Trung Quốc chỉ trích ông Trump đang làm 'hoen ố' hình ảnh giáo dục Mỹ

Giới chức và truyền thông Trung Quốc nhìn nhận việc chính quyền Trump cấm sinh viên quốc tế của Harvard là biểu hiện của cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh.

“Trung Quốc kiên quyết phản đối việc chính trị hóa hợp tác giáo dục”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu hôm 23/5, đồng thời cảnh báo động thái từ phía Mỹ “chỉ khiến hình ảnh và uy tín quốc tế của nước này bị tổn hại thêm”.

Trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người dùng cũng thể hiện sự mỉa mai: “Xem họ tự hủy hoại sức mạnh của chính mình cũng khá thú vị”, một tài khoản bình luận trên Weibo nhận được hàng trăm lượt thích.

“Một lần nữa Trump lại ra tay đúng lúc”, người khác bình luận dưới một hashtag thu hút hàng chục triệu lượt xem. “Tuyển sinh sinh viên quốc tế là con đường chính để thu hút nhân tài hàng đầu! Nếu con đường này bị chặn, liệu Harvard có còn là Harvard nữa không?”

Đòn giáng vào biểu tượng giáo dục Mỹ và quan hệ Mỹ - Trung

Thông báo từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) được xem là bước leo thang trong cuộc đối đầu giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và một trong những biểu tượng lâu đời, giàu có nhất của khối Ivy League. Đây cũng là một phần trong chiến dịch siết chặt kiểm soát sinh viên quốc tế dưới cái bóng của chính sách nhập cư cứng rắn hơn.

Theo chính sách mới, Harvard sẽ bị cấm tuyển sinh viên quốc tế trong năm học tới, đồng thời các sinh viên quốc tế đang theo học cũng buộc phải chuyển trường nếu muốn duy trì thị thực.

Trong nhiều tháng qua, Harvard đã xung đột với chính quyền Trump khi Nhà Trắng yêu cầu trường này điều chỉnh hoạt động trên khuôn viên, đặc biệt là sau các cuộc biểu tình gây tranh cãi liên quan đến cuộc chiến Israel - Hamas. Chính phủ Mỹ nhắm đến sinh viên và nhân viên nước ngoài bị nghi ngờ tham gia các hoạt động này.

Tuy nhiên, sự việc không chỉ là mâu thuẫn giữa một trường đại học với Tổng thống Mỹ mà còn là dấu hiệu mới nhất của sự rạn nứt sâu sắc trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

 Những người biểu tình tập trung tại Cambridge Common kêu gọi ban lãnh đạo Harvard phản đối sự can thiệp của chính quyền liên bang vào trường đại học. Ảnh: Reuters.

Những người biểu tình tập trung tại Cambridge Common kêu gọi ban lãnh đạo Harvard phản đối sự can thiệp của chính quyền liên bang vào trường đại học. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc từng là nguồn cung sinh viên quốc tế lớn nhất của Mỹ trong suốt 15 năm liên tiếp kể từ 2009, trước khi bị Ấn Độ vượt qua vào năm ngoái. Mối quan hệ giáo dục chặt chẽ giữa hai nước từng tạo ra cầu nối học thuật và cơ hội hợp tác đáng kể, cả cho giới nghiên cứu lẫn ngành công nghiệp Mỹ.

Harvard từng là nơi đào tạo nhiều nhân vật quan trọng trong giới chính trị và kinh tế Trung Quốc, trong đó có Phó thủ tướng Lưu Hạc, người từng là kiến trúc sư chính trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một với ông Trump.

Tuy nhiên, những mối liên hệ này ngày càng bị giám sát chặt chẽ trong bối cảnh Mỹ ngày một xem Trung Quốc như một đối thủ công nghệ và mối đe dọa đối với vị thế siêu cường của mình.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho rằng Harvard có liên hệ với các cá nhân và tổ chức Trung Quốc tham gia nghiên cứu quân sự, thậm chí cả với những thực thể đã bị liệt vào “danh sách đen” vì các cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Một lá thư từ nhóm nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ cũng đã được gửi tới Harvard yêu cầu trường cung cấp thông tin về các “mối quan hệ hợp tác với các đối thủ nước ngoài”.

Harvard hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận của CNN, nhưng trong một tuyên bố trên website, trường cho biết “cam kết duy trì khả năng chào đón sinh viên và học giả quốc tế đến từ hơn 140 quốc gia - những người góp phần làm phong phú cho đại học và cả nước Mỹ”.

Tương lai bấp bênh của sinh viên quốc tế

Với nhiều sinh viên quốc tế, đặc biệt là từ Trung Quốc - nhóm sinh viên nước ngoài đông đảo nhất tại Harvard - lệnh cấm là một cú sốc lớn.

“Lúc đầu tôi hoàn toàn bàng hoàng. Tôi không thể tin được điều đó lại xảy ra”, Fangzhou Jiang, 30 tuổi, sinh viên tại Trường Kennedy, Harvard, chia sẻ, đồng thời bày tỏ lo lắng về tình trạng thị thực của mình

Jiang đồng thời là người sáng lập một công ty tư vấn giáo dục chuyên hỗ trợ sinh viên nước ngoài vào các trường đại học hàng đầu tại Mỹ. “Từ bé tôi đã được dạy rằng Harvard là trường đại học tốt nhất thế giới. Điều này nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi”.

Cô Sophie Wu, 22 tuổi, đến từ Thâm Quyến - trung tâm công nghệ phía Nam Trung Quốc - cũng không giấu được nỗi thất vọng. Sau khi hoàn tất chương trình cử nhân tại Mỹ, Wu vừa nhận được thư trúng tuyển chương trình sau đại học của Harvard mùa thu này. Nhưng tin tức mới khiến cô “cảm thấy tê liệt”.

“Tôi không nghĩ chính quyền lại có thể đưa ra quyết định vô lý đến vậy. Đây giống một hành động trả đũa hơn là một chính sách nghiêm túc”, Wu nói với CNN. “Sinh viên quốc tế đang bị biến thành con tin trong một ván cờ chính trị”.

 Harvard thu hút lượng lớn các du học sinh đến từ Trung Quốc. Ảnh: The New York Times.

Harvard thu hút lượng lớn các du học sinh đến từ Trung Quốc. Ảnh: The New York Times.

Các trường đại học thuộc khối Ivy League như Harvard, Princeton và Yale là những cái tên quen thuộc trong tầng lớp trung lưu Trung Quốc, nơi mà các trường đại học Mỹ trong nhiều năm qua được coi là con đường dẫn đến nền giáo dục danh giá và là bước đệm trên nấc thang sự nghiệp cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc.

Làn sóng hồi hương và lo ngại gián điệp học thuật

Dưới thời ông Trump, chính quyền Mỹ đã từng ban hành lệnh cấm sinh viên tốt nghiệp các trường đại học Trung Quốc có liên hệ với quân đội theo học các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) tại Mỹ, nhằm ngăn chặn nguy cơ “gián điệp học thuật”.

Chương trình “Sáng kiến Trung Quốc” cũng được khởi xướng để ngăn chặn hoạt động tình báo từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, chương trình này đã bị chính quyền Tổng thống Biden xóa bỏ sau khi vấp phải chỉ trích dữ dội, bị so sánh với chiến dịch săn lùng cộng sản kiểu “McCarthy” những năm 1950.

Song, các chính sách nhập cư ngày càng cứng rắn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump tiếp tục gieo rắc bất ổn trong giới học thuật. Trong năm qua, ít nhất hàng chục học giả gốc Hoa có tiếng tại Mỹ đã hồi hương và đảm nhận các vị trí giảng dạy tại các đại học danh tiếng Trung Quốc.

Đối với nhiều sinh viên, đây là thời điểm lấp lửng giữa hai ngả đường: tiếp tục theo đuổi giấc mơ học thuật ở Mỹ, hay quay trở về trong bối cảnh căng thẳng chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/trung-quoc-chi-trich-ong-trump-dang-lam-hoen-o-hinh-anh-giao-duc-my-post1555362.html
Zalo