Trung Quốc hành động

Không chịu áp lực từ Mỹ, Trung Quốc nhanh chóng nới lỏng tỷ giá nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời khẳng định sẵn sàng kịch bản để đáp trả đòn thuế quan của ông Trump.

 Trung Quốc đã sẵn sàng biện pháp đáp trả nếu Mỹ không khoan nhượng về vấn đề thuế quan. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc đã sẵn sàng biện pháp đáp trả nếu Mỹ không khoan nhượng về vấn đề thuế quan. Ảnh: Reuters.

Theo Reuters, sáng 8/4, Bắc Kinh đã đưa ra nhiều động thái chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại, bao gồm điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ leo thang.

Đồng nhân dân tệ chạm đáy 1 năm rưỡi

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã ấn định tỷ giá trung tâm của đồng nhân dân tệ (CNY) ở mức 7,2038 CNY/USD - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2023 và tiến sát giới hạn giao dịch biên độ ± 2%, tương đương mức quy đổi thấp nhất là 7,347 CNY/USD.

Mức tỷ giá này tuy vẫn cao hơn dự báo của nhiều tổ chức tài chính lớn, nhưng được giới phân tích đánh giá là một động thái nới nhẹ kiểm soát nhằm hỗ trợ xuất khẩu và bù đắp phần nào tác động từ các đòn thuế của Mỹ.

Nếu tỷ giá trung tâm tiếp tục vượt mốc 7,2 CNY/USD, đồng nhân dân tệ có thể trượt xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Việc hạ giá đồng nội tệ ở mức hợp lý có thể khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn trên thị trường quốc tế, qua đó vừa thúc đẩy xuất khẩu, vừa giúp giảm áp lực thuế quan.

 PBOC giảm giá đồng nhân dân tệ để chuẩn bị cho tác động từ thuế quan Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

PBOC giảm giá đồng nhân dân tệ để chuẩn bị cho tác động từ thuế quan Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc phá giá quá sâu đồng nội tệ có thể gây rủi ro tài chính và kích thích dòng vốn chảy ra ngoài - điều Bắc Kinh không mong muốn. "PBOC có thể linh hoạt nới tỷ giá để thích ứng với những cú sốc từ Mỹ, nhưng sẽ không theo đuổi một đợt phá giá mạnh, vì ổn định tài chính vẫn là ưu tiên hàng đầu", ông Vishnu Varathan, chuyên gia tại Ngân hàng Mizuho, nhận định.

Sẵn sàng phản công toàn diện

Theo SCMP, đòn phản công mạnh mẽ hơn dự đoán của Trung Quốc trước làn sóng áp thuế mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump là kết quả của quá trình chuẩn bị chiến lược kỹ lưỡng trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.

Đáng chú ý, quốc gia này cũng đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ so với thời điểm ông Trump khơi mào cuộc chiến thương mại năm 2018.

"Một cuộc chiến thương mại mới không khiến Trung Quốc bất ngờ", ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Macquarie nhận định. Theo ông, việc Bắc Kinh nhanh chóng tung đòn đáp trả thay vì tìm cách hạ nhiệt cho thấy nước này đã có sự chuẩn bị từ trước và không có ý định bị ép phải ngồi vào bàn đàm phán với Washington.

"Ông Trump đã tuyên bố rõ ràng ý định tăng thuế trong chiến dịch tranh cử. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức khoảng 5%, điều đó có nghĩa là họ đã sẵn sàng", ông Hu nói thêm.

Đòn phản công của Trung Quốc được thể hiện qua kế hoạch áp thuế 34% lên toàn bộ hàng hóa Mỹ, bổ sung vào các mức thuế hiện hành, nhằm đáp trả quyết định tương tự từ phía Mỹ.

Không chỉ dừng lại ở chính sách tiền tệ và thuế quan, Bắc Kinh còn mở rộng phạm vi đáp trả bằng cách đưa nhiều công ty Mỹ trong các lĩnh vực quốc phòng, hàng không vũ trụ, thiết bị bay không người lái, tình báo và hậu cần vào danh sách bị kiểm soát hoặc cấm xuất khẩu.

Tuần trước, ông Trump công bố mức thuế mới 34% đối với hàng hóa Trung Quốc. Mới đây, ông tiếp tục cảnh báo sẽ áp bổ sung thuế suất 50%, dự kiến có hiệu lực từ ngày 9/4 nếu Bắc Kinh không rút lại các biện pháp trả đũa.

Như vậy, cộng với mức thuế 20% hiện tại, hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ có thể phải gánh mức thuế tổng cộng lên tới 104%. Động thái này đang đẩy căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lên một nấc thang mới, với nguy cơ lan rộng ra nhiều lĩnh vực hơn trước.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn tin rằng hai bên còn khả năng thương lượng, bất chấp lập trường cứng rắn của cả hai.

"Vẫn còn nhiều yếu tố bất định và cả 2 bên có thể phải tùy cơ ứng biến", ông Larry Hu nhận định, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ chú trọng kích cầu nội địa nhằm giảm tác động từ nhu cầu bên ngoài.

"Vẫn có không gian để điều chỉnh, nhưng thời gian thì đang cạn dần", ông Shao Yu, Giám đốc Viện Tài chính và Phát triển Thượng Hải đánh giá.

Theo ông, Mỹ đã tung đòn tấn công bất ngờ, và Trung Quốc đáp trả cũng bất ngờ không kém. Nhưng hậu quả thì không ai có thể lường trước.

Ông Shao cũng lưu ý về nguy cơ tổn hại nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong kịch bản xấu nhất, nếu Mỹ ngừng nhập khẩu hàng hóa từ phần còn lại của thế giới, tính thanh khoản của đồng USD - nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu - có thể bị đe dọa.

Tìm cách "thoát" Mỹ

Trong 7 năm kể từ 2018, Trung Quốc đã dần giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ khi các nhà xuất khẩu mở rộng sang nhiều thị trường mới.

Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa song phương Mỹ - Trung năm 2024 đạt 582,4 tỷ USD, giảm so với 661,5 tỷ USD vào năm 2018. Trong cùng giai đoạn, tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm từ 19,2% xuống còn 14,7%, theo dữ liệu chính thức của Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng Bắc Kinh vẫn cần đạt được một thỏa thuận với Washington và sẽ phải sớm tung ra thêm các chính sách kích thích kinh tế trong năm nay.

"Các mức thuế cộng dồn từ Mỹ sẽ tạo ra sức ép lên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc còn lớn hơn cả giai đoạn 2018-2019, với ước tính làm giảm 1,5-2 điểm % tăng trưởng năm nay", ông Robin Xing, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại Morgan Stanley cho biết.

Theo ông, Bắc Kinh có khả năng đẩy nhanh các biện pháp kích thích đã lên kế hoạch và sớm tung thêm các gói nới lỏng mới.

 Tỷ trọng xuất khẩu đậu nành của Mỹ và Brazil vào thị trường Trung Quốc từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2024. Nguồn: Cục Thống kê Dân số Mỹ.

Tỷ trọng xuất khẩu đậu nành của Mỹ và Brazil vào thị trường Trung Quốc từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2024. Nguồn: Cục Thống kê Dân số Mỹ.

Trong khi đó, đậu nành Mỹ - một mặt hàng mà Trung Quốc từng phụ thuộc rất nhiều để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi - đang phải chịu mức thuế tổng cộng lên tới 44%, do Trung Quốc đã tuyên bố áp thuế 10% từ tháng trước.

Các nhà phân tích cho rằng những mặt hàng nông sản thiết yếu của Mỹ giờ đây cũng không còn được "nể nang".

"Trung Quốc buộc phải làm điều này, vì nếu không có các biện pháp đáp trả, chúng ta sẽ rơi vào thế bị động", ông Zhong Yu, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế và Phát triển Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, nhận định.

Dù vậy, ông Zhong thừa nhận trong ngắn hạn, Trung Quốc vẫn chưa thể hoàn toàn tách rời thị trường quốc tế, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để tăng cường tự chủ.

Kể từ sau cuộc chiến thương mại đầu tiên, Brazil đã vượt Mỹ trở thành nhà cung cấp đậu nành lớn nhất cho Trung Quốc. Ông Zhong cho rằng nguồn cung từ Brazil vẫn còn dư địa để mở rộng nhằm bù đắp phần thiếu hụt từ Mỹ.

Trước đó, tờ WSJ nhận định Chủ tịch Tập Cận Bình có thể là bên hưởng lợi rõ rệt từ chính sách thuế của ông Trump, khi Bắc Kinh tự tin tìm được nguồn thay thế cho hàng nhập khẩu chiến lược.

Cẩm Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/trung-quoc-hanh-dong-post1544208.html
Zalo