Sớm hình thành thị trường bảo hiểm nông nghiệp
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2018/NĐ-CP để sớm hình thành thị trường bảo hiểm nông nghiệp.
Giúp người nông dân khơi dậy khát vọng làm giàu, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 1311/VPCP-NN ngày 18/2/2025 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ nông dân sau Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024.
Văn bản nêu rõ: Để cụ thể hóa các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị nêu trên, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; giúp người nông dân khơi dậy khát vọng làm giàu, vững tin bước vào kỷ nguyên mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn trong sản xuất và tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện nay để khơi thông nguồn lực của người nông dân để xây dựng thành công nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Ảnh minh họa
Theo đó: Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, tổ chức triển khai hiệu quả 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp; Chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá của đột phá cho sản xuất, xóa bỏ mọi rào cản về đất đai, thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ các quy định đối với người dân, doanh nghiệp; Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ để đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực (quốc gia, vùng, địa phương).
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2018/NĐ-CP để sớm hình thành thị trường bảo hiểm nông nghiệp.
Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9 tháng 6 năm 2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Chính Phủ, tạo thuận lợi cho khách hàng trong quan hệ tín dụng (về thủ tục, tài sản bảo đảm…).
Cùng với đó, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, trong đó nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm; bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi đối với nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn để phù hợp với nhu cầu vốn thực tế hiện nay và góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững...
Lập "Tổ công tác đặc biệt" của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra hiện trạng sử dụng đất tại các nông lâm trường quốc doanh
Cũng tại văn bản nêu trên, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kết, đánh giá kết quả xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa tập trung, đồng thời hướng dẫn địa phương xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; có các giải pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học tại các ngư trường; tập trung giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ "Thẻ vàng" trong năm 2025, ngăn chặn và xử lý nghiêm tầu cá khai thác trái phép ở nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất trích lập Quỹ phát triển hạ tầng thủy sản để có thể tập hợp, huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng thủy sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát các văn bản quy định của pháp luật về đất đai theo hướng mọi quy định đều hướng tới giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai. Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nông dân, tăng cường phổ biến thông tin về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; hướng dẫn sâu rộng để người nông dân nắm bắt, vận dụng các chính đất đai mới này để phát triển kinh tế gia đình, kinh tế nông thôn và tham gia xây dựng nông thôn mới bền vững.
Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan lập "Tổ công tác đặc biệt" của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra hiện trạng sử dụng đất tại các nông lâm trường quốc doanh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra (trong quý II năm 2025) để có cơ chế, chính sách khai thác nguồn đất đai có hiệu quả.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nông dân và chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người nông dân, định kỳ tổ chức đối thoại với người nông dân. Chủ trì tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối thoại với nông dân theo định kỳ hàng quý. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đối thoại với nông dân theo định kỳ hàng tháng...
Thủ tướng Chính phủ lưu ý các bộ, cơ quan, địa phương trong quá trình triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước, từng Bộ, ngành, địa phương không để ngắt quãng công việc, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các bộ, cơ quan sau khi hoàn thành sắp xếp, hợp nhất, tinh gọn, chuyển chức năng nhiệm vụ; tùy theo chức năng, nhiệm vụ của bộ, cơ quan (mới), tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của từng bộ đã được nêu.