Nữ giám đốc khởi nghiệp từ 'cây giữ nhà'
Từ loại cây 'giữ nhà' nơi vùng núi Dành (Bắc Giang), chị Nguyễn Thị Kim Dung đã gây dựng nên Hợp tác xã sâm Nam với hơn 150 lao động thường xuyên. Hành trình khởi nghiệp của chị không chỉ tạo sinh kế mà còn góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho hàng trăm phụ nữ nông thôn.

Chị Dung đang chăm cây sâm tại vườn
Khơi dậy giá trị của loài cây "giữ nhà"
Sáng sớm, khi sương còn mờ phủ khắp triền núi Dành, chị Nguyễn Thị Kim Dung (SN 1986) - Giám đốc hợp tác xã (HTX) Sâm Nam núi Dành (thôn Sấu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đã có mặt ở vườn sâm. Với chị, mỗi cây sâm như một người bạn cũ, có cây chị tự tay trồng từ khi HTX mới bắt đầu, giờ đã qua năm thứ bảy, cao lớn, cành lá sum suê, rễ đâm sâu xuống lòng đất.
Lấy chồng về xã Liên Chung - vùng đất còn nghèo ở huyện Tân Yên (Bắc Giang), chị Dung bắt đầu cuộc sống nơi miền núi cùng hành trình gắn bó với nông nghiệp. Tốt nghiệp ngành Khuyến nông - phát triển nông thôn Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, chị trở về làm cán bộ nông nghiệp ở địa phương.
Đi nhiều, gặp nhiều, nghe nhiều, từ lời kể của các cụ cao niên về loài cây "giữ nhà", dùng chữa sốt, ho, hay làm thuốc hấp cho trẻ em, chị dần nảy ra ý định khơi dậy giá trị của cây sâm nam núi Dành.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm giống cây trồng tỉnh Bắc Giang, chị bắt đầu cùng với vài hộ dân cùng trồng thử. Đến năm 2020, chị đứng ra thành lập HTX với 17 thành viên. Đúng lúc chính quyền xã Liên Chung đưa nội dung phát triển sâm vào nghị quyết Đảng bộ, vận động mỗi đảng viên trồng 20 cây.

Vườn sâm Nam núi Dành
Theo Viện Di truyền Nông nghiệp, sâm Nam núi Dành có hàm lượng saponin tương đương sâm Hàn Quốc, bằng 1/3 sâm Ngọc Linh và có giá "mềm" hơn, phù hợp đại chúng.
Khó khăn lớn nhất đối với chị Dung lúc này chính là đầu ra. Người tiêu dùng khi ấy còn dè dặt, chưa thực sự tin tưởng vào sản phẩm nội địa, bởi đã quen với những cái tên lớn như sâm Hàn Quốc hay sâm Ngọc Linh (miền Trung). Việc thay đổi thói quen tiêu dùng, nhất là với một loại sâm còn khá mới như sâm nam núi Dành đòi hỏi không chỉ chất lượng, mà cả thời gian và niềm tin.
Nhớ lại khoảng thời gian đầu, chị Dung chia sẻ: "Khi cây sâm chưa có nhiều, khi mang sản phẩm đi các hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá thì gặp sự hoài nghi của người tiêu dùng. Vì họ không biết đến sâm nam núi Dành là gì và chất lượng ra sao. Có những lúc tôi phát khóc vì việc mình tận tâm, dốc sức làm nhưng không lấy được niềm tin".
Nhưng may mắn thay, HTX đã không đơn độc. Sự vào cuộc của các cấp chính quyền như một cú hích quan trọng. HTX đã xây dựng lại quy trình canh tác, xin cấp vùng sản xuất an toàn, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả năm 2022 sản phẩm được cấp chứng nhận VietGap, chứng nhận hữu cơ cho vùng trồng, sản phẩm được cấp OCOP 4 sao.

Chị em hội viên thu hái hoa sâm
Sản phẩm bắt đầu được lựa chọn làm quà tặng chính thức của tỉnh, huyện, xã cũng nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối thị trường được tổ chức định kỳ. Hội đồng quản trị HTX cũng kiên trì từng bước, mang sâm đi khắp các hội chợ, diễn đàn, triển lãm để giới thiệu và quảng bá.
Đặc biệt, nhờ lợi thế địa phương có điểm du lịch tâm linh, sinh thái núi Dành, HTX đã tận dụng cơ hội tiếp cận khách hành hương. Các đoàn về chiêm bái, thắp hương thường ghé thăm vùng trồng sâm, giúp sản phẩm được lan tỏa tự nhiên từ chính nơi nó sinh ra.
Tương lai xanh của vùng đất đỏ
Những năm về trước, khi Liên Chung còn là xã thuần nông nghèo của huyện Tân Yên, thì từ khi cây sâm nam núi Dành phát triển nhiều hộ gia đình, xã viên của HTX có thu nhập hàng năm từ hàng trăm triệu đồng. Tất cả đến từ việc bán bầu cây giống, bán hoa sâm thậm chí cả lá sâm cũng dùng làm thức ăn chăn nuôi đem lại thu nhập cho hộ trồng sâm.

Niềm vui được mùa bội thu
HTX còn tạo sinh kế cho chị em phụ nữ nghèo nếu không có tiền đầu tư sản xuất HTX sẽ đứng ra kết nối cung ứng cây giống trả chậm và bao tiêu sản phẩm đầu ra giúp các chị em yên tâm sản xuất.
Kết quả, HTX đã đạt giải Nhất cấp vùng cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" và giải Nhì chung kết toàn quốc do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức năm 2023. Từ mô hình nhỏ ban đầu, HTX của chị Dung đã tạo việc làm ổn định cho hơn 150 lao động thường xuyên và 300 - 500 lao động thời vụ. Mỗi ngày công được trả 300 - 400 nghìn đồng, mức thu nhập khá cao đối với lao động nông thôn.
Hiện nay, HTX đang mở rộng nghiên cứu chế biến sang nhiều sản phẩm sâm đa dạng và tiện dụng cho người tiêu dùng như rượu sâm, cao bổ gan và đang phối hợp để đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị, quà tặng tỉnh Bắc Giang.
Chị Dung luôn tâm niệm: chất lượng là nền móng của thương hiệu, là niềm tin bền vững nhất. HTX chú trọng vùng giống, tuyển chọn cây đầu dòng, cấp mã QR cho từng lô sản phẩm. Cùng với sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, Hội Phụ nữ, HTX của chị đã được cấp quyền sử dụng thương hiệu chỉ dẫn địa lý "Núi Dành".

Sản phẩm sâm của HTX Sâm Nam núi Dành
"Nhờ có chính quyền hỗ trợ xúc tiến thương mại, máy móc, đào tạo kế toán, kỹ thuật canh tác. Hội LHPN các cấp giúp tập huấn quản lý, kết nối tài chính ưu đãi, và tạo động lực cho chị em làm chủ mô hình kinh tế mà sản phẩm của HTX đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường", Chị Dung bày tỏ
"Muốn HTX của phụ nữ phát triển, đi xa thì cần tạo môi trường cho chị em tự tin điều hành, được đào tạo bài bản, được trao cơ hội và chính sách hỗ trợ dài hơi", chị Dung nhấn mạnh.
Liên hệ: HTX Sâm Nam núi Dành
- Thành lập: Năm 2020
- Lao động: 150 thường xuyên, 300-500 thời vụ
- Sản phẩm: OCOP 4 sao, chứng nhận VietGAP, hữu cơ
- Định hướng: Chế biến sâu - mở rộng thị trường siêu thị - quà tặng địa phương