Triển vọng giá dầu sau loạt tín hiệu tích cực về giải pháp hòa bình giữa Nga và Ukraine

Theo các chuyên gia, giá dầu có thể giảm mạnh, lạm phát hạ nhiệt và thị trường tài chính biến động nếu ông Donald Trump thực hiện được cam kết hòa giải chiến sự Nga - Ukraine…

Giá dầu có thể giảm mạnh và lạm phát có thể hạ nhiệt nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện được cam kết chấm dứt chiến tranh Nga - Ukraine.

Vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm quan trọng mở các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần ba năm giữa Nga và Ukraine.

Cùng ngày, ông Trump cũng đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người xác nhận rằng hai bên đã thảo luận về một thỏa thuận hòa bình bền vững và đáng tin cậy.

Giá dầu Brent chuẩn quốc tế và giá dầu WTI của Mỹ đều giảm xuống gần 70 USD/thùng nhờ kỳ vọng các nước phương Tây sẽ nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Moscow, từ đó thúc đẩy sản lượng dầu của Nga. Theo dự báo từ ngân hàng J.P. Morgan, dầu Brent và WTI còn có khả năng giảm xuống khoảng 60 USD/thùng vào cuối năm nay, do tác động kép từ lệnh ngừng bắn và nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Bên cạnh đó, có khả năng Nga sẽ nối lại việc bán khí đốt qua đường ống cho châu Âu, ngoài các dòng chảy hiện tại qua TurkStream. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ giảm đáng kể áp lực lên nguồn cung khí đốt châu Âu, và kéo theo đó là điều chỉnh hạ giá điện tại khu vực này.

Giá năng lượng hạ nhiệt có thể hỗ trợ các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lạm phát.

Trong một ghi chú mới đây, nhà phân tích Will Denyer của Gavekal Research cho biết cuộc đàm phán ngừng bắn ở Ukraine có thể mang lại tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư đang lo lắng về nguy cơ lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, nhà phân tích Natasha Kaneva cảnh báo rằng ngay cả khi các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ, thì Nga vẫn có thể giảm sản lượng vì Liên minh OPEC+ vẫn cam kết giữ giá dầu ở mức cao.

Một số cổ phiếu tại khu vực châu Âu đã hưởng lợi từ những đồn đoán về một thỏa thuận hòa bình. Cụ thể trong đó là những công ty có tài sản và hoạt động kinh doanh trực tiếp tại Nga, chẳng hạn như TotalEnergies của Pháp, BP của Anh - đơn vị đang nắm 19,75% cổ phần tại Rosneft - và OMV của Áo.

Các cổ phiếu khác, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, có mức độ tiếp xúc đáng kể với khu vực Trung và Đông Âu, như KBC của Bỉ và Erste Group Bank của Áo, cũng sẽ nếu căng thẳng giảm bớt. Đặc biệt, J.P. Morgan nhận định cổ phiếu Erste sẽ tiếp tục hoạt động vượt trội.

Trong ngành thép Châu Âu, ArcelorMittal của Hà Lan sẽ là đơn vị “vui mừng” nhất, bởi công ty sở hữu nhiều cơ sở sản xuất tại Ukraine nhưng đang chỉ hoạt động ở mức 30% công suất. Nếu một lệnh đình chiến được thực thi, công suất gia tăng nhanh chóng lên 60%.

Trong kịch bản Nga - Ukraine đạt được thỏa thuận, dự kiến giá cổ phiếu ArcelorMittal có thể tăng hơn 10%. Đồng thời, chúng tôi cũng kỳ vọng sự tăng trưởng trên diện rộng trong nhóm cổ phiếu ngành thép châu Âu”, J.P. Morgan kết luận.

Ngược lại, cũng sẽ có những doanh nghiệp phải chịu thiệt. Bà Sophie Warrick, trưởng nhóm nghiên cứu tại J.P. Morgan lưu ý: “Những cổ phiếu có thể chịu tác động tiêu cực bao gồm Engie của Pháp, RWE của Đức và Centrica của Anh. Tuy nhiên, J.P. Morgan cho rằng bất kỳ đợt giảm giá mạnh nào cũng sẽ là cơ hội mua vào, đặc biệt đối với Engie và RWE, bởi lẽ khả năng dòng chảy năng lượng từ Nga trở lại mức trước chiến tranh là rất thấp”.

Mỹ Hân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/trien-vong-gia-dau-sau-loat-tin-hieu-tich-cuc-ve-giai-phap-hoa-binh-giua-nga-va-ukraine-post557828.html
Zalo