Bên nào thắng thế trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa dừng lại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump miễn thuế đối ứng với hàng loạt quốc gia, trừ Trung Quốc.

Đầu tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức "thuế quan đối ứng" sâu rộng đối với hàng chục quốc gia. Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông Trump thông báo tạm dừng thuế đối ứng với hơn 75 quốc gia trong 90 ngày, trừ Trung Quốc.

Thay vào đó, ông Trump tăng thuế quan với Bắc Kinh lên 145%, đẩy mức thuế cộng dồn một số mặt hàng lên tới 245%. Đáp lại, Trung Quốc đánh thuế 125% đối với hàng hóa của Mỹ và ban hành nhiều biện pháp đối phó khác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)

Các nhà phân tích cho biết cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là trận chiến ý chí. Trong đó, mỗi nền kinh tế đều sẵn sàng dựa vào lợi thế kinh tế và điểm áp lực chính trị để đối đầu nhau. Việc đánh giá đòn bẩy của mỗi bên giúp phát hiện những điều bế tắc có thể diễn ra.

Giáo sư kinh tế và quản lý toàn cầu tại Trường Quản lý Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ông Yasheng Huang nhấn mạnh: “Thời cơ luôn xuất hiện, vấn đề duy nhất còn lại là ai sẽ chớp lấy trước”.

Thiệt hại kinh tế tiềm ẩn

Mỹ và Trung Quốc đều nằm trong số những đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Nhiều nhà phân tích cho biết người tiêu dùng và công ty Mỹ mua nhiều hàng hóa, dịch vụ từ Trung Quốc hơn so với các nước khác. Chính vì vậy, đòn thuế quan mới có nguy cơ tạo ra mất mát lớn trong hoạt động kinh tế nếu giao dịch bị đình trệ.

Sự mất cân bằng thương mại cũng khiến tình trạng thiếu sản phẩm trở nên nghiêm trọng và tăng giá đối với người tiêu dùng Mỹ.

Giáo sư tài chính và kinh tế tại Đại học Columbia, ông Shang-Jin Wei nói với ABC News: “Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu sang Trung Quốc, điều này mang lại lợi thế cho Mỹ. Nhưng trên thực tế, Mỹ cũng mua hàng rất nhiều từ Trung Quốc, phụ thuộc vào nguồn cung cấp hàng hóa giá rẻ".

Năm ngoái, giá trị nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ từ Trung Quốc đạt khoảng 438 tỷ USD, trở thành điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Bắc Kinh. Cùng với đó, Trung Quốc là nguồn cung cấp thiết bị điện tử tiêu dùng như máy tính xách tay và điện thoại thông minh, cũng như giày dép, quần áo và đồ chơi chính của Mỹ.

Thuế quan của Mỹ dự kiến làm giảm 0,7% tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong năm nay, dù nền kinh tế Trung Quốc được dự báo mở rộng hơn 4%.

Trong khi đó, số lượng hàng hóa Trung Quốc giá rẻ nhập khẩu vào Mỹ giảm dự kiến làm tăng giá đối với người tiêu dùng. Cuối tuần qua, chính quyền ông Trump ban hành miễn thuế đối với một số thiết bị điện tử tiêu dùng từ Trung Quốc, nhưng dự kiến vẫn tăng giá đối với một loạt mặt hàng khác.

Mặt khác, Trung Quốc mua khoảng 143 tỷ USD hàng hóa của Mỹ vào năm ngoái, bao gồm các loại cây trồng như đậu nành, lúa mì và dầu khí.

Khoảng 930.000 việc làm của Mỹ được tạo ra từ hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Mỹ cung cấp viện trợ tài chính cho một số nông dân để bù đắp cho doanh số bán hàng bị mất từ Trung Quốc.

Vật liệu thiết yếu

Mỹ hoặc Trung Quốc có thể thu về đòn bẩy từ hàng hóa chuyên dụng mà quốc gia khác khó thay thế trong trường hợp hạn chế thương mại.

Hồi đầu tháng 4, Trung Quốc áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với một số nguyên tố đất hiếm và nam châm tạo nên đầu vào quan trọng trong sản phẩm ô tô, năng lượng và quốc phòng của Mỹ. Hiện tại, nhiều công ty Trung Quốc vẫn có thể xuất khẩu sang Mỹ, nhưng họ phải nhận được sự chấp thuận từ chính phủ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang là vấn đề đáng chú ý. (Ảnh: Getty)

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang là vấn đề đáng chú ý. (Ảnh: Getty)

Đất hiếm rất quan trọng đối với hoạt động công nghệ quốc phòng, bao gồm máy bay chiến đấu F-35, tên lửa Tomahawk và hệ thống radar,... Tuy nhiên, CSIS nhận thấy Mỹ không có sự chuẩn bị trước để khắc phục những tổn thất đó thông qua ngành công nghiệp trong nước.

Giáo sư Huang tuyên bố: "Sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc đối với đất hiếm cực kỳ cao. Trung Quốc có thể tắt hoặc bật nó theo ý muốn, đó là đòn bẩy".

Tương tự, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard, ông Meg Rithmire cho biết Mỹ có thể tìm kiếm nguồn thay thế ở nước ngoài, nhưng Trung Quốc vẫn là nguồn cung chủ yếu đối với đất hiếm.

Ông Rithmire nói: “Có vẻ như đây không phải là thứ làm tê liệt bất cứ ai trong ngắn hạn, nhưng chuỗi cung ứng có thể trở nên lộn xộn trong trung hạn”.

Trong khi đó, Trung Quốc dựa vào một số thành phần quan trọng của Mỹ như sản phẩm điện tử, ô tô và công nghệ. Dù Trung Quốc có thể chịu sự thiếu hụt tạm thời, nhưng tình trạng như vậy kéo dài sẽ gây ra vấn đề.

Năng lực đối phó

Nhiều nhà phân tích nói với ABC News rằng Trung Quốc có sự đồng thuận cao, có khả năng đối phó với khó khăn kinh tế trong thời gian dài. Ngược lại, khác biệt giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ khiến đất nước này gặp khó trong việc vượt qua thách thức tài chính.

Giáo sư Rithmire cho hay, phản ứng của các quốc gia đối với COVID-19 cũng minh họa cho cách thức Mỹ và Trung Quốc giải quyết vấn đề, thể hiện mức độ ưu tiên cho phát triển kinh tế.

Trung Quốc duy trì chính sách không COVID trong vài năm, hạn chế hoạt động di chuyển của người dân và cản trở nền kinh tế quốc gia. Mặt khác, 8 tiểu bang tại Mỹ chưa bao giờ ban hành lệnh phong tỏa COVID, tập trung vào kích thích kinh tế và đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine.

Giáo sư Huang tuyên bố: "Cuộc chiến thương mại ở thời điểm hiện tại không thể so sánh với hoạt động phong tỏa mà Trung Quốc thực hiện trong thời kỳ diễn ra đại dịch COVID-19. Kinh tế Trung Quốc hiện không bị ảnh hưởng nhiều so với thời điểm đó".

Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho rằng: "Bất cứ điều gì gây tổn thương lên nền kinh tế đều có thể ảnh hưởng đén sức mạnh của họ".

Kông Anh (Nguồn: ABC News)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ben-nao-thang-the-trong-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-ar937923.html
Zalo