'Chính phủ không thể lo từng cái kim, sợi chỉ từ Hà Nội đến Cà Mau'
'Không nên coi chính quyền địa phương là cánh tay vươn dài của Trung ương; không phải Chính phủ lo từng cái kim, sợi chỉ ở Hà Nội cũng như ở Cà Mau, cháy rừng ở đâu cũng Chính phủ lo'.
Câu chuyện phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương tiếp tục là chủ đề nóng được đưa ra tại hội thảo “Điểm nghẽn thể chế và các giải pháp đột phá để phát triển” do Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức ngày 11/2.
'Chính phủ lái thuyền mà không chèo thuyền'
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nhấn mạnh, thể chế không chỉ là khung khổ pháp lý, mà còn là động lực quan trọng định hướng và thúc đẩy sự phát triển KT-XH.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thể chế hiện nay chưa theo kịp tiến trình phát triển, vẫn còn tồn tại những điểm nghẽn, rào cản về cơ chế, chính sách đang làm chậm sự phát triển của đất nước.
![Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long. Ảnh: TH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51450221/0c022271173ffe61a72e.jpg)
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long. Ảnh: TH
Theo Thứ trưởng , để góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, cần một tư duy đổi mới mạnh mẽ, một quyết tâm chính trị cao độ và sự đồng lòng của toàn xã hội.
Ông Long bày tỏ tin tưởng các nhà khoa học, chuyên gia và nhà quản lý sẽ đưa ra được những giải pháp thiết thực, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chỉ rõ quá trình phát triển đất nước hiện nay, từ tư duy cho đến hoàn thiện thể chế vẫn chậm đổi mới, đang trở thành lực cản rất lớn, tạo nên các điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển.
Điều này thể hiện rõ nhất qua việc vẫn còn nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung; tạo ra nhiều bẫy rủi ro về pháp lý, chính sách, dễ bị hình sự hóa trong quá trình thực hiện.
![Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: TH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51450221/4ae4619754d9bd87e4c8.jpg)
Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: TH
Cơ chế, chính sách trong hệ thống pháp luật chậm thay đổi, đã tạo nên “chiếc áo quá chật” làm phát sinh nhiều chính sách đặc thù để các địa phương phát triển.
Tôi cho rằng chúng ta có 3 điểm nghẽn lớn. Điểm nghẽn số 1 là tư duy (siêu vĩ). Thứ hai là điểm nghẽn "trung vĩ", chính là câu chuyện về những văn bản pháp luật hiện nay. Như mô hình xương cá, người ăn cá thường rất ít khi hóc xương lớn, chưa ai hóc xương sống bao giờ. Đa số người hóc xương cá là xương dăm. Thứ 3 là điểm nghẽn "siêu vi" - văn bản hướng dẫn. Những văn bản này được đẻ ra từ luật khung, luật ống, các nghị định, trong đó có những văn bản chạy theo lợi ích cục bộ của từng cơ quan, sau đó được triển khai bằng thông tư, chỉ thị, hướng dẫn rối rắm, phức tạp. TS. Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Việc phân quyền, phân cấp giữa Chính phủ và chính quyền địa phương dù đã thực hiện nhưng vẫn mang tính hình thức, vẫn nhiều quy trình thủ tục, xin ý kiến...
Trong các nguyên nhân, ông Tuấn nêu rõ tư duy “ngồi im”, không thay đổi, hoặc thay đổi nửa vời, chắp vá, không có tính hệ thống thì quản lý, quản trị quốc gia vẫn đi theo “lối mòn”, vẫn “bình mới rượu cũ”, sa vào duy ý chí, giáo điều. Điều này rất dễ sa vào tình trạng giải quyết được điểm nghẽn này thì lại tạo ra điểm nghẽn khác.
"Do vậy, bước vào kỷ nguyên mới, tư duy cũng phải 'vươn mình', phải thay đổi để xây dựng các 'chủ thuyết' phát triển trong từng ngành, từng lĩnh vực, nhất là lĩnh vực xây dựng pháp luật, theo đúng chủ trương của Đảng", nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Theo ông, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn đoạn tuyệt với tư duy “Chính phủ có thể làm mọi việc”, chưa nhận thức đầy đủ vai trò của Chính phủ trong kinh tế thị trường, để từ đó, thiết kế cơ cấu tổ chức của Chính phủ cho phù hợp theo hướng “Chính phủ nhỏ, xã hội lớn”; “Chính phủ lái thuyền mà không chèo thuyền”.
"Việc của địa phương phải để địa phương quyết, thực hiện và chịu trách nhiệm; đẩy mạnh phân quyền, phân định rõ thẩm quyền giữa Trung ương với chính quyền địa phương. Chính phủ phải mạnh dạn hơn trong giao việc thực hiện các dịch vụ công cho các tổ chức ngoài nhà nước thực hiện", ông Tuấn nói. Ông gợi mở đó cũng là thực hiện xu hướng “Chính phủ nhỏ nhưng mạnh”.
Không nên coi chính quyền địa phương là cánh tay vươn dài của Trung ương
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đưa ra quan điểm “Chính phủ theo dự luật đến cùng” là rất tốt.
Đề cập đến phân cấp, phân quyền, ông Dũng lưu ý, “Thủ tướng cũng chỉ có 24 giờ đồng hồ, mọi công việc của đất nước dồn lên Thủ tướng thì không tắc mới là chuyện lạ”. Vì vậy, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, còn nếu thực hiện như hiện nay chủ yếu mới là đang ủy quyền thì không làm được.
“Phải phân cấp, phân quyền theo một mô hình triệt để, đó là mô hình bổ trợ. Cái gì địa phương làm được thì phân hết cho địa phương, chỉ có những gì địa phương không làm được mới phân cho Trung ương. Đã phân cho địa phương là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, ông Dũng phân tích.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận bày tỏ rất tâm đắc với thông điệp của Tổng Bí thư “địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm”.
Điều này liên quan đến phân quyền giữa Trung ương và địa phương, phải đi sâu vào cụ thể Trung ương quản cái gì, địa phương quản cái gì. Còn nếu quy định “Chính phủ quản lý thống nhất tất cả các lĩnh vực” thì không gọi là phân quyền được.
Theo ông Thuận, ngoài các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh, các lĩnh vực khác cần xác định rõ cái nào Trung ương nắm hoàn toàn, lĩnh vực nào chia sẻ giữa Trung ương và địa phương, lĩnh vực nào địa phương hoàn toàn chịu trách nhiệm.
![Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý. Ảnh: T.Hằng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51450221/d421e152d41c3d42640d.jpg)
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý. Ảnh: T.Hằng
Nhấn mạnh “điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là tư duy làm ra thể chế”, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, trước hết tư duy làm luật phải làm rõ, thẩm quyền và phạm vi của lập pháp là cái gì, thẩm quyền của Quốc hội làm gì, Chính phủ làm gì.
“Đừng chờ vào Quốc hội nói 'điều này Chính phủ quy định chi tiết' thì mới bắt tay vào làm. Cái nào thuộc không gian của Chính phủ thì Chính phủ làm. Cái nào thuộc không gian của Quốc hội thì Quốc hội làm. Tổng Bí thư nói luật chỉ quy định những vấn đề nguyên tắc là vì thế”, ông Lý nêu rõ.
Trong phân cấp, phân quyền, ông nhấn mạnh: “Không nên coi chính quyền địa phương là cánh tay vươn dài của Trung ương”. Chính quyền địa phương là thực thể sống động như Tổng Bí thư Tô Lâm nói “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Như vậy, chính quyền địa phương tự chủ cao hơn.
“Không phải Chính phủ lo từng cái kim, sợi chỉ ở Hà Nội cũng như ở Cà Mau, cháy rừng ở đâu cũng Chính phủ lo”, ông Lý lưu ý. Theo ông, luật chỉ quy định về phân quyền và nguyên tắc phân cấp, còn nghị định sẽ quy định phân cấp cụ thể.