Thị trường tiền số Việt Nam: Nên tiếp cận theo hệ thống thông luật

Tài sản số đang trở thành xu hướng không thể bỏ qua trong thời đại công nghệ số. Tại Việt Nam, thị trường này đang chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ, mở ra cơ hội đầu tư và đổi mới nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trên thế giới hiện nay có hai hệ thống pháp lý đối với thị trường tài sản số, đó là thông luật và dân luật. Vậy Việt Nam nên tiếp cận theo hệ thống pháp lý nào?

Theo các chuyên gia trong ngành, ban đầu khái niệm “tiền ảo” được dùng để chỉ các loại tiền như Bitcoin khi chúng mới xuất hiện, nhưng thuật ngữ này dễ bị liên tưởng đến các vụ lừa đảo. Vì thế, hiện nay, các từ như “đồng tiền kỹ thuật số” hoặc “đồng tiền số” đang được ưa chuộng hơn, ám chỉ những dạng tiền tồn tại dưới dạng kỹ thuật số.

Tại Việt Nam, Nghị định 52/2024/NĐ-CP định nghĩa “tiền điện tử” là giá trị tiền VND lưu trữ trên phương tiện điện tử, nhưng không công nhận tiền mã hóa như Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp.

Ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Blockchain Phát triển bền vững, giải thích rằng đồng tiền số có thể chia thành hai loại chính.

Loại thứ nhất là đồng tiền số quốc gia, do Nhà nước phát hành và quản lý. Ví dụ, nếu Việt Nam tạo ra một đồng tiền số trong tương lai, nó sẽ có giá trị tương đương 1:1 với đồng Việt Nam (VND), nghĩa là 1 đồng tiền số này bằng đúng 1 VND, đảm bảo sự ổn định và được Nhà nước bảo lãnh.

Loại thứ hai là đồng tiền số không do Nhà nước phát hành, như Bitcoin hay Ethereum. Ở nhiều nước, những đồng tiền này không được coi là tiền tệ chính thức mà giống như một loại hàng hóa. Giá trị của chúng không do Nhà nước quyết định, mà phụ thuộc hoàn toàn vào cung cầu trên thị trường hoặc sự tham gia của các quỹ đầu tư để định giá và tạo ra giá trị, vì vậy giá cả thường biến động.

Thị trường tài sản số tại Việt Nam đang chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của người dùng. Số lượng người sở hữu ví tiền số của Việt Nam đạt mức đáng chú ý, phản ánh mức độ chấp nhận cao của cộng đồng đối với xu hướng công nghệ tài chính mới này. Theo Triple-A, công ty fintech có trụ sở tại Singapore, chuyên cung cấp các giải pháp thanh toán bằng tiền số và tài sản kỹ thuật số cho doanh nghiệp trên toàn cầu, tính đến năm 2024, có khoảng 17 triệu người Việt Nam sở hữu ví điện tử liên quan đến tiền số, tương đương 17% dân số 100 triệu người. Đây là con số cao hơn mức trung bình thế giới (6-6,5%), đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu về tỷ lệ người dùng tiền số.

GIAO DỊCH TIỀN SỐ TẠI VIỆT NAM TRƯỚC RỦI RO PHÁP LÝ VÀ SẬP SÀN

Ông Tâm Lê, CEO IDG Vietnam, cũng cho biết theo dự báo của Hãng nghiên cứu BCG và thực tế thị trường, có khoảng 17 triệu người Việt Nam đang nắm giữ tài sản số. Theo báo cáo “Global Crypto Adoption Index 2024” của Chainalysis, Việt Nam xếp thứ 5 toàn cầu về sở hữu tiền số. Các quốc gia trong top 5 bao gồm Ấn Độ, Nigeria, Indonesia, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Theo báo cáo của Chainalysis, hãng chuyên cung cấp các công cụ điều tra và báo cáo về tiền mã hóa, dòng tiền điện tử và tài sản ảo đổ vào Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023 đạt khoảng 120 tỷ USD. Trong cùng khoảng thời gian, các nhà đầu tư Việt Nam thu về lợi nhuận gần 1,18 tỷ USD từ các khoản đầu tư tiền điện tử, đưa Việt Nam đứng thứ ba toàn cầu về lợi nhuận từ tiền điện tử, chỉ sau Mỹ (9,36 tỷ USD) và Anh (1,39 tỷ USD).

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Câu lạc bộ Blockchain Phát triển bền vững, thực tế cộng đồng tiền số Việt Nam cho thấy một nghịch lý: số lượng đông nhưng chất lượng chưa cao. Bởi lẽ phần lớn người Việt rơi vào nhóm có hành vi FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) và thiếu chiến lược. Tại thị trường tiền số mới nổi như Việt Nam, người chơi chủ yếu tham gia ở mức giao dịch cơ bản, ít người đạt đến tầng cao như “set game” (thiết kế dự án) hay đầu tư chuyên sâu như chứng khoán.

Số lượng người Việt sở hữu tiền số dao động từ 10 đến 17 triệu người (10-17% dân số) là minh chứng cho sự đón nhận mạnh mẽ của cộng đồng đối với tài sản số. Với vị trí top 5 thế giới và dòng vốn hàng trăm tỷ USD, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để hội nhập vào nền kinh tế số toàn cầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng số lượng đông đảo chưa đi đôi với chất lượng cao; rủi ro pháp lý, sập sàn, quản lý ví cá nhân vẫn là những thách thức cần giải quyết. Tài sản số không chỉ là con số trên bảng thống kê, mà còn là bài toán đòi hỏi sự hiểu biết và quản lý thông minh từ cả người dân lẫn cơ quan chức năng, để biến tiềm năng thành lợi ích bền vững trong kỷ nguyên số. Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ VINA Fintech (trực thuộc VINASA), đồng thời là Chủ tịch Trung tâm Quản lý tài sản số, đã đưa ra hai vấn đề chính trong câu chuyện tiền số tại Việt Nam: một là tính pháp lý, hai là hiệu quả kinh tế của việc giao dịch tài sản số.

Theo đó, ông Thắng cho biết hiện nay Việt Nam chưa có khung pháp lý cụ thể cho phép hoặc điều chỉnh việc mở tài khoản và giao dịch tài sản số trên các sàn quốc tế. Mặc dù tiền mã hóa như USDT (Tether) và USDC không được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, nhưng việc sở hữu và giao dịch các loại tài sản này không bị cấm.

Để tham gia giao dịch trên các sàn quốc tế, nhiều người Việt chuyển đổi VND sang USDT hoặc USDC thông qua các giao dịch ngang hàng (P2P) trên các nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, quá trình này tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý và tài chính. Do thiếu sự quản lý và giám sát từ cơ quan chức năng, người tham gia có thể đối mặt với nguy cơ lừa đảo, rửa tiền và thất thoát tài sản.

Ngoài rủi ro pháp lý, còn có rủi ro từ chính các sàn giao dịch. Nhiều sàn không đảm bảo an toàn, có thể được lập ra rồi phá sản, sập sàn, khiến người chơi mất trắng mà không ai bảo vệ. Trong 5 năm qua, thị trường tiền số toàn cầu đã chứng kiến nhiều vụ sụp đổ kinh hoàng, như dự án Luna (Hàn Quốc) từng là một dự án rất lớn, nhưng khi sụp đổ đã làm mất niềm tin hoàn toàn vào tiền số, không chỉ với người dân mà cả Chính phủ Hàn Quốc.

Vụ sập sàn FTX – Sam Bankman-Fried (SBF) cũng khiến thế giới tiền số rúng động. FTX từng được định giá hơn 30 tỷ USD, nhưng chỉ trong 10 - 15 ngày, toàn bộ hệ thống sụp đổ, kéo theo hàng trăm công ty liên quan trong hiệu ứng domino.

“Về hiệu quả kinh tế, tôi nghĩ rằng tài sản số – như Bitcoin hay Ethereum – cũng giống như chứng khoán, giá lên xuống thất thường. Sự biến động này tạo cơ hội cho người đầu tư kiếm lợi nhuận từ việc mua thấp bán cao. Đó là lý do nhiều người tham gia, kỳ vọng vào lãi suất từ các giao dịch này. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn rủi ro lớn nếu thị trường lao dốc”, ông Nguyễn Đình Thắng chia sẻ.

Ông Tâm Lê, CEO IDG Vietnam, cho rằng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tiền số cũng như xu hướng chung trong thời đại số, nhà nước cần khuyến khích dòng tiền này chảy vào kinh tế một cách hiệu quả, vừa để đảm bảo bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư qua pháp luật, vừa nhằm quản lý thị trường và thu thuế.

HAI HỆ THỐNG PHÁP LÝ: THÔNG LUẬT VÀ DÂN LUẬT

Theo các chuyên gia, nếu Việt Nam muốn tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường tiền số hay rộng hơn nữa là tài sản số, thì một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với thị trường tài chính toàn cầu chính là hệ thống pháp luật. Nếu nhìn vào các quốc gia phát triển nhanh và mạnh nhất thế giới hiện nay, như Mỹ, Anh, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Thụy Sĩ, sẽ thấy họ đều áp dụng hệ thống thông luật (common law). Trong khi đó, các quốc gia còn lại thường theo hệ thống dân luật (civil law).

Hai hệ thống này có cách tiếp cận rất khác nhau. Với hệ thống thông luật, họ không đi sâu vào việc định nghĩa chi tiết “tài sản số là gì”, “tiền số là gì” hay “tài sản mã hóa là gì”. Thay vào đó, họ để thị trường tự vận hành theo thông lệ, các phán quyết pháp lý – tức là án lệ – sẽ được tòa án đưa ra dựa trên thực tế. Những phán quyết này công nhận một sự việc là hiển nhiên mà không cần định nghĩa quá cụ thể. Điều này tạo ra sự linh hoạt và khác biệt lớn so với hệ thống dân luật.

Ngược lại, trong hệ thống dân luật, mọi thứ phải được định nghĩa rõ ràng, chính xác: “Đây là gì? Là A, B hay C?”. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội đang phát triển nhanh chóng, có những thứ thay đổi liên tục và không thể định nghĩa chính xác ngay từ đầu. Hệ thống thông luật cho phép thị trường “đi trước”, tức là cứ để mọi thứ phát triển tự nhiên, rồi pháp luật sẽ điều chỉnh sau. Trong khi đó, hệ thống dân luật yêu cầu phải có định nghĩa trước, rồi mới cho phép thực hiện, điều này thường khiến tiến trình chậm hơn.

Vì thế, nếu Việt Nam muốn phát triển trong lĩnh vực tài chính số, cần tiệm cận gần hơn với cách tiếp cận của hệ thống thông luật. Hệ thống dân luật thường đi sau thực tế, vì phải chờ hiện thực xảy ra, tổng kết kinh nghiệm, rồi mới đưa vào luật. Trong khi đó, hệ thống thông luật linh hoạt hơn, cho phép thị trường phát triển trước.

Thực tế, Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý để quản lý hoặc điều chỉnh tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ liên quan, với mục tiêu hoàn thành trong tháng 5/2025. Việc này cũng nhằm hạn chế các rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố liên quan đến loại tài sản này. Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã được Quốc hội thảo luận vào tháng 10/2024 và hiện tại phiên bản công khai mới nhất cũng đã đưa ra một số quy định về tiền số và tài sản số.

Tuy vậy, trong khi chờ đợi khung pháp lý rõ ràng, việc chuyển đổi VND sang USDT hoặc USDC để giao dịch trên các sàn quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý và tài chính. Các “nhà đầu tư tiền số” cần thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham gia vào các hoạt động này...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2025 phát hành ngày 14/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Bảo Bình

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thi-truong-tien-so-viet-nam-nen-tiep-can-theo-he-thong-thong-luat.htm
Zalo