Tranh cãi trào lưu sống bất cần của Gen Z
Dù lớn lên trong thế giới kết nối, nhiều cơ hội, Gen Z lại mất niềm tin vào tương lai. Theo tinh thần chủ nghĩa hư vô, thế hệ này đang chọn hưởng thụ hết mình cho hiện tại.

Nhiều Gen Z đang dần chấp nhận tâm thế phó mặc, tìm kiếm sự an ủi trong từng khoảnh khắc của hiện tại. Ảnh minh họa: @yangziqi__/IG.
Chủ nghĩa hư vô (nihilism) không phải là khái niệm mới. Từ xa xưa, khi đối diện với sự mong manh và vô nghĩa của cuộc sống, con người đã chọn cách phản ứng bằng triết lý "carpe diem", sống trọn từng khoảnh khắc.
Tư tưởng hư vô từng nhiều lần trỗi dậy trong lịch sử, nay lại bùng lên thành trào lưu trong một bộ phận giới trẻ, đặc biệt với Gen Z, theo WorldCrunch.
Bài viết How Gen Z became so nihilistic about money (tạm dịch: Gen Z đã trở nên bi quan về tiền bạc như thế nào) do BBC đăng tải năm 2024 đã phác họa chân dung Sophie (Mỹ), cô gái 24 tuổi từ chối nghĩ về tương lai hay kế hoạch nghỉ hưu.
"Tôi không hẳn lo lắng mà cảm giác giống như bất lực hơn", Sophie chia sẻ. Lối suy nghĩ này đang thúc đẩy Gen Z lựa chọn lối sống tập trung cho hiện tại, thay vì đặt cược vào tương lai xa.
Năm 2019, tờ The Guardian đã gọi xu hướng này là "sunny nihilism" (tạm dịch: "chủ nghĩa hư vô tươi sáng"). Qua đó, tác giả mô tả cảm giác của thế hệ nhận ra mọi áp lực trong cuộc sống hóa ra cũng chẳng mấy quan trọng: "Ai mà quan tâm? Một ngày nào đó tôi cũng sẽ chết và chẳng ai nhớ đến tôi".
Song, thay vì chìm đắm trong bi quan, những người trẻ lại đón nhận với tinh thần chấp nhận vui vẻ. Chính điều ấy đã giúp hình thành “chủ nghĩa hư vô lạc quan”, kiểu chấp nhận thực tại với thái độ tích cực.
Sống trong thời kỳ khủng hoảng liên tiếp xảy ra
Theo Cassandra Napoli (Mỹ), chuyên gia chiến lược cấp cao tại công ty nghiên cứu xu hướng WGSN, những tư tưởng hư vô đã âm ỉ trong thế hệ millennials (sinh năm 1981-1995) suốt nhiều năm, được khuếch đại bởi chuỗi khủng hoảng hiếm gặp trong đời nhưng xảy ra liên tiếp.
Millennials từng trải qua nhiều cú sốc về kinh tế và xã hội khi bước vào tuổi trưởng thành. Điều này khiến họ mắc kẹt giữa trạng thái lưng chừng tuổi trẻ và kỳ vọng trưởng thành, dẫn đến cảm giác thất vọng và bất mãn xã hội.
"Đáng tiếc, tình hình đối với Gen Z cũng không khả quan hơn. Chủ nghĩa hư vô đang bám chặt lấy một thế hệ mang theo nhiều kỳ vọng thay đổi thế giới", Napoli nhận định.
Thế hệ sinh năm 1997-2012 từng được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện thế giới, nay đang dần chìm vào tâm thế phó mặc, sau những biến động liên tiếp, chọn sống "bất cần vui vẻ".
Tinh thần này nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok. Chủ nghĩa hư vô hiện diện như một dòng chảy ngầm trong nhiều trào lưu đang thịnh hành. Điển hình có thể kể đến "girl math", trào lưu người trẻ biện minh cho thói quen chi tiêu bốc đồng.
Trên TikTok tràn ngập những video cổ vũ việc tiêu tiền để sống cho hiện tại, khuyến khích người trẻ gác lại mọi lo nghĩ về tương lai. Theo BBC, thuật toán của nền tảng này còn có xu hướng ưu tiên khuếch đại những nội dung như vậy, góp phần đưa chủ nghĩa hư vô lan rộng hơn nữa trong giới trẻ.
Điều này cũng lý giải tại sao các công ty nghiên cứu hành vi tiêu dùng đang chú ý tới chủ nghĩa hư vô, một trong những yếu tố định hình thói quen mua sắm của Gen Z.
Hệ quy chiếu hạnh phúc của Gen Z
Ảnh hưởng của làn sóng tư duy mới này còn thể hiện ở quy mô xã hội rộng hơn. Việc Gen Z đặt câu hỏi và bác bỏ những khuôn mẫu truyền thống dẫn đến sự sụt giảm niềm tin vào tôn giáo tổ chức, hôn nhân, trong khi cách tiếp cận về giới tính, xu hướng tính dục và bản dạng cá nhân được mở rộng hơn.
Các phong trào như "nghỉ việc thầm lặng" (quiet quitting), "làm việc ít vào thứ Hai" (bare minimum Mondays) hay "đại từ chức" (great resignation) phản ánh việc giới trẻ chủ động định hình lại cuộc sống, thoát khỏi sự chi phối bởi công việc và tiền bạc.

Gen Z chọn cách "bớt bận tâm" đến các thước đo thành công truyền thống, tự đặt ra quy chuẩn hạnh phúc cho riêng mình. Ảnh minh họa: @yangziqi__/IG.
Theo WGSN, "chủ nghĩa hư vô mới" (new nihilism) của Gen Z không đơn thuần là sự buông xuôi. Tư tưởng này bắt nguồn từ những mối lo thực tế như lạm phát, biến đổi khí hậu và sự bất lực của các chính phủ trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Trước thực tại đó, nhiều người trẻ lựa chọn "bớt bận tâm" đến những thước đo thành công truyền thống, thay vào đó, tự đặt ra hệ quy chiếu hạnh phúc phù hợp với giá trị cá nhân.
Dù nhiều người chỉ trích rằng chủ nghĩa hư vô có thể dẫn đến lối sống ích kỷ, thực tế cho thấy trào lưu này đang mở ra cách tiếp cận thế giới đầy thấu cảm, theo The Sydney Morning Herald.
Bài phát biểu nổi tiếng của nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg (sinh năm 2003, Thụy Điển) tại Liên Hợp Quốc đã phản ánh rõ tinh thần đó.
"Tại sao chúng ta phải học tập cho một tương lai mà không ai nỗ lực để cứu lấy?", cô chia sẻ trong Hội nghị Thượng đỉnh Hành động vì Khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2019. Với Greta và hàng triệu bạn trẻ lấy cô làm nguồn cảm hứng, chủ nghĩa hư vô là động lực để thách thức những trật tự cũ và hình thành cách sống mới.
Cây viết Wendy Syfret (Australia) tại The Sydney Morning Herald, tác giả cuốn sách The Sunny Nihilist, dù không thuộc Gen Z cũng ủng hộ chủ nghĩa hư vô. Theo cô, chủ nghĩa hư vô không còn mang màu sắc bi quan, tuyệt vọng như trước, mà trở thành động lực thúc đẩy con người đặt câu hỏi về các hệ thống giá trị áp đặt.