Hệ lụy thế nào với nước Mỹ nếu ĐH Harvard ngừng tuyển sinh viên quốc tế?

Mỹ có thể sẽ phải đối mặt nhiều hệ lụy, trong đó có kinh tế, một khi trường ĐH Harvard ngưng tuyển sinh viên quốc tế theo lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Ngày 22-5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã loại trường ĐH Harvard khỏi chương trình tiếp nhận sinh viên và khách trao đổi quốc tế (SEVP), đồng thời yêu cầu các sinh viên đang theo học tại Harvard phải chuyển sang trường khác nếu không muốn mất tình trạng lưu trú hợp pháp.

Trong bức thư gửi Harvard hôm thứ 22-5, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kristi Noem cáo buộc trường này đã từ chối cung cấp hồ sơ hành vi của các sinh viên nước ngoài theo yêu cầu của bộ và “duy trì môi trường học đường thiếu an toàn, thù địch với sinh viên Do Thái, cổ súy tư tưởng ủng hộ Hamas và áp dụng các chính sách đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) mang tính phân biệt chủng tộc”.

Tờ The Hill dẫn các phân tích của chuyên gia rằng quyết định trên của chính quyền Tổng thống Trump có thể khiến nước Mỹ phải chịu nhiều hệ lụy tiêu cực, dễ thấy nhất là về kinh tế.

Ảnh hưởng kinh tế

Sinh viên quốc tế chiếm tỉ lệ không hề nhỏ tại trường ĐH Harvard: trong năm học 2024-2025, khoảng 6.800 người theo học tại trường là sinh viên quốc tế, chiếm 27% tổng số sinh viên toàn trường.

 Ngày 22-5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra quyết định thu hồi quyền tuyển sinh viên quốc tế của trường ĐH Harvard. Ảnh: AFP

Ngày 22-5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra quyết định thu hồi quyền tuyển sinh viên quốc tế của trường ĐH Harvard. Ảnh: AFP

Khi theo học tại Harvard, sinh viên quốc tế không chỉ chi một khoản tiền lớn cho học phí và tài liệu, mà còn chi cho chỗ ở, ăn uống, mua sắm hàng hóa, bảo hiểm y tế cùng các dịch vụ như viễn thông và vận chuyển.

Chính vì thế, sinh viên quốc tế theo học tại Harvard đóng một vai trò quan trọng cho kinh tế địa phương. Theo dữ liệu của Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA), sinh viên quốc tế tại trường ĐH Harvard đóng góp khoảng 383,6 triệu USD hàng năm và hỗ trợ khoảng 3.910 việc làm cho kinh tế địa phương.

Trong năm học 2023-2024, sinh viên quốc tế của trường ĐH Harvard cũng chiếm 54,5% tổng chi tiêu của sinh viên nước ngoài theo học tại Quận quốc hội số 5 của bang Massachusetts - nơi Harvard tọa lạc.

Mở rộng ra, bang Massachusetts thu về gần 4 tỉ USD mỗi năm từ chi tiêu của sinh viên nước ngoài, trong đó sinh viên đến từ Harvard chiếm khoảng 10%.

Thêm vào đó, nhiều sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp tại trường ĐH Harvard đã trở thành những nhà đổi mới hàng đầu nước Mỹ. Nhiều cựu sinh viên quốc tế từng theo học tại Harvard cũng đã trở thành lãnh đạo của những công ty khởi nghiệp thành công.

Chính vì thế, quyết định của chính quyền Tổng thống Trump về việc thu hồi quyền tuyển sinh viên quốc tế của trường ĐH Harvard có thể khiến kinh tế của địa phương nơi Harvard tọa lạc đối mặt với những thiệt hại khổng lồ khó có thể bù đắp trong ngắn hạn.

“Chúng ta đang từ chối những tài năng toàn cầu bằng chính chi phí của mình” - bà Fanta Aw - CEO của NAFSA nhận định.

Đánh mất lợi thế

Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem đã nói rõ trong thông báo gửi cho trường ĐH Harvard rằng quyết định này là "lời cảnh báo gửi đến mọi trường đại học khác để họ hành động đúng mực".

 Sinh viên quốc tế tại trường ĐH Harvard có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế địa phương trong nhiều năm qua. Ảnh: AFP

Sinh viên quốc tế tại trường ĐH Harvard có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế địa phương trong nhiều năm qua. Ảnh: AFP

Theo bà Aw, lời đe dọa này của chính quyền Tổng thống Trump có thể ảnh hưởng cùng lúc đến trường đại học khác và tác động đến cả năng lực cạnh tranh nói chung của nền kinh tế Mỹ trong tương lai.

“Việc mất đi sự đóng góp của sinh viên quốc tế sẽ tác động tiêu cực đến sự hiểu biết của sinh viên trong nước về thế giới và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức mạnh kinh tế, an ninh và khả năng cạnh tranh toàn cầu của đất nước” - bà nói.

Trong năm học 2023-24, tổng cộng có 1,1 triệu sinh viên nước ngoài đang theo học tại các trường đại học ở Mỹ. Với số lượng trên, sinh viên quốc tế đã đóng góp 43,8 tỉ USD cho nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Ngoài ra, cứ ba sinh viên quốc tế thì có một việc làm được tạo ra tại Mỹ. Tổng cộng, sinh viên nước ngoài đã hỗ trợ hoặc tạo ra gần 380.000 việc làm cho nền kinh tế của nước này.

Sinh viên quốc tế còn đóng góp cho sự phát triển của các doanh nghiệp Mỹ. Theo công bố vào năm 2018 của tổ chức nghiên cứu Quỹ Quốc gia về Chính sách Mỹ (NFAP), 1 trong số 4 công ty khởi nghiệp trị giá hàng tỉ USD ở Mỹ được thành lập bởi những cựu sinh viên quốc tế từng học tại nước này.

Trong khi đó, theo phân tích của hãng tin Axios, có khoảng 20 công ty khởi nghiệp trị giá hàng tỉ USD tại Mỹ được thành lập bởi những sinh viên nước ngoài từng học tại Harvard.

“Chính quyền ông Trump được cho là đang cố gắng cải thiện môi trường kinh tế và kinh doanh cho các công ty có trụ sở tại Mỹ, đồng thời tăng việc làm và mức lương của người Mỹ. Nhưng nỗi lo lắng hiện tại của vô số sinh viên quốc tế tương lai và gia đình họ đang làm suy yếu những mục tiêu rất quan trọng đó” - Ông Eddie West - Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế tại ĐH bang California (Mỹ) đã nói.

Căng thẳng tiếp diễn

Quyết định về việc thu hồi quyền tuyển sinh viên quốc tế trường ĐH Harvard là động thái cứng rắn mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump đối với trường đại học này.

 Quyết định thu hồi quyền tuyển sinh viên quốc tế của Harvard là động thái cứng rắn mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump đối với trường đại học này. Ảnh: GETTY IMAGES.

Quyết định thu hồi quyền tuyển sinh viên quốc tế của Harvard là động thái cứng rắn mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump đối với trường đại học này. Ảnh: GETTY IMAGES.

Trước đó, ngày 14-4, chính quyền Tổng thống Trump thông báo sẽ đóng băng 2,2 tỉ USD tiền tài trợ dài hạn và 60 triệu giá trị hợp đồng nhiều năm tại ĐH Harvard sau khi trường này tuyên bố sẽ không tuân thủ các yêu cầu về chính sách từ chính quyền, theo đài CNN.

Vài giờ sau khi Harvard đệ đơn kiện hôm 22-5, Thẩm phán liên bang Mỹ Allison Burroughs đã đồng ý dừng việc thu hồi quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế của trường ĐH Harvard và dự kiến tổ chức phiên điều trần vào ngày 29-5 để xem xét thêm về quyết định của chính quyền ông Trump.

Trong trường hợp lệnh tạm dừng không được kéo dài, trường ĐH Harvard rất có thể sẽ phải thay thế tất cả các sinh viên quốc tế của mình. Đây là một khó khăn đáng kể khi trường này sắp chuẩn bị bước vào học kỳ mùa thu tới.

“Vào thời điểm này, đòn bẩy duy nhất mà chính phủ liên bang chưa sử dụng để chống lại Harvard là hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Và tôi nghĩ điều đó hoàn toàn có thể xảy ra vào thời điểm này, vì về cơ bản mọi nguồn tài trợ khác đã bị cắt đứt” - ông Robert Kelchen - Trưởng Khoa lãnh đạo và nghiên cứu chính sách giáo dục thuộc ĐH Tennessee (Mỹ).

TRỌNG TẤN

Nguồn PLO: https://plo.vn/he-luy-the-nao-voi-nuoc-my-neu-dh-harvard-ngung-tuyen-sinh-vien-quoc-te-post851605.html
Zalo