'Concert quốc gia' là gì mà bùng nổ mạng xã hội đến vậy

Cụm từ 'Concert quốc gia' bùng nổ trên mạng xã hội dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi lễ diễu binh không chỉ là sự kiện nghi lễ, mà còn trở thành 'Concert' trong cảm nhận người trẻ, cũng là lúc lịch sử được tiếp nối bằng nhịp đập mới, trẻ trung và bền bỉ.

"Concert quốc gia" là gì?

Diễu binh, diễu hành vốn gắn liền với sự trang nghiêm, thiêng liêng của những dịp trọng đại trong lịch sử dân tộc. Song trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay, lễ diễu binh tại TPHCM lại khoác thêm lớp áo mới khi được thế hệ Gen Z gọi bằng cái tên đầy hào hứng: "Concert quốc gia".

Thực chất, "concert" là từ ngữ chỉ các buổi biểu diễn âm nhạc quy mô lớn, nơi cộng đồng người hâm mộ tụ hội, cùng reo vang trong không khí sôi động. Văn hóa "đu concert" đã trở thành một phần bản sắc thế hệ trẻ Việt Nam, nhất là năm 2024 khi công nghiệp âm nhạc nội địa phát triển mạnh mẽ với những chương trình biểu diễn đẳng cấp quốc tế.

Các thành viên đội diễu binh, diễu hành được nhân dân nồng nhiệt chào đón, cổ vũ. Ảnh: Duy Anh.

Các thành viên đội diễu binh, diễu hành được nhân dân nồng nhiệt chào đón, cổ vũ. Ảnh: Duy Anh.

Việc "gọi vui" lễ diễu binh là "Concert quốc gia" phản ánh ngôn ngữ và cảm thức của thế hệ hôm nay: tìm kiếm sự kết nối với những giá trị lớn bằng phương thức gần gũi, sinh động nhất.

Không chỉ dừng lại ở cách gọi, sự hưởng ứng của giới trẻ còn thể hiện ở hành động như hàng nghìn bạn trẻ đã mặc áo cờ đỏ sao vàng, mang cờ Tổ quốc, tổ chức cắm trại tại các điểm đẹp để theo dõi diễu binh.

Sự háo hức, chủ động ấy là tín hiệu tích cực cho thấy lịch sử vẫn sống động trong lòng thế hệ mới, chỉ là hình thức tiếp cận đã thay đổi để phù hợp với dòng chảy văn hóa đương đại.

Không tránh khỏi tranh luận

Như mọi hiện tượng ngôn ngữ xã hội khác, "Concert quốc gia" không tránh khỏi những tranh luận trái chiều. Một số ý kiến lo ngại rằng cách ví von này làm nhẹ đi sự trang nghiêm của ngày lễ trọng đại, dễ làm nhòa đi giá trị lịch sử trong cảm nhận của người trẻ.

Trái lại, nhiều người nói cần nhìn nhận thế hệ trẻ ngày nay không thờ ơ với lịch sử, chỉ là họ tìm kiếm một cách bày tỏ khác, phù hợp hơn với cách tiếp nhận cảm xúc của thời đại mới.

"Cụm từ 'Concert quốc gia' không làm giảm ý nghĩa của lễ kỷ niệm, ngược lại, chính sức lan tỏa mạnh mẽ của cụm từ này cho thấy sự kiện diễu binh, diễu hành đã chạm vào trái tim người trẻ, theo một cách mà những khuôn mẫu truyền thống khó lòng đạt được", một khán giả lên tiếng.

"Concert quốc gia" tràn ngập mạng xã hội với những hình ảnh, video đẹp về lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Duy Anh, Phạm Nguyễn.

"Concert quốc gia" tràn ngập mạng xã hội với những hình ảnh, video đẹp về lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Duy Anh, Phạm Nguyễn.

Nhiều quan điểm phản biện, trong ngôn ngữ của thế hệ mới, "Concert quốc gia" mang hàm ý tích cực: thể hiện sự ngưỡng mộ đối với những người đã và đang gìn giữ hòa bình đất nước. Việc dùng từ "idol" để chỉ các chiến sĩ, cựu chiến binh hay lực lượng vũ trang cũng được xem như cách tôn vinh, bày tỏ lòng biết ơn bằng chính hệ quy chiếu giá trị của thế hệ hiện tại.

Với nhiều người, cụm từ "Concert quốc gia" không chỉ là hiện tượng ngôn ngữ, mà còn cho thấy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc vẫn được thế hệ mới giữ gìn và làm mới bằng sức sáng tạo không ngừng. Đó cũng là cách mà thế hệ hôm nay thắp lên ngọn lửa tự hào dân tộc, làm mới tình yêu nước qua từng hình ảnh, từng khoảnh khắc, trong không khí thiêng liêng của những ngày tháng Tư lịch sử.

Hà Trang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/concert-quoc-gia-la-gi-ma-bung-no-mang-xa-hoi-den-vay-post1737672.tpo
Zalo