Nhiều quy định mới khi xuất khẩu nông sản sang thị trường ASEAN

ASEAN hiện là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực thị trường này đang gia tăng các quy định mới về chất lượng nông sản nhập khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải sớm cập nhật và tuân thủ.

Cà-phê là một trong những nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều vào thị trường ASEAN.

Cà-phê là một trong những nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều vào thị trường ASEAN.

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, từ đầu tháng 5/2025, Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) bắt đầu triển khai nền tảng Dịch vụ điện tử (e-Service) phục vụ việc công bố và tra cứu kết quả kiểm tra phòng thí nghiệm đối với trái cây và rau quả tươi/làm mát nhập khẩu.

Nền tảng Dịch vụ điện tử này nhằm phục vụ đối tượng là tất cả các nhà nhập khẩu của Singapore có nhu cầu tra cứu kết quả kiểm tra phòng thí nghiệm của Hải quan Singapore đối với các lô hàng trái cây và rau quả tươi/làm mát nhập khẩu vào Singapore.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu trái cây và rau quả tươi/làm mát sang Singapore cần cập nhật các quy định mới, chủ động kết nối, hợp tác với đối tác phía Singapore trong việc kịp thời nắm bắt kết quả kiểm tra phòng thí nghiệm đối với các lô hàng xuất khẩu sang Singapore, sẵn sàng phương án xử lý khi được yêu cầu.

Tại thị trường Malaysia, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết, cơ quan này đã nhận được Thông báo của Ban thư ký, Ủy ban SPS-WTO về việc Bộ Y tế Malaysia thông báo lấy ý kiến cho việc “Thêm nội dung mới đối với quy định thực phẩm năm 1985".

Theo đó, yêu cầu thực phẩm nhập khẩu vào Malaysia phải được sản xuất tại các cơ sở thực hiện áp dụng Chương trình bảo đảm an toàn thực phẩm được Bộ Y tế Malaysia công nhận.

Malaysia có quyền kiểm tra các cơ sở thực phẩm để bảo đảm tuân thủ quy định, việc kiểm tra có thể thông qua sự phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc cơ sở sản xuất thực phẩm ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhà nhập khẩu có trách nhiệm cung cấp hoặc lưu trữ hồ sơ chứng minh cơ sở sản xuất tuân thủ một chương trình bảo đảm an toàn thực phẩm được công nhận. Nếu vi phạm quy định trên có thể bị áp dụng các biện pháp xử lý hoặc từ chối nhập khẩu thực phẩm. Malaysia hiện là quốc gia nhập khẩu nhiều nông sản của Việt Nam như: gạo, cà-phê, hạt điều, thanh long, ớt, chanh…

Tiến Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhieu-quy-dinh-moi-khi-xuat-khau-nong-san-sang-thi-truong-asean-post878234.html
Zalo