lực để thực hiện. Trong 2 năm 2023, 2024, toàn tỉnh huy động hơn 1,6 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tại các huyện, thị xã, thành phố, cấp ủy, chính quyền xác định xây dựng trường chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ phát triển KT-XH trọng tâm của năm. Năm 2024, nhiều huyện có số trường chuẩn quốc gia mức độ 2 vượt kế hoạch đề ra như: Lục Nam tăng 4 trường, Lạng Giang tăng 4 trường, Tân Yên tăng 3 trường.
Với đặc thù địa bàn trọng điểm công nghiệp, dân số cơ học tăng nhanh, để bảo đảm cơ sở vật chất trường lớp phục vụ việc học tập cho con em công nhân, Ban Thường vụ Thị ủy Việt Yên đã ban hành Nghị quyết số 228-NQ/TU ngày 11/3/2024 về phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn thị xã giai đoạn 2024-2030. Trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030, thị xã Việt Yên có hơn 70% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Thị ủy Việt Yên cho biết: “Để thực hiện mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền thị xã chủ trương đầu tư nguồn lực; rà soát hiện trạng, bổ sung định hướng quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục. Trong đó ưu tiên quỹ đất xây dựng trường lớp ở các khu đô thị mới, khu đông dân cư, nơi có khu, cụm công nghiệp”. Từ nay đến năm 2030, thị xã bố trí mở rộng hơn 155 nghìn m2 đất tạo không gian, cảnh quan cho các trường có khuôn viên chật hẹp; xây mới và sửa chữa hơn 1 nghìn phòng học, phòng chức năng, nhà đa năng theo quy chuẩn. Mới đây, Trường Mầm non Quang Châu mở rộng diện tích thêm hơn 5 nghìn m2, xây mới 8 phòng chức năng và một số công trình phụ trợ với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng để đạt chuẩn mức độ 2.
Tập trung cao đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng chuẩn hóa, đến nay, thị xã Việt Yên có tỷ lệ trường chuẩn mức độ 2 cao nhất tỉnh, với 35/62 trường, đạt 56%. Một số trường đã hoàn thiện các tiêu chí trường chuẩn mức độ 2 đang chờ thẩm định.
Với huyện Lục Ngạn, các tiêu chí về tổ chức và quản lý nhà trường, đội ngũ, kết quả giáo dục đều cơ bản đạt yêu cầu. Chỉ riêng tiêu chí về cơ sở vật chất còn khó khăn do nhiều phòng học cũ, không đạt chuẩn. Trong giai đoạn 2023-2025, Huyện ủy Lục Ngạn tập trung cao chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Bà Trần Thị Minh Sử, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Lục Ngạn cho biết: “Toàn huyện đã đầu tư xây mới một số trường như: Mầm non Giáp Sơn, Nam Dương, Mỹ An, Sơn Hải, Tiểu học Quý Sơn số 2. Dự kiến kinh phí xây dựng hạ tầng, mua thiết bị dạy học giai đoạn 2023-2025 của huyện là hơn 418,1 tỷ đồng. Đến tháng 12/2024, huyện Lục Ngạn có 9 trường học đạt chuẩn mức độ 2”.
Tháo gỡ khó khăn
Đến tháng 12/2024, toàn tỉnh có 29,1% trường đạt chuẩn mức độ 2 (vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra), trong đó có 76 trường mầm non, 83 trường tiểu học, 45 trường THCS và 2 trường THPT. Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, dù tỷ lệ trường chuẩn mức độ 2 đạt cao hơn bình quân chung toàn quốc nhưng số trường THPT đạt chuẩn thấp, công tác xây dựng trường chuẩn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp.
Đến tháng 12/2024, toàn tỉnh có 29,1% trường đạt chuẩn mức độ 2 (vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra), trong đó có 76 trường mầm non, 83 trường tiểu học, 45 trường THCS và 2 trường THPT.
Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang) không thể nâng chuẩn từ mức độ 1 lên mức độ 2 được do trường có diện tích nhỏ hẹp nhất cấp THPT với hơn 8,9 nghìn m2. Hiện nay, trường thiếu phòng học, phòng chức năng, trong khi học sinh đông. Đây là trường THPT duy nhất của tỉnh chưa có nhà đa năng, sân tập thể dục, thể thao, gây khó khăn cho việc dạy và học giáo dục thể chất và các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm.
Với địa bàn Lục Ngạn, Sơn Động, nhiều cơ sở giáo dục nằm ở vùng địa hình đồi núi nên việc bố trí mặt bằng đủ rộng để xây dựng trường học đạt chuẩn mức độ 2 gặp khó khăn. Huyện Lục Ngạn mới có 4 trường tiểu học, 3 trường THCS, 4 trường THPT có nhà đa năng. Trường THCS Sa Lý và THCS Biên Sơn chưa có quỹ đất bố trí sân tập thể thao.
Tiếp tục triển khai lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 2, tháng 4/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 293-KL/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư cơ sở vật chất, bố trí giáo viên các trường mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đến năm 2030. UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 33 ngày 24/5/2024 về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bố trí giáo viên đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập giai đoạn 2024-2030. UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, TP xây dựng và triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên cơ sở phương án phát triển GD&ĐT tỉnh Bắc Giang trong quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030.
Đối với các địa phương sắp xếp đơn vị hành chính như huyện Lục Ngạn, huyện Yên Dũng và TP Bắc Giang, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Sở phối hợp với các đơn vị rà soát lại việc xây dựng trường chuẩn. Trong đó đề xuất ưu tiên mở rộng quỹ đất cho những trường đông học sinh, thiếu diện tích, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng phòng học, phòng chức năng theo tiêu chuẩn mới. Đồng thời, Sở chỉ đạo các trường tập trung cao nâng chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhà giáo đáp ứng tốt yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bài, ảnh: Minh Thu