Chứng khoán & dầu Mỹ khởi sắc xanh
Chỉ số S&P 500 tăng lên mức cao kỷ lục mới vào thứ Tư (19/2), khi cổ phiếu Mỹ vẫn kiên cường bất chấp Fed liên tục tỏ ra thận trọng và lời đe dọa áp thêm thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Giá dầu tăng lên gần mức cao nhất trong 1 tuần, do lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung ở Nga và Mỹ.

Thị trường trước quyết định áp thuế của Tổng thống Trump
Kết phiên, chỉ số S&P 500 tiến 0,24% lên 6.144,15 điểm, đạt mức đóng cửa cao kỷ lục phiên thứ 2 liên tiếp. Chỉ số này cũng chạm mức cao mọi thời đại mới trong phiên. Chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,07% lên 20.056,25 điểm, còn chỉ số Dow Joens cộng 71,25 điểm, tương đương 0,16%, lên 44.627,59 điểm.
Cổ phiếu Microsoft tăng 1,3% và dẫn đầu đà tăng của ngành công nghệ nói chung sau khi công ty này công bố con chip điện toán lượng tử đầu tiên của mình. Cổ phiếu Tesla thêm gần 2%. Cổ phiếu Analog Devices nhảy vọt gần 10% sau khi công bố doanh thu và lợi nhuận hằng quý tốt hơn dự báo.
Vào ngày 18/2, ông Trump đã đưa ra ý tưởng áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu, con chip và dược phẩm. Ông Trump không nêu rõ liệu các mức thuế tiềm năng này sẽ có mục tiêu hay áp rộng rãi. Nhưng đã nói rằng chúng có thể được áp dụng sớm nhất vào ngày 2/4/2025.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng về lâu dài, thị trường vẫn thực sự lạc quan về hiệu ứng của ông Trump có thể trở thành một môi trường có lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhà đầu tư đã cân nhắc biên bản cuộc họp gần nhất của Fed, cho thấy các quan chức ngân hàng trung ương muốn thấy nhiều tiến triển hơn về lạm phát trước khi hạ lãi suất thêm nữa và họ cũng lo ngại về tác động thuế quan của ông Trump.
Lo ngại gián đoạn nguồn cung ở Nga và Mỹ
Khép phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent thêm 20 xu, tương đương 0,3%, lên 76,04 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 40 xu, tương đương 0,6%, lên 72,25 USD/thùng.
Đây là mức đóng cửa cao nhất đối với cả 2 hợp đồng dầu kể từ ngày 11/2/2025.
Nga cho biết lưu lượng dầu của Caspian Pipeline Consortium (CPC), một tuyến đường chính để xuất khẩu dầu thô từ Kazakhstan, đã giảm 30 - 40% vào ngày 18/2 sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào một trạm bơm. Theo tính toán của Reuters, việc giảm 30% sẽ tương đương với việc mất 380.000 thùng/ngày nguồn cung thị trường.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cuộc tấn công vào CPC có thể đã được phối hợp với các đồng minh phương Tây của Ukraine.
Tại Mỹ, thời tiết lạnh giá đã đe dọa nguồn cung dầu, với Cơ quan Đường ống Bắc Dakota ước tính sản lượng tại bang này sẽ giảm tới 150.000 thùng/ngày.
Ngoài ra, các chuyên gia phân tích dự báo Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng.
Bất kể khả năng đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine do Mỹ làm trung gian có thể xảy ra như thế nào, các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs cho biết bất kỳ sự nới lỏng lệnh trừng phạt nào đối với Nga cũng khó có thể mang lại sự gia tăng đáng kể về lưu lượng dầu, vì sản lượng dầu thô của Nga bị hạn chế bởi mục tiêu sản lượng 9 triệu thùng/ngày của OPEC+ thay vì các lệnh trừng phạt hiện tại.
Tại Trung Đông, Israel và Hamas sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán gián tiếp về giai đoạn thứ 2 của thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, điều này có thể gây áp lực lên giá dầu bằng cách làm giảm nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
Thuế quan do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố cũng có thể gây sức ép lên giá dầu bằng cách làm tăng chi phí hàng tiêu dùng, làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu nhiên liệu. Những lo ngại về nhu cầu của châu Âu và Trung Quốc cũng đang kìm hãm giá dầu.