Nếu đánh thuế lãi tiền gửi, phải đánh cả thuế vàng?

Thuế tài sản vẫn áp dụng ở một số quốc gia nhưng nếu phải đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm, cần áp dụng tất cả các kênh đầu tư gồm cả vàng.

Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh ý kiến không nên đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm ngân hàng theo đề xuất của UBND TP Cần Thơ tại dự thảo tờ trình về việc xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính, phóng viên tiếp tục ghi nhận ý kiến của PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM (UEH).

* Phóng viên: Nhiều ý kiến phản ứng trước đề xuất đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm và đây cũng không phải lần đầu tiên đề xuất này được đưa ra, ông nghĩ sao?

- PGS-TS Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, vấn đề này tùy quan điểm xây dựng chính sách của cơ quan quản lý.

Thực tế, thuế tài sản vẫn có ở các quốc gia nhưng nếu quan điểm là đánh thuế tài sản đối với các kênh đầu tư thì phải áp dụng cho tất cả các kênh bao gồm lãi tiền gửi tiết kiệm, vàng, chứng khoán, bất động sản… Nghĩa là nếu đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm cũng phải đánh thuế vàng để bảo đảm công bằng cho các kênh đầu tư.

* Vì sao lại đánh thuế vàng?

- Như tôi đã nói, thuế tài sản nếu áp dụng thì phải áp dụng đồng bộ các kênh đầu tư để tránh tình trạng người dân rút tiền tiết kiệm đi mua vàng. Nếu các kênh đều bị đánh thuế, sẽ không có lý do để rút tiết kiệm để họ đầu tư sang tên khác. Mua vàng hiện nay cũng đều yêu cầu đơn vị kinh doanh phải xuất hóa đơn đầy đủ.

Đề xuất đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm thu hút sự quan tâm của người dân

Đề xuất đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm thu hút sự quan tâm của người dân

Trở lại với việc có nên đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm hay không, cần xét trên yếu tố ngân sách có đang thật sự cần khoản thu từ thuế này không, mục tiêu đánh thuế để làm gì?

Nếu trả lời được các câu hỏi này mới quyết định có nên áp dụng thuế đối với lãi tiền gửi. Đồng thời, cần phân định rõ ràng là thuế đánh trên lãi tiền gửi, chứ không phải áp dụng đối với khoản tiền gửi tiết kiệm.

Chẳng hạn, người dân gửi tiết kiệm 100 triệu đồng, lãi suất 5%/năm. Tiền lãi trong 1 năm của khoản tiền gửi này là 5 triệu đồng, tiền lãi mỗi tháng hơn 416.000 đồng. Mức thuế có thể là 5-10% của khoản tiền lãi.

Dù vậy, việc đánh thuế đối với lãi tiền gửi cũng cần cân nhắc trong bối cảnh có thể khiến cho lượng tiền gửi vào ngân hàng giảm, các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất để huy động, tác động tới lãi suất cho vay…

* Quan điểm của ông là tác động của chính sách thuế này, nếu có sẽ không quá lớn?

- Khi ban hành một chính sách bất kỳ, các nhà điều hành sẽ phải cân đo, đong đếm giữa được và mất của cái chính sách đó. Nếu đánh thuế lãi tiền gửi sẽ tăng được nguồn thu ngân sách nhưng cái thiệt hại sẽ là gì? Mức thuế cụ thể là bao nhiêu?

Quan trọng là nếu phải áp thuế, luật nên hướng vào người giàu, là những đối tượng thu nhập cao, như có những khoản tiền gửi tiết kiệm từ 5-10 tỉ đồng. Mức thuế cũng cần tính theo bậc thang để bảo đảm công bằng, người có thu nhập càng cao mức thuế đóng sẽ cao hơn.

Thái Phương thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/neu-danh-thue-lai-tien-gui-phai-danh-ca-thue-vang-196250219164924338.htm
Zalo