Trồng đẳng sâm mở ra con đường làm kinh tế hiệu quả cho bà con vùng cao biên giới Ch'Ơm

Việc trồng đẳng sâm từ sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước và mang tính liên kết chặt chẽ với vai trò của HTX đang mở ra con đường làm kinh tế hiệu quả cho bà con vùng biên giới ở xã Ch'Ơm (huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), nhất là tạo điều kiện cho người dân nơi đây trồng dược liệu theo hướng mới để thoát nghèo bền vững.

Đẳng sâm là một trong những loài dược liệu quý, có giá trị kinh tế. Hiện nay, việc trồng loại cây dược liệu quý này là sinh kế chính của người dân tại xã Ch’Ơm.

Từ triển vọng dự án trồng cây đẳng sâm xen ngô nếp

Hồi năm rồi, Dự án trồng cây đẳng Sâm xen ngô nếp nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam phối hợp chính quyền huyện Tây Giang triển khai tại xã Ch’Ơm. Điều này nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại các bản làng vùng sâu, vùng xa trong xã có cơ hội để tiếp cận và ứng dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc canh tác.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng cây đẳng sâm cho người dân xã Ch’Ơm.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng cây đẳng sâm cho người dân xã Ch’Ơm.

Dự án này vừa tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội cho bà con xã Ch’Ơm làm quen với phát triển kinh tế hộ gia đình và vừa không để đất trống đồi núi trọc, giảm áp lực khai thác bất hợp pháp vào rừng tự nhiên, gây nguy hại môi trường và những hệ quả khác cho xã hội.

Với quy mô dự án được phê duyệt là 3ha, trồng cây đẳng sâm xen ngô nếp có sự tham gia của nhiều hộ gia đình tại thôn Cha’nốc, xã Ch’Ơm. Theo đó, 100% cây giống và phân bón ở năm đầu tiên sẽ được dự án hỗ trợ, các năm tiếp theo hộ tham gia mô hình tự đầu tư phân bón và các vật tư khác để chăm sóc.

Trong quá trình triển khai dự án, các cán bộ thuộc Trung tâm khuyến nông đã trực tiếp đến tận hộ gia đình hướng dẫn thực hiện dự án cho đến khi có kết quả. Đặc biệt là tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây đẳng sâm.

Theo ông Đặng Ngọc Sơn (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam), mục tiêu tổng quát của dự án là giúp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Mô hình nông nghiệp hiện đại, trồng dược liệu dưới tán rừng góp phần cung cấp sản phẩm sạch, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng có giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Việc phát triển các cây dược liệu như đẳng sâm thành vùng nguyên liệu tập trung tạo sản phẩm có giá trị kinh tế, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe.

Các hoạt động chính của dự án tập trung vào việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân trên địa bàn nắm bắt quy trình kỹ thuật nuôi trồng; Hỗ trợ cây, con giống và phân bón; Hỗ trợ cán bộ trực tiếp đến tận hộ gia đình hướng dẫn thực hiện dự án cho đến khi có kết quả.

“Đây là cơ hội để đồng bào dân tộc thiểu số tại các bản làng vùng sâu, vùng xa tiếp cận và ứng dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội cho bà con vùng núi, làm quen với phát triển kinh tế hộ gia đình trên diện tích đất mình có, không để đất trống đồi núi trọc”, ông Sơn chia sẻ.

Đến dấu ấn đậm nét của HTX

Dự án trồng cây đẳng sâm xen ngô nếp ở xã Ch’Ơm giúp cho người dân biết làm nông nghiệp theo hướng mới, mở ra con đường làm kinh tế hiệu quả, giúp người nông dân tiến tới làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình. Dự án cũng tạo điều kiện cho các hộ nông dân tham gia sản xuất sản phẩm một cách bền vững theo kế hoạch với số lượng lớn, tạo thành vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh về canh tác cây dược liệu.

Anh Alăng Lơ (người dân tộc Cơ Tu), Giám đốc HTX Nông nghiệp Ch’Ơm, đã giúp người dân Ch’Ơm thay đổi nhận thức và tư duy trong phát triển cây dược liệu như đẳng sâm.

Và qua quá trình triển khai dự án cho đến nay có thể thấy bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con ở xã Ch’Ơm, nhất là giúp các hộ tham gia trồng sâm theo phương thức mới.

Bên cạnh dự án nêu trên, hoạt động trồng đẳng sâm theo chuỗi liên kết ở xã Ch’Ơm còn phải kể đến dấu ấn đậm nét của HTX Nông nghiệp Ch’Ơm. Trong đó, với vai trò là giám đốc HTX, anh Alăng Lơ (người dân tộc Cơ Tu) đã giúp người dân thay đổi nhận thức và tư duy trong phát triển cây dược liệu như đẳng sâm, góp phần phát triển kinh tế bằng sản vật địa phương, mở ra cơ hội giảm nghèo bền vững cho chính bản thân và người dân miền núi.

Gia đình anh Alăng Lơ hiện đang trồng 4 héc ta đẳng sâm cho thu nhập ổn định, trung bình mỗi năm thu về khoảng 100 triệu đồng. Anh Lơ cho biết, đẳng sâm là cây dễ trồng, được chăm sóc, phân bón, làm cỏ, sau hơn 2 năm là cho thu hoạch. Từ khi có HTX liên kết, giám sát chặt chẽ từ khâu trồng trọt, chăm sóc đến bao tiêu sản phẩm, giúp bà con có đầu ra ổn định.

“Trước đây bà con chủ yếu lên rừng làm nương rẫy, trồng thêm cây lúa nhưng cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Hiện nay, người dân được tập huấn kỹ thuật liên quan đến trồng cây dược liệu dưới tán rừng và nhân rộng mô hình trồng cây đẳng sâm, từ đó cuộc sống dần ổn định, đời sống được nâng lên rõ rệt”, anh Lơ nói.

Anh Alăng Lơ tâm sự ai cũng muốn con cái đi học về làm cán bộ, nhưng bản thân gia đình anh và bà con trong xã cũng muốn tạo cho con một cái nghề. Nếu cây đẳng sâm vẫn phát triển theo đà như hiện nay thì các hộ gia đình có thể làm giàu từ loại cây này mà không phải đi đâu xa. Mỗi năm tích góp một chút sẽ có tiền cho con cái học hành mà không phải lo con phải bỏ học giữa chừng.

Hướng mới để thoát nghèo

Giám đốc HTX Nông nghiệp Ch’Ơm vừa làm vừa tuyên truyền người dân hiểu được giá trị của việc liên kết này, bởi đó không chỉ là bước đầu để tạo nên HTX nông nghiệp theo định hướng chung, mà còn giúp ích trong việc giữ rừng, mở rộng đất trồng sâm, tạo ra sản phẩm đặc trưng của miền núi, nâng cao thu nhập cho chính cộng đồng Cơ Tu ở xã Ch’Ơm.

Cây đẳng sâm rất thích hợp để đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng ở xã Ch’Ơm.

Cây đẳng sâm rất thích hợp để đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng ở xã Ch’Ơm.

Nhờ vậy, số hộ dân ở địa phương tham gia làm thành viên của HTX ngày càng tăng, từ đó góp phần cung ứng chuỗi giá trị của sâm đến với thị trường. Hiện nay HTX Nông nghiệp Ch’Ơm có 32 hộ dân tham gia làm thành viên, với vùng nguyên liệu đẳng sâm là hơn 60ha.

Tất cả đẳng sâm do các thành viên của HTX Nông nghiệp Ch’Ơm trồng, thu hoạch sẽ được HTX Dược liệu Đức Huy Tây Giang (ở huyện Tây Giang) thu mua để chế biến thành phẩm là cao, mứt và rượu sâm, tạo nên thương hiệu để đưa ra thị trường.

Theo lãnh đạo UBND xã Ch’Ơm, nếu không có người tâm huyết như anh Alăng Lơ thì khả năng đẳng sâm không thể hiện diện rộng khắp trên cánh rẫy của cộng đồng trong xã như bây giờ. Là bởi, sau nhiều lần thất bại, mô hình trồng đẳng sâm trước đây đang dần rơi vào ngõ cụt, thì may thay, lúc đó Alăng Lơ thông báo mình thành công bằng phương pháp trồng xen canh dưới rẫy ngô.

Và hiện nay, chính quyền địa phương đang vận động người dân thay đổi tư duy canh tác mới, xem việc trồng đẳng sâm theo chuỗi liên kết như hành trình đứng dậy để thoát nghèo. Từ sự hỗ trợ của chính quyền, HTX và phía doanh nghiệp mà vài năm trở lại đây, đẳng sâm được biết đến như “thương hiệu” riêng có của xã Ch’Ơm với nhiều héc ta được trồng dưới tán rừng.

Với những ưu thế như địa bàn phân bố rộng, thời gian thu hoạch ngắn (chỉ 2-3 năm), năng suất và giá bán ổn định, đẳng sâm rất thích hợp để đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng ở xã Ch’Ơm. Mong rằng Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam sẽ có những hoạt động hỗ trợ thông qua những chương trình tập huấn, kết nối đầu ra, nhân rộng mô hình hiệu quả như HTX Nông nghiệp Ch’Ơm để cây đẳng sâm mở ra hướng đi mới để thoát nghèo bền vững cho bà con vùng biên giới xã Ch’Ơm.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/trong-dang-sam-mo-ra-con-duong-lam-kinh-te-hieu-qua-cho-ba-con-vung-cao-bien-gioi-ch-om-1106595.html
Zalo