Trung Quốc lựa chọn chiến lược 'kiên nhẫn' để duy trì ổn định kinh tế

Hôm thứ Sáu, Bộ Chính trị Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề từ mức thuế ba chữ số mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc, song không công bố thêm các gói kích thích mới.

Trung Quốc lựa chọn chiến lược "kiên nhẫn" để duy trì ổn định kinh tế trước áp lực thuế quan

Trung Quốc lựa chọn chiến lược "kiên nhẫn" để duy trì ổn định kinh tế trước áp lực thuế quan

Quyết định không mở rộng kích thích kinh tế đã gây thất vọng cho giới đầu tư, kéo cổ phiếu bất động sản Trung Quốc giảm 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, bất chấp nỗ lực của chính quyền nhằm trấn an những lo ngại về nguy cơ tăng trưởng suy giảm mạnh.

Theo các chuyên gia và cố vấn chính sách, Bắc Kinh đã kích hoạt trạng thái kích thích kinh tế cao hơn và có khả năng duy trì mức độ này trong những tháng tới nhằm giảm nhẹ tác động từ việc "đánh mất khách hàng lớn nhất" của mình - Mỹ, ít nhất trong ngắn hạn.

Việc chưa công bố thêm gói kích thích không có nghĩa là Trung Quốc từ bỏ mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% như năm ngoái, mà là một chiến lược nhằm giữ vững sự linh hoạt trong bối cảnh chiến tranh thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump.

"Hiện còn quá sớm để Bắc Kinh dốc toàn lực", Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie nhận định.

"Đối với ông Trump, việc rút lại lời đe dọa thuế quan dễ dàng hơn nhiều so với việc Bắc Kinh phải rút lại cam kết kích thích kinh tế. Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hoàn toàn có khả năng công bố thêm các biện pháp kích thích mới bất kỳ lúc nào", vị này nói thêm.

Ông Hu cho biết, Trung Quốc đã đẩy nhanh việc triển khai các kế hoạch kích thích dự kiến cho năm 2025 và sẽ tiếp tục thực hiện hướng đi này.

Theo dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc, trong quý I/2025, chi tiêu ngân sách tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi thu ngân sách giảm 1,1%, dẫn đến mức thâm hụt ngân sách 1,26 nghìn tỷ nhân dân tệ (173 tỷ USD) - con số cao nhất từ trước đến nay cho quý đầu năm.

Các chính quyền địa phương cũng phát hành gần 1 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng đã tăng cường cho vay đối với các nhà đầu tư do nhà nước hậu thuẫn nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Theo dữ liệu của ngân hàng trung ương nước này, tăng trưởng tổng tài chính toàn xã hội - chỉ số đo lường tổng lượng tín dụng và thanh khoản trong nền kinh tế - đạt mức cao nhất trong 10 tháng, tăng 8,4% trong tháng Ba.

Các khoản vay mới dành cho các tổ chức phi ngân hàng đạt 284,4 tỷ nhân dân tệ trong tháng Hai - mức cao thứ hai kể từ đỉnh điểm 886 tỷ nhân dân tệ hồi tháng 7/2015, thời kỳ khủng hoảng lớn nhất của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Dù cho vay phi ngân hàng giảm trong tháng Ba, các chuyên gia phân tích kỳ vọng tháng Tư sẽ phục hồi mạnh.

Các cố vấn chính sách cho biết, Trung Quốc vẫn có nhiều dư địa để hành động nếu thấy cần thiết.

"Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn các phương án dự phòng, nhiều kịch bản ứng phó đã được xây dựng. Việc triển khai các chính sách mới sẽ tùy thuộc vào mức độ tác động của thuế quan", một cố vấn chia sẻ với điều kiện ẩn danh vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Một cố vấn khác cũng cho rằng dư địa nới lỏng chính sách vẫn "rất lớn", nhưng lưu ý rằng các biện pháp mới "không thể triển khai vội vàng".

"Chúng ta không thể đánh mất sự linh hoạt", ông nói và thêm rằng: "Chúng ta cần tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình trước khi đưa ra quyết định tiếp theo".

Tuyên bố của Bộ Chính trị Trung Quốc cũng gợi mở khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất và bơm thêm thanh khoản, chẳng hạn thông qua việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với PBoC cho biết ngân hàng trung ương này chưa vội thực hiện do tác động thực tế của thuế quan vẫn chưa rõ ràng.

"Môi trường bên ngoài thay đổi quá nhanh", nguồn tin này cho biết, đồng thời nhấn mạnh: "Nếu dữ liệu kinh tế bắt đầu xấu đi trong những tháng tới, ngân hàng trung ương chắc chắn sẽ tung ra các biện pháp kích thích tiền tệ".

Rủi ro tăng trưởng

Chính quyền của Tổng thống Trump tuần trước đã thể hiện lập trường mềm mỏng hơn, thừa nhận rằng mức thuế suất là không bất biến và để ngỏ khả năng giảm leo thang căng thẳng thương mại.

Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như đang chuẩn bị cho một cuộc chiến trường kỳ, bác bỏ tuyên bố của Trump rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra, đồng thời kêu gọi Washington gỡ bỏ toàn bộ thuế quan.

Theo Dan Wang, Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc của Eurasia Group, việc không nhượng bộ trước ông Trump có thể giúp Bắc Kinh củng cố lòng tin trong nước, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc "hoàn toàn nhận thức được rủi ro" đối với tăng trưởng.

Bà Wang ước tính Trung Quốc cần khoảng 2 nghìn tỷ nhân dân tệ kích thích mới để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên mức 4% trong năm nay.

Các chuyên gia phân tích của Morgan Stanley cũng dự báo Trung Quốc sẽ cần thêm 1 - 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ cho gói biện pháp kích thích mới trong nửa cuối năm, "nhưng điều đó cũng khó có thể bù đắp hoàn toàn ảnh hưởng từ các cú sốc thuế quan".

Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura, Ting Lu, cho rằng nếu Bắc Kinh công bố các biện pháp kích thích lớn ngay lúc này thì chẳng khác nào "chớp mắt trước trong trò chơi đấu trí, thể hiện sự hoảng loạn và mất bình tĩnh".

Theo ông, Trung Quốc muốn "thể hiện một hình ảnh bình tĩnh, chủ động" trước cuộc chiến thương mại.

Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn là cú sốc đối với nền kinh tế có thể lớn hơn dự báo trong ngắn hạn, kéo dài thời gian phục hồi và đòi hỏi các nỗ lực chính sách mạnh mẽ hơn trong tương lai.

"Chiến lược của Trung Quốc là theo dõi và chờ đợi Mỹ tự suy yếu", Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Natixis nhận định, nhưng cũng cảnh báo rằng "cách tiếp cận này sẽ vô cùng tốn kém".

Đại Hùng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/trung-quoc-lua-chon-chien-luoc-kien-nhan-de-duy-tri-on-dinh-kinh-te-163481.html
Zalo