MSB ôm mộng lớn, đổi hướng mua công ty chứng khoán

MSB công bố kế hoạch quay lại lĩnh vực chứng khoán được xem là bước đi chiến lược nhằm hoàn thiện hệ sinh thái tài chính, mở rộng thị trường vốn trong dài hạn.

 Chủ tịch Trần Anh Tuấn kỳ vọng MSB sẽ có trụ sở "đẹp nhất ngành ngân hàng". Ảnh: DN

Chủ tịch Trần Anh Tuấn kỳ vọng MSB sẽ có trụ sở "đẹp nhất ngành ngân hàng". Ảnh: DN

“Năm sau, chúng ta sẽ hội ngộ tại không gian khang trang, hiện đại”, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), hé lộ viễn cảnh về một trụ sở mới được kỳ vọng sẽ là "đẹp nhất làng ngân hàng", trong phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 vừa qua.

Ông cũng nhấn mạnh rằng trụ sở mới sẽ là biểu tượng cho những chiến lược phát triển đột phá của MSB trong giai đoạn sắp tới. Ngân hàng đã vẽ bức tranh chiến lược đầy tham vọng khi đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% – vượt bình quân toàn ngành, thoái vốn TNEX Finance và đặc biệt, tái khởi động mảng chứng khoán sau nhiều năm vắng bóng.

Động lực tăng trưởng dài hạn

Để hiện thực hóa tham vọng này, MSB đề ra mục tiêu cho năm 2025 với tổng tài sản đạt 350.000 tỷ đồng (tăng 9%), dư nợ tín dụng 212.000 tỷ đồng (tăng 20%) và lợi nhuận trước thuế 8.000 tỷ đồng (tăng 16%).

Ngân hàng sẽ tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh số hóa và tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

Tại đại hội, Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh bày tỏ sự lạc quan: “Quý I/2025, tín dụng của MSB đã tăng gần 9%, nghĩa là chỉ còn 11% cho ba quý còn lại, nên mục tiêu 20% hoàn toàn khả thi. Chúng tôi sẽ ưu tiên cho các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tài chính xanh và các ngành kinh tế mũi nhọn.”

Ông Linh cũng kỳ vọng lợi nhuận của MSB sẽ tăng bình quân 18–20% mỗi năm trong giai đoạn 2025–2030, trong khi tổng tài sản tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm.

Về vốn, MSB dự kiến phát hành thêm 520 triệu cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ 20%, qua đó nâng vốn điều lệ từ 26.000 tỷ đồng lên 31.200 tỷ đồng. Việc tăng vốn nhằm củng cố nền tảng tài chính, đảm bảo an toàn hoạt động và hỗ trợ quá trình mở rộng kinh doanh.

Thoái vốn TNEX Finance: Tái cơ cấu nguồn lực

Một nội dung trọng tâm khác được trình bày tại đại hội ngày là kế hoạch thoái vốn tại TNEX Finance – công ty tài chính do MSB sở hữu 100%.

Đến cuối năm 2024, TNEX Finance ghi nhận tổng tài sản hơn 3.800 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 1.774 tỷ đồng, doanh thu thuần 360 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt khoảng 5 tỷ đồng.

Trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường tài chính tiêu dùng, MSB quyết định tìm kiếm đối tác chiến lược để chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn tại TNEX Finance, nhằm tối ưu hóa nguồn lực và tập trung cho mảng ngân hàng cốt lõi.

“Từ năm 2022 đến nay, hoạt động tài chính tiêu dùng chưa có nhiều khởi sắc. Chúng tôi muốn tập trung vào mảng cốt lõi là ngân hàng và phân khúc khách hàng trung – cao cấp, nhường lại phân khúc phổ thông cho các công ty tài chính”, ông Linh giải thích về quyết định thoái vốn.

Ông cũng tiết lộ hiện đã có “2 - 3 đối tác ngỏ ý” quan tâm tới TNEX Finance, song MSB đang sàng lọc kỹ lưỡng, yêu cầu đối tác phải có xếp hạng tín nhiệm quốc tế từ mức “A-” trở lên và đáp ứng đầy đủ quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Kế hoạch thoái vốn TNEX Finance thực tế đã được MSB triển khai từ năm 2020, khi ngân hàng từng ký biên bản ghi nhớ với một đối tác Nhật Bản cho một thương vụ dự kiến có giá trị trên 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng những khó khăn của thị trường tài chính tiêu dùng, thương vụ chưa thể hoàn tất. Đến năm 2025, MSB tiếp tục khẳng định quyết tâm thoái vốn và đặt mục tiêu hoàn thành trong năm nay, nhằm dồn nguồn lực cho các mảng kinh doanh chiến lược.

Hoàn thiện hệ sinh thái tài chính

Cùng với kế hoạch thoái vốn TNEX Finance, MSB cũng công bố kế hoạch quay lại lĩnh vực chứng khoán, thông qua việc góp vốn hoặc mua lại một công ty chứng khoán và một công ty quản lý quỹ, với quy mô vốn điều lệ dự kiến từ 300–500 tỷ đồng.

Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm hoàn thiện hệ sinh thái tài chính, mở rộng tham gia vào thị trường vốn và tận dụng tiềm năng tăng trưởng dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm hoàn thiện hệ sinh thái tài chính, mở rộng tham gia vào thị trường vốn và tận dụng tiềm năng tăng trưởng dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Chúng tôi mong muốn tìm kiếm các công ty có bảng cân đối sạch, vốn điều lệ từ 300 - 500 tỷ đồng, sau đó ngân hàng sẽ hỗ trợ tăng vốn và phát triển mảng quản lý tài sản Wealth Management của MSB”, ông Linh chia sẻ.

Ông cho biết, việc sở hữu công ty chứng khoán sẽ giúp MSB cung cấp dịch vụ tài chính trọn gói, từ môi giới chứng khoán, tư vấn phát hành cổ phiếu, trái phiếu đến quản lý quỹ, phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư chuyên nghiệp.

Kế hoạch quay trở lại mảng chứng khoán lần này cũng cho thấy rõ tham vọng của MSB trong việc xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện, tận dụng sức mạnh từ tệp khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sẵn có.

Ban lãnh đạo MSB nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, nhất là khi kỳ vọng được nâng hạng lên thị trường mới nổi, dự kiến thu hút dòng vốn ngoại khoảng 25 tỷ USD mỗi năm.

“Đầu tư vào công ty chứng khoán sẽ giúp MSB mở rộng sang mảng ngân hàng đầu tư, tạo dựng mô hình tài chính toàn diện như Vietcombank hay MB”, ông Linh nói.

Điều đáng chú ý là MSB không phải "tay chơi mới" trong lĩnh vực chứng khoán. Ngân hàng từng sở hữu Công ty CP Chứng khoán Maritime (MSI), tiền thân là Công ty CP Chứng khoán Standard (SSJ), thành lập năm 2008.

Đến năm 2011, MSI trở thành công ty con của MSB với tên gọi Công ty CP Chứng khoán Maritime Bank (MSBS).

Tuy nhiên, năm 2017, MSB đã bán 99,4% cổ phần MSI cho Tập đoàn tài chính KB của Hàn Quốc với giá trị hơn 700 tỷ đồng, và MSI được đổi tên thành Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/msb-om-mong-lon-doi-huong-mua-cong-ty-chung-khoan-d39932.html
Zalo