Giới đầu tư chưa sẵn sàng trở lại thị trường chứng khoán Trung Quốc?

Sự thận trọng cho thấy diễn biến tạm thời lắng xuống của chiến tranh thương mại vẫn chưa đủ để thu hút dòng tiền đầu tư trở lại thị trường chứng khoán Trung Quốc...

Ảnh minh họa: Bloomberg

Ảnh minh họa: Bloomberg

Với một số nhà đầu tư, tín hiệu nhượng bộ của Mỹ trong chính sách thuế quan với hàng hóa Trung Quốc có thể là một lý do để mua vào cổ phiếu Trung Quốc. Tuy nhiên, với các quỹ đầu tư dài hạn, rủi ro trên thị trường chứng khoán quốc gia châu Á này vẫn “quá cao” - hãng tin Bloomberg cho biết.

SỰ GIẰNG CO TRÊN THỊ TRƯỜNG

Các nhà quản lý quỹ và chiến lược gia tại công ty quản lý tài sản Franklin Templeton, UBS Global Wealth Management và Jupiter Asset Management đều dự báo chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo dài và gây tổn hại lớn tới nền kinh tế Trung Quốc. Đây là lý do họ thận trọng với việc đầu tư vào quốc gia châu Á này.

Sự thận trọng này cho thấy diễn biến tạm thời lắng xuống của chiến tranh thương mại vẫn chưa đủ để thu hút dòng tiền đầu tư trở lại thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Dù sự lạc quan về thuế quan đã giúp Hang Seng China Enterprises Index - chỉ số theo dõi các cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc đại lục lớn nhất niêm yết tại Hồng Kông - tăng hơn 2% trong tuần trước, chỉ số này vẫn nằm trong nhóm giảm mạnh nhất ở châu Á kể từ khi chính sách thuế đối ứng của Mỹ được công bố hôm 2/4.

“Thị trường chứng khoán Trung Quốc không ghi nhận dòng vốn tăng thêm dù dòng vốn luân chuyển khỏi các tài sản của Mỹ đang đổ vào các thị trường khác như Nhật Bản và châu Âu”, các nhà phân tích tại công ty chứng khoán Sanford C Bernstein nhận xét.

Theo ông Hironori Akizawa, Giám đốc đầu tư tại công ty Tokio Marine Asset Management International Pte, chưa có tín hiệu nào về một dòng tiền bền vững chảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc.

“Tôi cho rằng sẽ có sự giằng co trên thị trường này, giữa một bên mua vào do kỳ vọng hai bên đạt dược thỏa thuận thương mại và một bên bán ra do đánh giá tiêu tực về tác động của thuế quan tới nền kinh tế”, ông Akizawa nhận xét.

Sau một loạt động thái đưa thuế quan của Mỹ và Trung Quốc áp đặt với hàng hóa của nhau lên hơn 100%, chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy đây căng thẳng hạ nhiệt. Theo nguồn tin của hãng tin Bloomberg cuối tuần trước, Bắc Kinh đang cân nhắc miễn trừ thuế quan trả đũa 125% với một số mặt hàng Mỹ. Tuy nhiên, quan chức nước này phủ nhận thông tin rằng hai bên đang tiến hành đàm phán thương mại.

Những tín hiệu không rõ ràng khiến giới đầu tư lo ngại rằng khó khăn trong đàm phán thương mại sẽ làm cản trở các hoạt động kinh tế của Trung Quốc, dù Bắc Kinh vẫn đang triển khai nhiều biện pháp kích thích kinh tế từ mùa thu năm ngoái. Hôm thứ Sáu, Bộ Chính trị Trung Quốc tuyên bố “sẽ chuẩn bị đầy đủ" các kế hoạch khẩn cấp để chống lại những cú sốc ngày càng lớn từ bên ngoài, đồng thời cam kết triển khai các công cụ tiền tệ và chính sách hỗ trợ tài chính mới.

LÝ DO ĐỂ THẬN TRỌNG

Tuần trước, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm mạnh xuống còn 0,8% trong quý hai, so với mức tăng trưởng 4,9% quý đầu năm. Trong tháng 4, nhà băng này đã hai lần hạ mức dự báo chỉ số MSCI China Index.

“Trong ngắn hạn, chúng tôi vẫn cho rằng biến động sẽ vẫn ở mức cao và yếu tố cốt lõi gây căng thẳng sẽ không chỉ dừng lại ở vấn đề thương mại”, ông Xingchen Yu, chiến lược gia thị trường mới nổi tại công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth, nhận định với Bloomberg. “Những hỗ trợ chính sách quyết liệt hơn có thể bù đắp phần nào cú sốc thuế quan nhưng chúng ta vẫn cần quan xét xem điều gì sẽ xảy ra”.

Sự thận trọng trên đánh dấu sự thay đổi rõ rệt so với làn sóng lạc quan giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng trưởng mạnh đầu năm nay. Trong những ngày đầu nhiệm kỳ của ông Trump, quan điểm chủ đạo của giới đầu tư là Trung Quốc có thể chống chịu được các cú sốc nhờ các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, niềm tin đó đang yếu dần khi một số nhà đầu tư lo ngại rằng Bắc Kinh khó có thể bù đắp những thiệt hại kinh tế do thuế quan của Mỹ.

“Trung Quốc vẫn đang đối mặt thách thức kinh tế lớn”, ông John Woods, giám đốc khu vực châu Á tại công ty Lombard Odier, nhận xét và cho biết ông cần thêm nhiều tín hiệu nữa về sự cải thiện trong tiêu dùng tại nước này thì mới có thể tự tin hơn về thị trường chứng khoán.

“Để hoàn tất thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đã mất tới 18 tháng. Trung Quốc có thể sẽ là một trong những nước cuối cùng đạt thỏa thuận với Mỹ”, bà Yiping Liao, quản lý danh mục đầu tư tại công ty Franklin Templeton Emerging Markets Equity, dự báo. Bà Yiping cho biết đây là lý do bà thận trọng với thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Dù vậy, một số nhà đầu tư cũng xem thời điểm hiện tại là cơ hội mua vào. Ông David Chao, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại công ty Invesco Asset Management, cho rằng đây là cơ hội cho những ai “đã bỏ lỡ sóng tăng của chứng khoán Trung Quốc” đầu năm nay. “Sóng tăng” được ông đề cập đến là đợt tăng điểm mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc nhờ cơn sốt bắt nguồn từ công ty AI DeepSeek vào cuối tháng 1.

Ông Aidan Yao, chuyên gia chiến lược đầu tư cấp cao của công ty quản tài sản Amundi tại châu Á, cho biết các khách hàng châu Âu của công ty đang bắt đầu để mắt tới trở lại với cổ phiếu Trung Quốc.

Nhưng với những nhà đầu tư còn hoài nghi về Trung Quốc, vấn đề không chỉ nằm ở thuế quan. Nhóm này cho rằng căng thẳng địa chính trị sẽ vẫn tiếp diễn và sự phân ly với Mỹ sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng công nghiệp.

“Vấn đề không chỉ là thuế quan mà một cuộc phân ly thực sự giữa hai nền kinh tế sẽ gây rủi ro lớn cho các nhà đầu tư và cho chính nền kinh tế Trung Quốc”, ông Sam Konrad, đồng quản lý chiến lược tại công ty Jupiter Asian Income, nhận xét.

Đức Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gioi-dau-tu-chua-san-sang-tro-lai-thi-truong-chung-khoan-trung-quoc.htm
Zalo