Trẻ trên 10 tuổi mắc sởi cũng có thể diễn biến nặng

Dịch sởi không chỉ xuất hiện ở nhóm trẻ nhỏ, đã ghi nhận nhiều ca ở nhóm trẻ lớn trên 10 tuổi tại Hà Nội, ngành Y tế thành phố đang tăng cường tiêm chủng cho nhóm trẻ độ tuổi này.

Ca bệnh sởi ở trẻ lớn điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Ca bệnh sởi ở trẻ lớn điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Miễn dịch giảm dễ mắc sởi

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 10-15 bệnh nhân mắc sởi phải nhập viện điều trị. Đặc biệt, tại bệnh viện cũng ghi nhận nhiều trẻ lớn trên 10 tuổi cũng mắc sởi.

Cháu B.A (15 tuổi, ở Hà Nội) có triệu chứng ho, rát cổ, sốt, nhưng không có biểu hiện mệt mỏi, nên gia đình không nghĩ đến khả năng mắc sởi. Chỉ khi sốt vài ngày, bệnh nhân xuất hiện các nốt ban đỏ lan rộng trên mặt gia đình mới đưa đến bệnh viện khám thì mới biết cháu mắc sởi và phải điều trị cách ly. Điều đáng nói, bệnh nhân này đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng, chống sởi từ nhỏ nhưng vẫn mắc bệnh.

“Các bác sĩ giải thích, người đã được tiêm vaccine sởi hoặc đã bị bệnh sởi, nhưng vẫn có thể bị lại nếu ở khu vực có dịch bệnh. Việc tiêm vaccine sẽ giúp tình trạng bệnh nhẹ hơn, không thể đảm bảo 100% không bị sởi. Rất may các triệu chứng của cháu nhẹ, không bị biến chứng gì nguy hiểm”, bố của bệnh nhân cho biết.

Tại khu điều trị bệnh sởi của khoa Nhi, đa số là các trường hợp mắc sởi ở đây là trẻ dưới 5 tuổi. Bên cạnh đó, một số trường hợp bệnh nhi lớn hơn cũng bị mắc bệnh do chưa tiêm vaccine hoặc tiêm vaccine chưa đủ mũi.

BS. Lê Huyền Trang, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Trong đợt dịch sởi năm 2024 – 2025, Khoa đã tiếp nhận trẻ mắc sởi gia tăng mạnh. Các bệnh nhi phải nhập viện điều trị là những ca có những biến chứng, thường tập trung vào độ tuổi dưới 5 tuổi, do chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi”.

Tuy nhiên, theo BS. Lê Huyền Trang, với những bệnh nhi trên 10 tuổi đã tiêm vaccine, nhưng không tiêm mũi nhắc lại, có thể suy giảm sức đề kháng chống sởi vẫn có thể mắc sởi và biến chứng nặng như bội nhiễm, viêm phổi

“Bệnh sởi thường được nhận biết với các biểu hiện như: Sốt cao, mệt mỏi, ho, chán ăn... Nếu thấy trẻ có các biểu hiện này, phụ huynh nên đưa con em mình đến các cơ sở y tế để được thăm, khám và điều trị kịp thời, kể cả với các trẻ lớn”. BS. Lê Huyền Trang khuyến cáo.

Trẻ lớn cũng cần có miễn dịch

Hiện nay, số ca mắc sởi tại Hà Nội vẫn đang cao, dịch còn diễn biến phức tạp khi vẫn ghi nhận hàng trăm ca mắc sởi mỗi tuần. Từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.876 trường hợp mắc sởi, dịch xảy ra tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó đã có 1 ca tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), các ca mắc sởi hiện nay vẫn ghi nhận chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ.

Đặc biệt sau khi hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ, dịch sởi lại có xu hướng tăng ở nhóm người trên 10 tuổi khi chiếm tới 27,4% tổng số ca mắc. Dự báo số ca mắc sởi có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết: Trước tình hình số ca sởi gia tăng ở nhóm người trên 10 tuổi, Hà Nội đang khẩn trương rà soát số lượng trẻ từ 11 - 15 tuổi và người trên 15 tuổi chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine sởi để đề xuất tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi, báo cáo Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế)…

Theo đó, để tiếp tục triển khai tiêm chủng chiến dịch phòng, chống bệnh sởi cho các đối tượng an toàn và hiệu quả theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi đợt 3 năm 2025 cho các đối tượng, trong đó mở rộng cả đối tượng trẻ 10 - 15 tuổi.

Cụ thể, trong chiến dịch tiêm vaccine sởi đợt 3, đối tượng tiêm là trẻ đủ 6 tháng tuổi, bao gồm cả trẻ vãng lai, chưa đến độ tuổi tiêm chủng trong chiến dịch tiêm chủng trước được tiêm 1 mũi vaccine sởi; trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi bao gồm cả trẻ vãng lai, chưa được tiêm trong chiến dịch tiêm chủng trước được tiêm 1 mũi vaccine sởi; đặc biệt là trẻ từ 11 - 15 tuổi bao gồm cả trẻ vãng lai tại xã, phường, thị trấn nguy cơ cao chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi và trẻ chưa rõ tiền sử tiêm chủng, không rõ tiền sử mắc sởi, có nguyện vọng tiêm vaccine chứa thành phần sởi được tiêm 1 mũi vaccine chứa thành phần sởi.

Ngoại trừ các đối tượng đã được tiêm vaccine có chứa thành phần sởi hoặc các loại vaccine sống giảm độc lực trong vòng 1 tháng trước khi triển khai tiêm (có bằng chứng được tiêm thể hiện trên phiếu/sổ tiêm chủng/phần mềm quản lý tiêm chủng); đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.

Thời gian triển khai tiêm vaccine sởi đợt 3 này sẽ được triển khai sớm ngay sau khi vaccine được Bộ Y tế phân bổ theo 2 lần. Việc tổ chức tiêm chiến dịch có thể cùng ngày hoặc khác ngày tiêm chủng thường xuyên, tùy thuộc vào số đối tượng tiêm chủng và tình hình thực tế của địa phương. Dự kiến, lịch tiêm lần 1 hoàn thành trước ngày 30/4/2025 và lần 2 hoàn thành trước ngày 15/5/2025.

Trong chiến dịch lần này, với nhóm trẻ từ 11 - 15 tuổi sẽ được triển khai tiêm tại các xã/phường/thị trấn nguy cơ cao. Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở y tế trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của ngành y tế về việc tăng cường công tác chăm sóc, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng, chống lây nhiễm chéo bệnh sởi tại các cơ sở khám chữa bệnh; có phương án điều trị tốt nhất, phương án chuyển tuyến cho người bệnh trong trường hợp nặng, hạn chế thấp nhất số trường hợp tử vong do bệnh sởi.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/tre-tren-10-tuoi-mac-soi-cung-co-the-dien-bien-nang-20250427184217070.htm
Zalo