Lebanon tiến hành bầu cử địa phương, bất chấp không khí sợ hãi bởi xung đột và di dời

Bất chấp các cuộc không kích liên tục của Israel, tình trạng di dời diện rộng và nhiều khó khăn hậu cần, Lebanon vẫn tiến hành bầu cử thành phố tại khu vực miền Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột vào ngày 24/5.

Tổng thống Lebanon Joseph Aoun bỏ phiếu tại quê nhà Aishiyah ở miền nam Lebanon, trong cuộc bầu cử thành phố vào ngày 24/5. (Nguồn: AFP)

Tổng thống Lebanon Joseph Aoun bỏ phiếu tại quê nhà Aishiyah ở miền nam Lebanon, trong cuộc bầu cử thành phố vào ngày 24/5. (Nguồn: AFP)

Cuộc bỏ phiếu được tổ chức tại các tỉnh Nam Lebanon và Nabatieh, ngay cả khi phần lớn khu vực biên giới vẫn bị hỏa lực tấn công lẻ tẻ. Hàng chục nghìn người đã phải di dời kể từ khi xung đột xuyên biên giới giữa Israel và Hezbollah bắt đầu vào tháng 10/2023, và các dịch vụ cơ bản đã sụp đổ ở nhiều thị trấn.

Bộ trưởng Nội vụ Ahmad Al-Hajjar tuần qua tái khẳng định cam kết của chính phủ về chủ quyền trên toàn bộ lãnh thổ Lebanon. Ông cho biết các cuộc thảo luận đang được tiến hành với các nhà trung gian quốc tế để giúp bảo đảm một ngày bầu cử bình tĩnh, nhưng nhấn mạnh rằng Beirut "không chờ đợi sự bảo đảm".

Tuy nhiên, những người tổ chức vẫn phải đối mặt với những thách thức to lớn. Theo Hiệp hội các làng biên giới phía Nam, việc di dời cư dân đã khiến hậu cần bỏ phiếu gần như không thể quản lý được. Bộ Nội vụ cho biết 37 trong số 60 làng biên giới vẫn còn trống, với các trạm bỏ phiếu được di dời đến các khu vực an toàn hơn. Hiệp hội cũng trích dẫn sự miễn cưỡng của các giám sát viên bầu cử - theo luật định phải đến từ bên ngoài khu vực - khi đi đến các khu vực bất ổn do mối đe dọa từ các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Israel.

Nhóm này cho biết trong một tuyên bố: "Việc thiếu an ninh, cùng với việc thiếu nước, điện và dịch vụ viễn thông đã tạo nên bầu không khí sợ hãi".

Phát biểu trong chuyến công du miền Nam Lebanon và bỏ phiếu tại thị trấn quê nhà Aaichiyeh, tỉnh Nam Lebanon, Tổng thống Joseph Aoun khẳng định quyết tâm tổ chức thành công cuộc bầu cử địa phương lần đầu tiên sau 9 năm, đồng thời nêu bật sức sống mãnh liệt và “ý chí xây dựng” của người dân Lebanon.

Người dân các làng mạc và thị trấn trên biên giới giáp với Israel, bao gồm làng Kfar Kila gần như bị phá hủy trong chiến tranh, đã bỏ phiếu tại các điểm bầu cử được thiết lập tại thành phố Nabatiyeh gần đó. Trong khi các cử tri của các làng mạc biên giới khác đã bầu cử tại thành phố cảng Tyre.

Bất chấp những thách thức về an ninh, cuộc bỏ phiếu này được coi là phép thử quan trọng đối với khả năng duy trì các hoạt động dân chủ của Lebanon, trong bối cảnh xung đột leo thang. Các nhà phân tích cho biết cuộc bầu cử cũng là sự khẳng định mang tính biểu tượng về quyền lực của nhà nước tại các khu vực mà Hezbollah và các đồng minh của phong trào này nắm ảnh hưởng đáng kể.

Nhà phân tích chính trị Refaat Badawi - từng là cựu cố vấn của cố Thủ tướng Salim el-Hoss, đánh giá rằng “cuộc bầu cử này không chỉ mang tính biểu tượng”. Các thành phố đang ở tuyến đầu trong việc cung cấp dịch vụ, phân phối viện trợ và các nỗ lực tái thiết - đặc biệt là trong bối cảnh “gần như hoàn toàn không có chính quyền trung ương hoạt động”.

Cuộc bầu cử địa phương vòng cuối tại miền Nam Lebanon – thành trì của Hezbollah và đồng minh Amal – diễn ra ngày 25/5 trong bối cảnh giao tranh leo thang với Israel, di dời quy mô lớn và nhiều thách thức hậu cần. Đây được xem là thước đo mức độ ủng hộ của cử tri với các phe phái này sau nhiều tháng xung đột.

Chủ tịch Quốc hội Lebanon Nabih Berri, cũng là lãnh đạo Phong trào Amal, đã kêu gọi cử tri miền Nam đi bầu đông đảo để ủng hộ đảng. Kết quả cuộc bỏ phiếu được cho là có thể dự báo xu hướng trước cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2026.

Bầu cử địa phương tại Lebanon được tổ chức thành 4 vòng vào các ngày Chủ Nhật trong tháng 5. Ba vòng đầu đã diễn ra tại các tỉnh Mount Liban, Akkar, Bắc Lebanon, Beirut, Bekaa và Baalbek-Hermel. Đây là lần đầu tiên Lebanon tổ chức bầu cử cấp địa phương sau 9 năm trì hoãn vì khó khăn kinh tế, hành chính và an ninh.

Tổng thống Michel Aoun vừa nhậm chức hồi tháng 1 và Thủ tướng Nawaf Salam thành lập chính phủ vào tháng 2, kết thúc hơn hai năm khủng hoảng chính trị. Chính quyền mới cam kết thúc đẩy cải cách để nhận viện trợ quốc tế, cứu vãn nền kinh tế đang khủng hoảng kéo dài suốt 5 năm qua.

Trong một diễn biến khác, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 25/5 cho biết toàn bộ các lữ đoàn bộ binh và thiết giáp thường trực của quân đội hiện đã được triển khai tới Dải Gaza, trong bối cảnh Israel chuẩn bị đẩy mạnh chiến dịch tấn công nhằm vào phong trào Hamas.

Các đơn vị bao gồm lữ đoàn Golani, Dù, Givati, đặc nhiệm, Kfir, Nahal, cùng với các lữ đoàn thiết giáp số 7, 188 và 401 đã có mặt tại khu vực. Bên cạnh đó, một số đơn vị quân dự bị cũng được điều động vào Gaza.

Trước đó, IDF thông báo đã có 5 sư đoàn đang hoạt động tại Gaza, tương đương với hàng chục nghìn binh sĩ.

Giới chức Israel cảnh báo rằng, chừng nào phong trào Hamas còn từ chối đạt được thỏa thuận trao đổi con tin, IDF sẽ tiếp tục tăng cường chiến dịch quân sự nhằm vào tổ chức này.

Hôm 16/5, quân đội Israel đã chính thức phát động chiến dịch nhằm kiểm soát toàn bộ Dải Gaza. Đây được xem là giai đoạn leo thang mới trong cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và lực lượng Hamas. Chiến dịch bao gồm các đợt không kích quy mô lớn, các cuộc tấn công trên bộ vào trung tâm và phía nam Gaza, cũng như việc mở rộng vùng kiểm soát ở các khu vực dân cư đông đúc.

Phía Israel tuyên bố mục tiêu của chiến dịch là "loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa từ Hamas", trong khi cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo đang ngày càng xấu đi tại Gaza, với hàng trăm nghìn người dân bị ảnh hưởng bởi giao tranh và thiếu hụt nghiêm trọng về nhu yếu phẩm.

(theo Tân Hoa xã, Times of Israel)

Hạ Nhi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lebanon-tien-hanh-bau-cu-dia-phuong-bat-chap-khong-khi-so-hai-boi-xung-dot-va-di-doi-315438.html
Zalo