Triển lãm quán Thành Công

Những người chỉ nghe nói mà chưa ghé thử quán cà phê Thành Công hay xì xầm chắc chủ quán là đại gia hoặc một kẻ vô cùng lập dị. Những người đã đến cũng cười bí ẩn và trả lời tương tự như vậy, nửa giỡn nửa thật. Bởi lẽ, quán là tập hợp những điều kì khôi nhất trần đời.

Thứ nhất, quán tên Thành Công nhưng có lẽ thất bại trong việc kinh doanh. Khách đến lèo tèo, hầu như toàn khách quen. Ngay cả những dịp đặc biệt hay giờ đông khách (đến quán bèo nhèo nhất khu này cũng chật ních người), Thành Công vẫn khiêm tốn thưa khách. Nước uống cũng chẳng có chi đặc biệt, toàn những thứ dễ kiếm ở các quán vỉa hè: cà phê, sinh tố, trà, nước ép các loại... Lâu lâu hỏi cũng hên xui, không hết món này cũng hết món kia, nhân viên hay gãi đầu cười cười xin lỗi mong quý khách thông cảm.

Thứ hai, quán trang trí kiểu chi nhìn ngộ nghĩnh hết sức. Khắp nơi trong cái quán làm tròn vừa đủ chục bàn (tính luôn bàn chủ quán hay ngồi, khách thích thì chủ vui vẻ nhường, còn mình bắc cái ghế bố ra sân hóng mát dưới bóng xoài) lủ khủ những món đồ cũ kĩ. Nghe đâu là bộ sưu tập đặc biệt của chủ quán, thấy bà khoe khó lắm mới có được à nhen. Ít ai hiểu khó chỗ nào.

Nhìn những nón cũ, găng tay bạc màu, cuốc xẻng, gậy gộc..., thậm chí có một chiếc dép đứt quai, người ta nghĩ ra tiệm ve chai hay bãi rác tha hồ gom về chứ thiếu chi đâu. Ấy vậy mà bà chủ trân quý lắm, món nào cũng đóng đinh treo trên tường có khung hẳn hoi như một bức tranh nổi, hoặc lồng hộp nhựa trong để trên bàn, ghế. Nhìn cứ như viện bảo tàng của những món đồ hết hạn sử dụng.

Còn một điều đặc biệt nữa, phải để ý mới biết.

*

Nhàn thẫn thờ nhìn ra cửa sổ, cô thấy trời xanh trong nhưng cô đơn làm sao. Phải chi có chút mây trắng hay cánh chim nào đó bay vút qua. Nắng đang đẹp như vầy mà. Có thể nghe thoang thoảng mùi hương hoa dại nở thầm xa xa. Thời tiết rạng rỡ như vầy, cởi giày ra chạy trên đồng cỏ xanh mướt thì còn gì bằng. Điều giản dị đó, tiếc là không phải ai cũng làm được.

- Phá xong án phải mừng chớ, sao buồn hiu vậy, cô nương? - Thắm bước vô, hạ xấp hồ sơ xuống bàn. Trong đó là tên của những phạm nhân đặc biệt.

- Mừng thì mừng, mà không hiểu sao lòng em cứ nằng nặng, chị à. Mỗi vụ có thêm một hai đứa như vầy hoài, em xót ghê... - Nhàn thật thà nói ra suy nghĩ của mình.

Minh họa: Lê Tâm

Minh họa: Lê Tâm

Thắm thở dài. Hai cô nhìn nhau, không biết nói thêm gì đây. Ai cũng hiểu nỗi lòng người kia. Trong vụ án mới nhất, có hai bạn vị thành niên liên quan. Các bạn còn trẻ quá, ở độ tuổi lẽ ra còn đang miệt mài trên ghế nhà trường lại sa vào con đường xấu. Còn cả tương lai phía trước, nếu không uốn nắn kịp thì nguy.

- Nhỏ Thúy ổn chưa chị? - Nhàn hỏi, lòng băn khoăn trước hình ảnh cô phạm nhân nhỏ xíu mang bầu chỉ mới mười lăm, mười sáu tuổi đầu.

- Sắp sinh rồi em - Thắm vừa gật đầu, lại vừa lắc - Sức khỏe thì ổn nhưng vẫn không biết cha đứa bé là ai.

Nhàn khẽ cắn môi. Cô định nói thêm mấy câu, lời vừa chạm răng chưa kịp bung ra đã bị cô nuốt trở vô. Có nên nói không. Cô sợ mọi người lo lắng. Cô cũng không biết mình có đủ sức không nữa.

Đứng lên lấy nước uống, chưa rót đầy ly, Nhàn đã ngừng lại. Cô quay người len lén nhìn Thắm. Cô đã định nói, nhưng lại thôi.

Thái độ lúng túng của Nhàn không qua được đôi mắt Thắm. Biết tính nhỏ em cùng phòng, Thắm không gặng hỏi mà chỉ chờ đợi. Cô biết Nhàn sẽ nói thôi. Nếu đó là điều quan trọng, Nhàn nhất định sẽ nói.

- Em tính làm như vầy... - Nhàn cuối cùng cũng cất lời, thổ lộ ý mình - Chị thấy sao?

Bây giờ đến lượt Thắm bối rối. Phải trả lời làm sao đây. Nếu cô khuyên Nhàn bỏ cuộc là cô đang tự dối lòng mình. Còn nếu cô ủng hộ, lỡ có chuyện gì, làm sao giải quyết hết rắc rối phát sinh. Chuyện này đâu thể tùy tiện quyết định. Có lẽ, cô nên hỏi thêm ý kiến vài người.

- Chị thấy em nghĩ vậy cũng tốt. Nhưng, để chị suy nghĩ thêm nha - Thắm lựa lời thuyết phục cô em - Đừng vội vàng, chuyện này quan trọng mà.

Nhàn gật đầu, ngoan ngoãn nghe theo lời chị. Dù sao, đây cũng là kế hoạch lâu dài. Cẩn thận một chút vẫn tốt hơn.

*

Điều đặc biệt tiếp theo ở quán Thành Công chỉ người hay lui tới và chú tâm để ý mới thấy: quán có nhiều khách quen. Đủ loại thành phần, có người chạy xe ôm, có người ăn mặc sang trọng như làm ông bà chủ, có người giản dị như bà nội trợ... Thi thoảng họ ngồi cùng nhau, nói chuyện như thân quen từ lâu lắm rồi. Còn lại, thường thì họ có chỗ ngồi quen thuộc riêng, mỗi người một góc như đang tự ôn lại kỷ niệm của mình với cái quán đã nhiều tuổi.

- Dạo này sao rồi, chú nhỏ? - Kéo ghế, bà chủ tỉnh bơ ngồi xuống kế anh xe ôm công nghệ - Mọi chuyện ổn hết hả?

- Cũng lai rai chị ơi, đủ sắm... cái biệt thự bên quận 2 với mở sân cầu lông bên quận 10! - Anh cười ha hả, vỗ đùi chọc bà chủ chơi - Còn chị kìa, dạo này làm ăn sao mà để người ta đồn quá vậy?

- Đồn gì tui? - Bà chủ nhướng đôi mày đầy thắc mắc.

- Thì đồn... chị bán hàng gian! - Anh xe ôm giả bộ thì thầm - Chứ quán ế gần chết vẫn cầm cự được tới giờ, chắc ăn là rửa tiền!

- Tui đem chú nhỏ đi rửa luôn bây giờ! - Bà chủ bật cười, vỗ vỗ vai anh - Thôi ngồi chơi, tui vô lấy chè cho ăn. Mới nấu ngon lắm.

Anh dõi theo cái dáng đi lệch một bên của bà chủ. Với cái chân bị tật, bà đi chậm, lúc nào cũng nghiêng như đang ôm lấy gánh nặng vào lòng. Cũng phải, có biết bao chuyện bà không nói, bà chỉ âm thầm làm thôi.

Vò vò cái nón bạc màu trong tay, anh thấy mình thật tệ. Phải chi anh giỏi giang một chút, có lẽ đã phụ được bà chủ mấy lúc khó khăn. Chớ như hiện tại, trầy trật kiếm sống qua ngày, anh không biết mình có thể làm gì cho bà. Anh thấy bất lực. Hoặc, giá mà anh may mắn chút nữa, nhiều khi mọi chuyện khác nhiều. Lắc lắc đầu, anh gạt đi những suy nghĩ chuẩn bị rơi đầy như mưa.

- Thôi, có gì từ từ tính, mày - Cô bán rau ngồi kế bên bước qua động viên anh - Có gì cùng lo, đâu ai mà đi được một mình. Cũng có lúc cần người khác hỗ trợ chứ.

Anh cười, gật đầu. Cũng phải. Cùng nhau góp sức chuyện gì cũng qua - từ hồi đó anh đã được dạy như vậy.

Hy vọng quán Thành Công không phải đóng cửa như lời đồn.

*

- Cái quán đó lén buôn lậu thật hả chị? - Nhàn mãi vẫn chưa muốn tin.

- Đúng rồi em - Thắm lắc đầu - Bất ngờ hen. Nhìn bà chủ hiền khô vậy mà... Bà dụ mấy đứa nhỏ vận chuyển hàng rồi trả tiền cho tụi nó.

Nhàn chẫng hẫng. Lại một vụ liên quan tới trẻ vị thành niên. Cô thấy lo quá. Những đứa trẻ mang tâm lý non nớt rất dễ bị xúi giục. Nhất là những đứa trẻ có hoàn cảnh. Chúng chưa phân biệt được đâu là lòng tốt thật sự, còn đâu là sự lợi dụng được sắp xếp đầy toan tính.

Lần gần nhất có một vụ khiến Nhàn nhớ hoài. Đứa nhỏ đó một mình bán vé số nuôi bà với em, ngày kiếm được đâu bao nhiêu. Một ngày đi bán, nó vô quán bún mời khách. Thấy nó, cô kia đang ăn ngoắc vô rủ nó ăn bún. Dĩ nhiên, thằng nhỏ lắc đầu. Nó đâu có tiền, tô bún là thứ xa xỉ. Cô ấy khăng khăng mời, còn hứa mua vé số cho nó. Thằng nhỏ ngần ngừ. Rồi, cái đói khiến nó gật đầu.

Nhưng, nó xin ăn nửa tô thôi, nửa tô đem về cho em với bà. Cô khen nó ngoan, mắt cô rơm rớm. Cô kể nó nghe hồi xưa cô cũng khó khăn, may mắn gặp vận đổi đời mới được khá giả, nên cô quý những đứa trẻ ngoan, chăm chỉ lắm. Cô kêu cứ ăn đi, cô dặn chủ quán làm thêm hai tô bún cho nó đem về. Đứa nhỏ vừa ăn vừa khóc. Nó nói chưa bao giờ được ăn ngon như vậy. Cô mua hết vé số, cho nó số điện thoại, dặn nó có khó khăn tìm cô. Sau này cô giới thiệu việc làm cho nó. Dễ lắm, chỉ cần đi giao đồ, như shipper vậy đó...

Tới khi cô ấy bị bắt, thằng nhỏ vẫn không chấp nhận sự thật. Nó nghĩ cô bị oan. Cô tốt bụng lắm. Cô thương yêu tụi nó, trong khi không ai thèm để ý thằng nhỏ bán vé số lang thang. Có người còn cầm dép chọi nó, đuổi đi như đuổi một con chó hoang. Chỉ có cô, một mình cô quan tâm nó. Cô còn cưu mang mấy đứa khác nữa. Cô như cô tiên, làm sao nó tin cô làm chuyện xấu xa được. Chắc chắn có hiểu lầm gì đó.

Vì quá tin tưởng, tụi nhỏ hỗ trợ cô ta trốn đi khi được cô lên tiếng nhờ. Thành ra vì vậy mà tội tụi nó nặng thêm. Mà tụi nó vẫn không tin mình bị lợi dụng. Chỉ khi lên phiên tòa, tận tai nghe thú nhận của “cô tiên” ấy, những đôi mắt trẻ thơ mới bàng hoàng vỡ vụn. Có đứa khóc tới ngất xỉu.

Nhàn nhớ như in từng chi tiết của vụ đó. Cô không thể nào quên nổi. Ngược lại, cô càng muốn ghi khắc sâu hơn vào lòng. Để dặn mình biết sống sao cho đúng, biết cách cư xử cẩn trọng với các em. Người lớn đôi khi vô tâm quá, họ đâu biết họ có thể tàn phá tâm hồn của những đứa trẻ đến mức nào. Họ coi chúng như một công cụ, mà không hay chúng còn cả tương lai phía trước. Giá mà Nhàn có thể làm gì đó...

- Lại nhớ chuyện cũ hả? - Chị Thắm chìa khăn giấy cho Nhàn - Hồi đó em chỉ là con nhỏ bưng bún, có khá giả gì đâu mà nghĩ được chuyện giúp đỡ mấy đứa nhỏ.

Nhàn lặng lẽ lau giọt nước mắt đã ứ nặng trên mi. Cô vẫn thấy hối tiếc hoài. Lúc đó, nếu như cô dám bớt tiền lương mua cho thằng nhỏ đó tô bún, có khi đã khác. Nó tội nghiệp nhất trong nhóm. Vì nó thông minh nhất, giỏi giang nhất, “cô tiên” xấu xa kia đã gài nó dùng chất cấm để dễ thao túng...

- Cũng vì vậy mà em mới ráng thi vô ngành, nhớ chưa, nhỏ? - Thắm lay lay vai Nhàn - Những gì mình chưa làm được hồi đó thì bây giờ mình làm. Hành động tốt chưa bao giờ là muộn hết, em à.

- Vậy, chuyện em nói hôm bữa, chị nghĩ sao rồi? - Nhàn sực nhớ ra.

- Chị nghĩ kĩ rồi - Thắm hít một hơi thật sâu - Mọi người không muốn em làm chuyện đó... Cả chị cũng vậy.

- Nhưng mà... - Nhàn giương đôi mắt thất vọng nhìn chị. Dù biết mọi người muốn tốt cho mình, cô vẫn mong mọi người ủng hộ.

- Chị chưa nói hết! - Chị Thắm nở nụ cười tươi - Làm một mình thì không được, còn để mọi người hỗ trợ em, cùng làm với em thì được nha!

- Thật hả chị? - Nhàn mừng rỡ hét lên, chạy khỏi bàn ôm chầm lấy chị.

- Thật mà! - Thắm nói - Ai cũng thương tụi nhỏ hết, em à!

*

- Ủa, thấy báo đăng quán cà phê bị bắt, sao bà chủ còn ngồi đây? - Anh xe ôm cười hề hề, chỉ vô tờ báo.

- Quán khúc trên kia kìa, ông ơi - Bà chủ dứ dứ nắm đấm giả bộ như đang hăm he - Chú nhỏ tin tui đi một đường quyền là chú bay lên nóc nhà uống cà phê luôn hông? Rảnh rỗi chọc cho tui tức à!

Nhìn quanh một hồi, thấy quán đông hơn mọi khi, bà ngạc nhiên hết sức. Có đủ những gương mặt quen thuộc, cả những người lâu rồi không thấy ghé.

- Ủa, bữa nay lễ lộc gì hả? - Bà chủ hỏi - Hay sinh nhật ai?

- Tụi em hẹn nhau cùng tới xin chị một chuyện - Anh xe ôm vuốt vuốt lại tay áo cho lịch sự - Chị chỉ được gật đầu thôi, lắc đầu là em đi tung tin chị thích ông Sáu hàng xóm liền.

- Quỷ sứ hà! - Bà chủ ửng đỏ đôi gò má - Đâu, nói chị nghe coi, chú nhỏ. Chuyện gì mà làm ra vẻ long trọng vậy?

- Tụi em muốn mở một cuộc triển lãm! - Anh nói, đầy mạnh mẽ.

- Ừa, thì ra xin mượn hội trường ủy ban hay bên nhà văn hóa đó. Cần chị lên nói giùm một tiếng đúng không? - Bà chủ hớn hở gật đầu - Dễ ợt!

- Đâu có phải! - Anh cau mày, lắc đầu nguầy nguậy - Tụi em muốn mở triển lãm ngay tại đây. Triển lãm quán Thành Công!

- Có bị khùng không? - Tới lượt bà chủ lắc đầu - Quán nhỏ xíu, cũng đâu có cái gì mà triển lãm!

- Có chớ, có đủ thứ đồ chị sưu tầm đó! - Tất cả những vị khách đồng thanh đáp.

- Chị yên tâm, cứ việc ngồi coi thôi, còn lại để tụi em! - Anh nháy mắt, vỗ ngực tự tin.

Rơi vô thế bí, bà chủ đành phải gật đầu thật. Chứ biết làm gì khác đây. Nhưng, nhìn những đôi mắt long lanh đứng trước mặt, dù chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, bà vẫn thấy cảm động.

*

- Thêm việc vầy em nhắm chịu nổi không đó? - Nhìn Nhàn dạo này hốc hác quá, Thắm thấy xót - Coi vừa sức thôi nha em, đừng ôm đồm!

- Em biết rồi mà, chị! - Nhàn rạng rỡ đáp.

Đúng là dạo này Nhàn hơi ốm hơn trước. Có điều, cô vẫn thấy sức khỏe ổn định. Làm như niềm vui là loại năng lượng tuyệt vời, nó khiến cô không biết mệt. Mỗi bước chân cô như được chắp thêm đôi cánh, nhẹ bẫng đi bao nhiêu cũng không biết mỏi. Bởi vì cô hiểu ý nghĩa của những việc mình đang làm. Càng làm, cô càng giúp được những đứa trẻ nhiều hơn.

- Thôi, tùy em - Thắm bất lực trước cô em cứng đầu - Nhưng mà đổ bệnh là chị phạt à nhe!

Nhàn dạ một tiếng ngọt xớt, nghe hồn nhiên tựa trẻ con. Nhớ ra chuyện quan trọng, Thắm nói tiếp:

- Báo cáo sếp nhỏ, chuyện em nhờ chị đã ổn hết rồi. Nhưng, còn việc làm cho mấy đứa nhỏ sau khi ra trại, em định hỗ trợ sao?

- Thì... em sẽ tranh thủ những mối quan hệ em có được. Với lại, đi... năn nỉ thêm mấy cơ sở trong vùng - Nhàn trả lời bằng đôi mắt ngời ngời quyết tâm - Em tin mọi người không nỡ từ chối mình đâu!

Thắm không nỡ bàn ra vô gì thêm. Nhìn Nhàn phấn chấn vậy mà. Chứ thực tế, Thắm thừa biết đâu có dễ dàng như vậy. Dù có chính sách hỗ trợ và bảo đảm, không phải cơ sở nào cũng chịu nhận thanh, thiếu niên có vết nhơ trong lý lịch. Họ vin vào câu ngựa quen đường cũ. Phần lớn mọi người trong cơ quan phải đi vận động, thuyết phục người dân, giải thích cho họ hiểu. Xông xáo nhất là Nhàn. Việc xong, cô nhỏ sẵn sàng đi xin tận nơi tới tối mịt mới về. Sáng ra lại tranh thủ đi làm sớm liên hệ với những chỗ khác. Nhàn còn đi qua các tỉnh lân cận nữa.

Thắm biết Nhàn gặp không ít vất vả. Nhiều cánh cửa đóng sầm khi thấy Nhàn xuất hiện. Có nơi còn cố tình hất nước đuổi đi. Thắm biết chuyện, tức lắm chớ, nhưng Nhàn chỉ cười và nói chuyện này phải kiên trì. Mà thật, nhờ vào độ lì của Nhàn, nhiều chỗ đã thay đổi ý định, chịu nhận các em vô làm.

Thắm vuột tay, chiếc cốc sứ rớt xuống bể tan tành khi đang rót nước. Không hiểu sao cô lại sơ ý như vậy. Lòng cô bỗng quặn lên. Thắm đưa tay sờ ngực mình. Sao bỗng nhiên cô cảm thấy bất an quá. Mong là không có chuyện gì tồi tệ xảy ra.

*

Bà chủ hồi hộp nhìn cái quán của mình hôm nay lạ lẫm quá chừng. Bàn ghế được sắp xếp lại chừa chỗ trưng bày cho cuộc triển lãm. Tất cả những món đồ kì lạ của quán đều được lồng kính trang trọng. Khá nhiều người đến coi. Đa số là người quen.

- Kính thưa quý vị - Anh xe ôm, ngại ngùng trong bộ vest đi mượn, cầm micro giữ vai trò MC - Tôi xin trình bày lý do có buổi triển lãm hôm nay...

Bà chủ lặng người khi nghe anh nói từng câu. Thì ra anh và mọi người đều đã biết quán vốn là một cuộc triển lãm. Mỗi món đồ ở đây đều có câu chuyện riêng gắn với từng người. Quán Thành Công là nơi nhắc mọi người nhớ về những gì đã qua, để mà vững lòng bước tiếp.

- Xin lỗi vì đã không thông báo trước cho chị chủ quán - Anh xe ôm xúc động, giọng anh run rẩy được khuếch đại qua bộ loa nghe như tiếng thút thít - nhưng tụi em muốn mở buổi đấu giá đi kèm với triển lãm này!

Bà chủ kinh ngạc. Có gì để đấu giá trong quán này. Những món đồ mọi người cho là kỳ lạ ư. Dẫu nó đầy kí ức, nhưng đâu có giá trị vật chất.

Nhưng rồi bà chủ hiểu ra. Nhẹ nhàng, bà gật đầu cho phép.

*

- Nhàn, đừng ngủ, ráng tỉnh nha em! - Thắm nói giữa nước mắt, khi đang ngồi trong xe cứu thương cạnh Nhàn - Sắp tới bệnh viện rồi!

- Em ổn mà... - Nhàn yếu ớt gượng cười - Chị đừng khóc... Chị khóc làm em muốn khóc theo quá...

- Có chị ở đây, em gái mạnh mẽ của chị! - Thắm cười gượng.

Thắm cố nín mà không được. Trong lòng cô dâng trào cảm xúc. Cô thương Nhàn quá. Em bê bết máu nằm đây, chưa rõ tình hình lành dữ mấy phần.

Tiếng còi xe cấp cứu lao đi xé gió. Chiếc xe vun vút đưa cô chiến sĩ dũng cảm tới cho bác sĩ. Ông trời ơi, mong ông thương em con - Thắm hét lên trong lòng.

Tất cả vừa trải qua một vụ án gay go. Lần này không lường được đám kẻ xấu giao vũ khí cho các em nhỏ. Các em đang tuổi bốc đồng, không hay mình sai lại càng sai. Lẽ ra Nhàn đã tránh được phát đạn, nếu như cô không che cho một đứa trẻ khác. Thắm chỉ nhớ có tiếng nổ đinh tai vang lên, khi cô quay lại đã thấy Nhàn ôm chân, máu ướt đẫm ống quần.

*

Từng món đồ được đem ra đấu giá. Đầu tiên là chiếc dép sứt quai. Có vài tiếng cười vang lên, chỉ dứt hẳn khi có người hô:

- Mười triệu!

- Mười triệu, chốt giá! - Anh xe ôm làm một động tác gõ chiếc búa vô hình.

Buổi đấu giá văn minh. Không ai tranh giành ai. Bà chủ nhận ra họ đang mua lại món đồ từng thuộc về họ. Người trả mười triệu cho chiếc dép kia là một ông chủ vựa cau. Bước lên cầm micro phát biểu, ông không kìm được xúc động:

- Chị nhớ không chị, lần đó em trốn trại với đôi dép này. Chị đi tìm em hoài. Chị nói, em trốn được một lần nhưng còn cả cuộc đời phía trước, em có thể trốn hoài sao. Câu nói đó đánh thức em. Em mang ơn chị.

Bà chủ không cầm được nước mắt. Những kỷ niệm ngày xưa ùa về. Từng món, từng món một. Từng người, từng người một. Có người trả hai trăm ngàn cho cái nón cũ. Cái nón đó bà tặng cho đứa nhỏ tuổi mười lăm mới ra trại giáo dưỡng. Có người trả hai triệu cho đôi găng tay bạc màu, đôi găng làm nghề bốc vác bà chủ mua đổi lấy tiền thuốc cho con anh thanh niên đã làm lại cuộc đời hơn mười năm mà vẫn chịu khó khăn. Tùy vào túi tiền, từng người mua lại món đồ của mình. Chỉ có làm vậy, họ mới giữ được quán Thành Công. Cái quán mà ngày xưa hai cô Công an lập ra, vừa là nơi để đám trẻ có chỗ giao lưu, vừa là chỗ nhắc chúng nhớ chúng đã có cơ hội làm lại.

Bà chủ chính là Nhàn, sau tai nạn năm đó gây thương tật ở chân, cô xin ra khỏi ngành nhưng vẫn tiếp tục nhận hỗ trợ đám trẻ. Bà Nhàn định sang quán để có tiền hùn vốn mở trung tâm dạy nghề cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Giờ, bà không cần làm vậy nữa. Đã có mọi người chung tay hỗ trợ: những đứa trẻ từng được bà giúp đỡ.

Ngoài trời, những cánh én lượn bay. Một cánh én, một đóa hoa không làm nên mùa xuân. Nhưng, khi tất cả đồng lòng, điều kỳ diệu sẽ tạo nên mùa thương, mùa nhớ.

Truyện ngắn của Phát Dương

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/trien-lam-quan-thanh-cong-i759079/
Zalo