Khoảng lặng giữa cơn bão thuế quan: Thời khắc cho doanh nghiệp hành động

Quyết định dừng thuế quan đối ứng từ Mỹ trong 90 ngày là cơ hội cho doanh nghiệp Việt nhìn nhận lại chuỗi cung ứng, xem xét thị trường và lên kế hoạch.

Khoảng lặng giữa cơn bão thuế quan

Đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố thuế quan đối ứng với hầu hết đối tác kinh tế, nhưng một tuần sau đó, ông đã thông báo tạm hoãn các mức thuế này trong 90 ngày với nhiều quốc gia (ngoại trừ Trung Quốc), trong đó có Việt Nam.

Thông tin này đã tạo hiệu ứng tích cực lên thị trường xuất khẩu. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), có thể coi đây là “thời gian vàng” để cả Việt Nam và Mỹ tiếp tục đàm phán, hướng tới khả năng kéo dài thời hạn, hoặc lý tưởng hơn là loại bỏ hoàn toàn thuế đối ứng, tức giảm về 0%.

Việc dừng áp mức thuế dự kiến lên đến 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam tạo cơ hội cho doanh nghiệp đẩy nhanh xuất khẩu các đơn hàng đang bị đình trệ trước hạn áp thuế 9/4, tránh rủi ro hàng hóa tồn kho kéo dài.

Vasep cũng nhấn mạnh: “Thời điểm này là lúc để các doanh nghiệp tái cấu trúc chiến lược, tìm kiếm thị trường và đối tác thay thế, nhằm xây dựng một hệ thống đủ sức chống chịu trong kịch bản chiến tranh thương mại kéo dài”.

Dù động thái dừng thuế quan là tin vui với doanh nghiệp, Vasep cũng lưu ý các doanh nghiệp cần tỉnh táo trước những rủi ro vẫn đang hiện hữu bởi hoãn đồng nghĩa với việc không có gì đảm bảo chắc chắn trong tương lai phía Mỹ sẽ gỡ bỏ hay giảm thuế cho Việt Nam.

Chính sách thương mại dưới thời ông Trump luôn tiềm ẩn yếu tố bất ngờ, có thể đảo chiều chỉ trong một đêm và tạo ra những cú sốc lớn cho thị trường. Cùng với đó, chính sách “Nước Mỹ trên hết” của người đứng đầu Nhà Trắng sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí nguyên vật liệu, dòng vốn, lạm phát và chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia.

Xây bức tường chắn bão

Với Việt Nam – nền kinh tế có độ mở cao và còn phụ thuộc lớn vào thương mại quốc tế – mọi biến động về thuế quan từ Mỹ đều có thể gây ra hiệu ứng domino, tác động tiêu cực đến thị trường, trong đó có ngành xuất khẩu thủy sản.

Ông Nguyễn Lương Hiền, Phó tổng giám đốc Tư vấn chiến lược – Tư vấn thương vụ của PwC Việt Nam, nhận định, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chịu tác động nhiều hơn từ những biến động thuế quan trong thời gian vừa qua và cả trong tương lai.

90 ngày dừng thuế quan là thời gian để doanh nghiệp có thể chuẩn bị, lập kế hoạch để giảm thiểu tối đa rủi ro trong các kịch bản tăng thuế quan xấu nhất có thể diễn ra.

“Các doanh nghiệp nên cân nhắc liệu xuất khẩu sang Mỹ còn có sức cạnh tranh nữa không, đánh giá lại các thị trường xuất khẩu thời gian qua để tính toán, cân đối thị phần hợp lý”, ông Hiền phân tích tại hội thảo về thuế quan của EuroCham.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý, các doanh nghiệp chỉ hoạt động ở thị trường nội địa cũng cần xem xét các yếu tố như nguy cơ sức mua của người tiêu dùng giảm trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Anh Tùng, luật sư cấp cao tại BakerHostetler của Mỹ, nhìn nhận những biến động thuế quan gần đây không bất ngờ mà đã được dự báo từ trước vì ông Trump từng có các biện pháp tương tự trong nhiệm kỳ đầu tiên. Tuy nhiên, mức độ thuế quan cùng sự biến động nằm ngoài dự đoán.

Những động thái này xuất phát từ việc ông Trump luôn cho nước Mỹ là nạn nhân trong các hệ thống thương mại đa phương khi thâm hụt thương mại nhiều với các đối tác.

“Ông Trump cho rằng, nước Mỹ luôn bị lợi dụng trong thương mại quốc tế nên khi quay trở lại, ông luôn nhấn mạnh sẽ triển khai các giải pháp nhằm đưa đầu tư trở lại Mỹ. Vị tổng thống này muốn đặt Washington vào trung tâm và muốn đàm phán với từng nước một nhằm đạt được các điều khoản tốt nhất”, ông Trung giải thích.

Vị chuyên gia cho biết thêm, một trong những vấn đề ông Trump luôn lưu tâm là hàng Trung Quốc ‘chạy’ qua Việt Nam để trốn thuế. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý là minh bạch chuỗi cung ứng, áp dụng các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ chặt chẽ hơn.

Đồng quan điểm, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Deep C, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt cần điều chỉnh để tăng hàm lượng nội địa trong sản phẩm, cố gắng tránh phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc.

“Chúng ta hãy xây thêm một bức tường nữa để có thể sẵn sàng cho cuộc chiến thuế quan có thể diễn ra trong tương lai – đó là xuất xứ hàng hóa.

Chúng ta sẽ không thể quay trở lại một thế giới như trước đây, tương lai sẽ bất định với nhiều thay đổi và rõ ràng, chúng ta không thể kinh doanh với đối tác thay đổi chính sách quá nhanh như Mỹ. Thế giới rộng lớn hơn rất nhiều và doanh nghiệp sẽ buộc phải điều chỉnh dù nỗ lực này cần nhiều thời gian”, ông Bruno nhấn mạnh.

Kiều Mai

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/da-den-luc-doanh-nghiep-xay-buc-tuong-chan-bao-thue-quan-d39754.html
Zalo