Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển từ chính sách
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2025 cả nước có gần 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 6,6% so với tháng trước và giảm 30,3% so với cùng kỳ năm trước.
Môi trường kinh doanh nhiều thách thức
Cũng trong tháng 1, có 52.800 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra có gần 3.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 2.021 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 58.300 doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trước thực tế trên, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận, việc doanh nghiệp nhập và tái gia nhập thị trường giảm trong khi số rút lui tăng cao có nguyên nhân là tính mùa vụ. Nhiều doanh nghiệp không lựa chọn đăng ký thành lập vào thời điểm đầu năm tài chính và trước Tết Nguyên đán do đặc thù của hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp lựa chọn thời điểm này để tạm ngừng hoạt động và tiến hành sắp xếp, tổ chức lại hoạt động hoặc chuyển đổi sang ngành nghề, lĩnh vực khác. Mặt khác, bên cạnh các doanh nghiệp thành lập mới, luôn có một tỷ lệ giải thể, phá sản nhất định do tính cạnh tranh, sự đào thải, thanh lọc tất yếu trong thị trường.
Theo các chuyên gia, lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng vọt trong tháng 1 cho thấy cộng đồng còn nhiều khó khăn. Điều này thể hiện qua chỉ số PMI (chỉ số kinh tế đo lường mức độ hoạt động của ngành sản xuất và dịch vụ trong nền kinh tế) tháng 1/2025 giảm xuống còn 48,9 điểm.

Cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời tiếp sức doanh nghiệp trong nước
Rà soát các chính sách
Ngoài các yếu tố khách quan, các chuyên gia nhìn nhận, môi trường kinh doanh còn nhiều thách thức. Những rào cản về ngành nghề, điều kiện kinh doanh đang cản trở hoạt động và làm tăng chi phí tuân thủ, giảm động lực đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Phân tích các nguyên nhân dẫn tới doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng vọt trong tháng đầu năm, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, trước hết là do suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng tới Việt Nam, tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong thời gian qua. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới sự thoái lui của hàng chục ngàn doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiện doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang kinh doanh trên nền tảng trực tuyến nên nhu cầu mở mới doanh nghiệp không còn cao.
Nhìn vào tình hình doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, chúng ta đang thiếu vắng những cải cách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tạo động lực kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp tư nhân. Theo bà Thảo, khó có thể tăng trưởng kinh tế cao nếu doanh nghiệp trong nước chưa phục hồi sản xuất, nâng cao năng lực nội tại để bứt phá. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng tiềm ẩn nhiều bất định, cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gay gắt thì càng cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời tiếp sức doanh nghiệp trong nước duy trì kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn pháp lý; chi phí đầu vào còn cao, đơn hàng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững, thiếu lao động; năng suất thấp; yêu cầu số hóa và xanh hóa ngày càng cao. Theo ông Lực, Việt Nam còn rất cần cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và các TCTD yếu kém; cùng với đó là rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản phục hồi chậm. Hơn nữa, việc hướng dẫn các luật mới và xây dựng thể chế cho các lĩnh vực mới có những khó khăn nhất định.
Trước thực tế trên, ông Lực nhấn mạnh, về các chính sách điều hành kinh tế, cần đánh giá kỹ tác động đa chiều và có lộ trình cụ thể để thực hiện. Đặc biệt, trong ngắn hạn, cần đảm bảo dư địa chính sách để hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Trong trung hạn, cần tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam nêu quan điểm, trước mắt cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời để duy trì được đà kinh doanh đang có, duy trì được số lao động làm việc trong doanh nghiệp. Theo ông Phòng, để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa bám trụ với thị trường, thời gian tới, các địa phương cần hỗ trợ đầu tư những khu công nghiệp, cụm công nghiệp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ dễ dàng tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh. Mặt khác, phải nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh chuyển đổi số.