Giá vàng còn 'điên loạn' đến mức nào?
Trong một ngày liên tiếp lập đỉnh, giá vàng đã chạm mốc cao chưa từng có 115,5 triệu đồng/lượng, tuy vậy nhiều chuyên gia dự báo đà tăng vẫn chưa dừng lại.
Mốc 115 sẽ bị vượt xa
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ nhận định: “Khi giá vàng lên rất cao ở mức 113 triệu đồng/lượng, nhiều người đã gọi điện hỏi tôi liệu giá chạm đến trần chưa? Tôi cho rằng, đối với giá vàng thì không có trần nào cả và nó có thể tiếp tục tăng trong thời gian dài. Riêng trong những ngày tới, giá vàng sẽ bỏ xa mốc 115 triệu đồng/lượng. Còn giá vàng thế giới có thể tăng lên đến 3.500 USD/ounce".
Trong khi đó, TS. Nguyễn Hồng Minh - nguyên Trưởng khoa Đầu tư, Đại học kinh tế Quốc dân - dự báo, trong dài hạn, với đà tăng như hiện nay, ngưỡng 150 triệu đồng/lượng vàng không còn là quá xa vời.
Cơ sở của nhận định này, theo ông Minh, đó là do những bất ổn địa chính trị và chính sách thuế quan của các nước. Việc này có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế của nhiều nước và các nhà đầu tư sẽ tìm đến điểm trú ẩn an toàn là vàng, vì về bản chất, vàng là một loại tiền tệ đặc biệt, có tính thanh khoản cao nhất.

Giá vàng trong nước được dự báo sẽ còn bỏ xa mốc 115 triệu đồng/lượng. (Ảnh minh họa)
Còn theo ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi, giá vàng thế giới đã vượt mốc 3.200 USD/ounce, kéo theo vàng miếng trong nước lập đỉnh lịch sử: trên 115 triệu đồng/lượng. Đây không phải là hiện tượng “tăng giá ngẫu nhiên” mà là hệ quả tổng hợp từ nhiều yếu tố kinh tế - chính trị toàn cầu cực kỳ nhạy cảm.
Đó là căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang nhanh chóng sau khi chính phủ Mỹ công bố áp thuế đối ứng với 180 quốc gia. Mặc dù có việc tạm hoãn áp thuế với 75 quốc gia trong 90 ngày nhưng trên thực tế, các nền kinh tế lớn vẫn đang đáp trả lẫn nhau bằng thuế suất cao hơn.
Theo ông Huy, điều này gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trở lại như thời kỳ hậu COVID-19. Ngoài ra, chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng làm tăng chi phí hàng hóa, giảm tăng trưởng và tạo ra bất ổn kinh tế.
"Tâm lý phòng thủ trên toàn thị trường tài chính quốc tế dâng cao và vàng tiếp tục là “kênh trú ẩn cuối cùng”. Cùng lúc đó, xung đột vũ trang Nga - Ukraine và tại Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tác động mạnh tới giá vàng. Các ngân hàng trung ương lớn cũng tăng cường gom vàng, trong khi nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đổ tiền vào vàng như một biện pháp bảo toàn giá trị tài sản. Những yếu tố này đã, đang và sẽ khiến giá vàng tăng mạnh trong những ngày tới", ông Huy nói.
Cảnh giác nguy cơ đảo chiều
Cho rằng trong ngắn hạn (3 tháng tới), đà tăng của giá vàng có thể tiếp tục nhưng ông Huy cũng cảnh báo rằng đi kèm với đó có thể là những nhịp điều chỉnh kỹ thuật mạnh. Vì giá vàng hiện đang nằm trong vùng quá mua (overbought) trên nhiều chỉ báo lớn (RSI), tiềm ẩn nguy cơ điều chỉnh khi có lực chốt lời ngắn hạn.
Ngoài ra, các thông tin đàm phán kinh tế quốc tế sẽ là chất xúc tác quan trọng. Nếu Mỹ và các nền kinh tế lớn đạt được thỏa thuận song phương hợp lý, không áp thuế đối ứng hoặc áp thuế thấp có kiểm soát, giá vàng có thể nhanh chóng điều chỉnh giảm mạnh.
Tuy nhiên, nếu các đàm phán không thành công, hoặc căng thẳng địa chính trị leo thang thêm, thì vàng thế giới sẽ tiếp tục phá đỉnh.
Dự báo giá vàng trong nước, ông Huy cho rằng trong ngắn hạn có thể tiếp tục biến động theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên hiện chênh lệch giá vàng miếng với giá thế giới có khoảng cách nới rộng. Trong trường hợp cần thiết sẽ có sự bình ổn của cơ quan quản lý Nhà nước, nếu các yếu tố rủi ro tiếp tục gia tăng.
Về trung - dài hạn, giá vàng trong nước sẽ phụ thuộc vào khả năng ổn định của kinh tế toàn cầu và sự điều phối của các tổ chức tài chính lớn. "Khi bất ổn giảm dần, vàng có thể trở về vùng giá hợp lý hơn, nhưng rất khó quay về mức thấp như giai đoạn trước đại dịch", ông Huy khẳng định.
Tương tự, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cảnh báo khi giá vàng lên cao như hiện nay sẽ hàm chứa rất nhiều rủi ro.
“Bởi khi thị trường nóng sốt do khan hiếm và đến khi nó bão hòa thì sẽ rơi xuống rất nhanh. Ngoài ra là rủi ro do biến động trên thị trường, rủi ro do chênh lệch mua - bán. Vì thế người mua phải tính toán được rủi ro này để kiểm soát, quản lý rủi ro”, ông Hiếu khuyến cáo.
Nhà đầu tư không nên mua đi bán lại theo kiểu "lướt sóng" vì thời điểm này sẽ rất nguy hiểm. Đồng thời nên phân bổ nguồn lực tài chính của mình ra nhiều kênh. “Bên cạnh đó không nên để tâm lý đám đông kích động, chi phối, phải kiểm soát được tâm lý Fomo - hội chứng sợ bỏ lỡ”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Giá vàng đắt kỷ lục, người dân vẫn đổ xô đi mua. (Ảnh: Minh Đức)
Vì sao vàng đắt kỷ lục người dân vẫn đổ xô đi mua?
Lý giải điều này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết không có gì khó hiểu và vô lý.
"Người Việt có tâm lý rất chuộng mua vàng. Bởi vậy, giá vàng càng tăng cao sẽ càng thúc đẩy tâm lý mua vàng mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, tại thời điểm này, người dân có suy nghĩ đầu tư vào vàng vẫn là hiệu quả nhất, tốt nhất khi thị trường chứng khoán có nhiều biến động, thị trường tiền gửi có mức lãi suất thấp, còn thị trường bất động sản chưa có gì khởi sắc trong năm nay, thị trường ngoại tệ thì không phải ai cũng tham gia được”, ông Hiếu nói.
Cùng với đó, sự khan hiếm nguồn cung càng làm cho nhu cầu của người dân bùng phát như kiểu lửa được đổ thêm dầu.
Còn theo ông Đinh Nho Bảng, Chủ tịch Hiệp hội vàng Việt Nam, việc tích trữ vàng đã trở thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Vì đây như một hình thức sở hữu “bảo hiểm tài chính” cho gia đình.
"Từ hàng nghìn năm, tại Việt Nam, vàng đã được xem như phương tiện thanh toán, tích lũy, đầu tư an toàn nhất.
Nếu gửi ngân hàng cách đây 20 năm với số tiền 100 triệu mà không rút ra, thì bây giờ khi rút ra, chắc chắn giá trị thực tế sẽ giảm do lạm phát. Trong khi nếu với số tiền 100 triệu đó mua vàng cách đây 20 năm thì sẽ lãi lớn", ông Đinh Nho Bảng nói.
Vàng là loại tài sản không chỉ giữ giá trị mà còn tăng giá trị theo thời gian, tuy có thể giảm nhưng chỉ trong giai đoạn ngắn.
“Về lâu dài, giá vàng luôn tăng và tăng rất mạnh, bằng chứng là trong 10 năm gần đây, đặc biệt là cuối năm 2024 giá vàng đã liên tục tăng "nóng" và đạt đến 92 triệu đồng/lượng. Thế nhưng đến những ngày qua, giá vàng đã vượt ngưỡng 92 triệu, lên đến hơn 100 triệu đồng/lượng. Chính diễn biến này càng kích thích người dân mua vàng để tích trữ”, ông Bảng nói.
Về chức năng thanh toán, vàng có tính thanh khoản rất cao. Vì nó có thể chia nhỏ ra thành phân vàng, chỉ vàng để thanh toán, trao đổi mua bán, rất phù hợp với sở thích, nhu cầu của người Việt Nam.
“Cùng với đó, đối với những người không có bảo hiểm nhân thọ, người lao động tự do không có tiền lương khi về già thì việc tiết kiệm vàng là một loại bảo hiểm an toàn, tốt nhất đối với họ", ông Bảng phân tích.