Căn cứ 'đầu não' phòng không tối mật của Hàn Quốc

Nằm sâu trong căn cứ Osan, trung tâm KAOC kết nối radar, tiêm kích, vệ tinh và hệ thống tên lửa để phản ứng siêu tốc với các mối đe dọa từ Triều Tiên và Nga.

 Một chiếc F-35B thực hiện chuyến bay trình diễn trong Ngày sức mạnh không quân Osan 2025 tại Căn cứ không quân Osan ở Pyeongtaek vào ngày 9/5. Ảnh: Yonhap.

Một chiếc F-35B thực hiện chuyến bay trình diễn trong Ngày sức mạnh không quân Osan 2025 tại Căn cứ không quân Osan ở Pyeongtaek vào ngày 9/5. Ảnh: Yonhap.

Chỉ vài giây sau khi chuông báo động vang lên tại Trung tâm Tác chiến Không gian và Không quân Hàn Quốc (KAOC), các phi công lập tức lao nhanh về phía máy bay. Đây là nơi đầu não kiểm soát các hoạt động phòng không của Hàn Quốc - một trung tâm bí mật vừa được hé lộ hiếm hoi trong bối cảnh mối đe dọa từ Triều Tiên ngày càng gia tăng, theo SCMP.

Hôm 21/5, truyền thông Hàn Quốc lần đầu tiên được tiếp cận KAOC - trung tâm chỉ huy được canh phòng nghiêm ngặt đặt trong Căn cứ Không quân Osan, cách thủ đô Seoul khoảng 60 km về phía nam, thuộc thành phố Pyeongtaek.

Từ đây, lực lượng không quân Hàn Quốc và Mỹ phối hợp giám sát và điều phối các phản ứng trên không trên toàn bán đảo Triều Tiên. Đây được coi là một năng lực ngày càng trở nên thiết yếu khi Triều Tiên không ngừng phát triển chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Hoạt động 24/7

Việc tiết lộ về căn cứ đầu não của phòng không Hàn Quốc này diễn ra trong bối cảnh Seoul ngày càng lo ngại trước tham vọng của Bình Nhưỡng trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và đa dạng hóa các phương tiện phóng.

Hôm 15/5, Triều Tiên lần đầu công khai thử nghiệm một tên lửa không đối không tầm trung, được phóng từ tiêm kích MiG-29 trong một cuộc tập trận có sự tham dự của nhà lãnh đạo Kim Jong un.

Giới chức Hàn Quốc cũng lo ngại rằng chương trình vũ khí của Triều Tiên có thể đang nhận được hỗ trợ công nghệ từ Nga, được cho là sự trao đổi để đổi lấy việc Bình Nhưỡng hậu thuẫn Moskva trong cuộc xung đột tại Ukraine. Mối quan hệ này đang khiến Washington và Tokyo đặc biệt lo ngại.

Trong khi đó, khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của Hàn Quốc liên tục bị xâm nhập bởi các máy bay quân sự Trung Quốc và Nga, khiến áp lực đè nặng lên đội ngũ tại KAOC.

Theo tờ Korea JoongAng Daily, bầu không khí trong trung tâm chỉ huy mờ ánh sáng luôn căng thẳng tột độ, nơi các binh sĩ làm việc dưới áp lực cực lớn.

Trung tâm hoạt động suốt 24 giờ mỗi ngày, giám sát không phận trên toàn bán đảo Triều Tiên và vùng trời biển Nhật Bản (East Sea) thông qua hệ thống radar cố định và di động. Các binh sĩ liên tục theo dõi dữ liệu từ nhiều màn hình, thực hiện các quy trình nhận dạng địch - ta và sẵn sàng ứng phó theo 4 ca luân phiên không ngừng nghỉ.

Năm 2022, Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến thăm Trung tâm điều hành không gian và hàng không Hàn Quốc tại Căn cứ không quân Osan ở Pyeongtaek. Ảnh: Reuters.

Năm 2022, Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến thăm Trung tâm điều hành không gian và hàng không Hàn Quốc tại Căn cứ không quân Osan ở Pyeongtaek. Ảnh: Reuters.

Hai đơn vị chủ lực được tiết lộ trong chuyến tham quan gồm Trung tâm Kiểm soát Báo cáo Chính (MCRC) và Bộ phận Phòng thủ Tên lửa & Không quân Hàn Quốc (KAMD).

Tại MCRC, các chuyên viên giám sát phân tích dữ liệu radar từ các nền tảng trên không, trên bộ và trên biển bao gồm cả máy bay cảnh báo sớm và tàu khu trục được trang bị hệ thống Aegis để phân biệt các hành trình bay thực sự với các tín hiệu nhiễu như chim hay thời tiết.

Các ca trực tại MCRC kéo dài tới 6 tiếng, và theo The Korea Times, nhiều binh sĩ không rời vị trí dù chỉ để uống nước.

Phản ứng nhanh trong 2 phút

Khi phát hiện một vật thể bay, đội nhận dạng sẽ đối chiếu dữ liệu với kế hoạch bay, kết hợp thông tin từ thiết bị nhận diện, liên lạc vô tuyến và chia sẻ từ các đối tác khu vực.

Nếu không thể xác minh, hoặc nếu máy bay xâm phạm ADIZ mà không được phép, đội kiểm soát vũ khí lập tức triển khai máy bay đánh chặn hoặc kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa.

Đại tá Park Geun-hyung, chỉ huy tác chiến, đã trực tiếp mô phỏng một tình huống huấn luyện tại MCRC hôm 21/5. Tám giây sau khi mệnh lệnh được phát ra, màn hình lớn tại trung tâm hiển thị cảnh phi công và kỹ thuật viên đang chạy tới nhà chứa tiêm kích KF-16 tại Sư đoàn Tiêm kích số 20 ở Seosan, tỉnh Nam Chungcheong.

Chỉ mất hơn 2 phút để các phi công vào buồng lái và hoàn tất các bước chuẩn bị cất cánh. Trong tình huống thực tế, máy bay phải cất cánh và thiết lập liên lạc trên không trong vòng khoảng 10 phút.

 Tiêm kích KF-16 cất cánh chỉ sau 2 phút có mệnh lệnh từ trung tâm chỉ huy. Ảnh: Fly a jet fighter.

Tiêm kích KF-16 cất cánh chỉ sau 2 phút có mệnh lệnh từ trung tâm chỉ huy. Ảnh: Fly a jet fighter.

Bộ phận KAMD chịu trách nhiệm điều hành hệ thống phòng thủ tên lửa. Dù chưa được xác nhận chính thức, KAMD được cho là đã tăng gấp đôi năng lực vận hành, bao gồm khả năng phát hiện quỹ đạo tên lửa. Hàn Quốc hiện cũng chia sẻ dữ liệu tên lửa với Mỹ và Nhật Bản trong khuôn khổ hợp tác an ninh ba bên.

Trung tâm này tổng hợp thông tin quỹ đạo tên lửa từ vệ tinh cảnh báo sớm của Mỹ, radar của Phi đội Tác chiến Không gian thuộc Không quân Hàn Quốc và tàu khu trục Aegis của Hải quân Hàn Quốc. Dữ liệu hợp nhất sẽ được truyền tới các đơn vị phòng thủ tên lửa, sẵn sàng triển khai tên lửa Cheongung-II và Patriot tới các khu vực mục tiêu.

Tùy theo loại tên lửa, quân đội Hàn Quốc ước tính tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên có thể bắn tới khu vực thủ đô Seoul chỉ trong 3 phút, và đến Busan trong vòng 8 phút.

Kể từ năm 2014, Triều Tiên đã phóng hơn 200 tên lửa, phần lớn là tên lửa tầm ngắn hoặc rất gần, theo thống kê của quân đội Hàn Quốc. Trong khi đó, Không quân Hàn Quốc hiện vận hành máy bay cảnh báo sớm E-737, cho đến nay đã theo dõi thành công mọi vụ phóng tên lửa hành trình từ phía Bắc.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/can-cu-dau-nao-phong-khong-toi-mat-cua-han-quoc-post1555550.html
Zalo