Trấn Yên phát triển bền vững vùng nguyên liệu quế hữu cơ

Để nâng cao giá trị sản phẩm từ cây quế và hướng tới thị trường xuất khẩu, các địa phương trong vùng thực hiện Dự án Phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị như: Hòa Cuông, Minh Quán và HTX Quế Khánh Thành tại huyện Trấn Yên đang chuyển đổi sang mô hình quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân.

Lãnh đạo xã Hòa Cuông và HTX Quế Khánh Thành kiểm tra vùng nguyên liệu

Lãnh đạo xã Hòa Cuông và HTX Quế Khánh Thành kiểm tra vùng nguyên liệu

Cây quế đã có mặt tại xã Hòa Cuông từ hơn 40 năm trước, được người dân trồng trên các vùng đất dốc, bạc màu. Nhờ khả năng thích nghi tốt và giá trị kinh tế cao, quế dần thay thế các loại cây lâm nghiệp truyền thống như keo, bồ đề. Trước đây, bà Trương Thị Mỷ ở thôn 2, xã Hòa Cuông gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Nhưng từ khi chuyển sang trồng quế, gia đình bà đã có thu nhập ổn định hơn, xây dựng nhà cửa khang trang và nuôi con ăn học.

"Từ chuyển đổi sang mô hình trồng cây quế đã giúp đời sống gia đình được cải thiện, xây dựng được căn nhà mới khang trang, con cái được ăn học đầy đủ và tích cực tham gia đóng góp vào các phong trào xây dựng quê hương. Đặc biệt, vài năm gần đây, các thành phẩm từ cây quế được thu mua với giá cao, ổn định giúp người trồng quế có thêm của ăn, của để hơn” – bà Mỷ chia sẻ.

Còn gia đình ông Vũ Đình Trọng cũng ở thôn 2 là một thành viên tham gia Tổ Hợp tác Quế Hữu cơ xã Hòa Cuông khi đăng ký 3 ha quế hữu cơ có tuổi đời từ 4-7 năm. Theo ông Trọng, trước đây gia đình ông và các hộ trong thôn thường phun thuốc trừ cỏ để giảm tiền thuê nhân công, phun thuốc trừ sâu để bảo vệ diện tích tích quế của minh không bị sâu bệnh. Tuy nhiên, khi được tuyên truyền, hướng dẫn làm quế hữu cơ, ý thức được tác hại của thuốc bảo vệ thực vật nên gia đình không sử dụng nữa. Thay vào đó, gia đình tự trang bị một máy phát cỏ cầm tay, hoặc dùng dao phát cỏ. Làm như vậy vừa tốt cho môi trường, tạo độ ẩm và tăng dưỡng chất hữu cơ cho đất, vừa không ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình, cộng đồng, lại nâng cao chất lượng sản phẩm quế.

Nhờ những thay đổi này, xã Hòa Cuông đã phát triển vùng quế hữu cơ trên 1.000 ha, trong đó gần 800 ha đạt chứng nhận quốc tế.

Ông Vũ Đình Trọng ở thôn 2, xã Hòa Cuông chăm sóc diện tích quế của gia đình.

Ông Vũ Đình Trọng ở thôn 2, xã Hòa Cuông chăm sóc diện tích quế của gia đình.

Xã Minh Quán cũng là một trong những vùng trồng quế lớn của huyện Trấn Yên với trên 1.000 ha. Ông Mai Anh Đạt – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quán cho biết: Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 70 triệu đồng/năm, trong đó cây quế đóng vai trò chủ đạo. Để phát triển bền vững, Minh Quán xác định tập trung vào mô hình quế hữu cơ và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ năm 2024 - 2025, HTX Quế Khánh Thành ở xã Hòa Cuông đã phối hợp với Công ty TNHH xuất nhập khẩu HG SPICES triển khai dự án phát triển quế hữu cơ với quy mô gần 1.600 ha, thu hút 851 hộ dân ở xã Hòa Cuông và xã Minh Quán tham gia. Xã Minh Quán cũng tích cực tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, giúp người dân tiếp cận phương pháp sản xuất quế hữu cơ đạt chuẩn xuất khẩu.

Ông Đạt chia sẻ: "Chính quyền địa phương xác định phải đồng hành cùng người dân trong việc tích cực tham gia vào mô hình kinh tế tập thể nên đã đẩy mạnh vận động người dân mở rộng diện tích, áp dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây quế. Đặc biệt, xã thường xuyên phối hợp các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh để mở các lớp tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng trồng, chăm sóc quế hữu cơ cho người dân. Đây sẽ là nền tàng để Minh Quán phát triển cây quế bền vững theo hướng hữu cơ trong thời gian tiếp theo”.

Theo ông Nguyễn Quang Huy ở thôn 4, xã Minh Quán - một hộ dân được chính quyền địa phương vận động phát triển cây quê theo hướng hữu cơ chia sẻ: "Tôi thấy lợi ích từ việc trồng, chăm sóc cây quế theo hướng hữu cơ, cũng như việc liên kết sản xuất, tiêu thụ thông qua HTX đã giúp người dân nâng cao được kỹ năng canh tác và trách nhiệm của người trồng. Từ đó, các sản phẩm quế đạt chất lượng cao hơn và việc tiêu thụ dễ dàng, giá cả ổn định. Hiện người dân ở thôn đều tham gia HTX và đã kỹ cam kết trồng quế không bón phân, không phun thuốc trừ cỏ để thu được sản phẩm đạt tiêu chuẩn, hướng đến thị trường nước ngoài”.

HTX Quế Khánh Thành đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm quế hữu cơ tại xã Hòa Cuông, xã Minh Quán nói riêng và huyện Trấn Yên nói chung trong nhiều năm qua. Theo ông Vũ Đình Khánh - Giám đốc HTX Quế Khánh Thành, đến nay, HTX đã thành lập hai tổ hợp tác trồng quế hữu cơ để giúp người dân trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ thuật trồng trọt. Đồng thời, HTX đầu tư máy móc, cơ sở hạ tầng để chế biến sâu các sản phẩm từ quế, hướng đến nâng cấp sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao và mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện HTX đã xây dựng nhà xưởng rộng 3.200 m2 với thiết bị sản xuất đồng bộ gồm: máy sàng, máy cắt,máy ép thùng, máy test tinh dầu, máy băm, máy nghiền bột quế và lò sấy không khói để giảm thiểu ô nhiễm ra môi trường…

Ông Khánh chia sẻ: "HTX đã ký kết với Công ty TNHH xuất nhập khẩu HG SPICES để thu mua sản phẩm quế, đồng thời đẩy mạnh chế biến các sản phẩm như quế cắt vuông, quế bột, quế thanh… Hiện chúng tôi đã có đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu, một thị trường có tiêu chuẩn khắt khe. Để mở rộng thị trường và phát triển vùng nguyên liệu bền vững, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào vùng nguyên liệu, phối hợp với chính quyền địa phương xã Hòa Cuông, xã Minh Quán để vận động người dân phát triển vùng quế hữu cơ và phát triển liên kết chuỗi bền vững. Hoàn thành các bước này, chúng tôi sẽ tiếp tục phương án mở rộng vùng nguyên liệu rộng lớn, trên 20.000 ha quế của huyện Trấn Yên”.

Không chỉ giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm ổn định, HTX còn tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và chế biến quế hữu cơ. Đồng thời, HTX huy động vốn xã hội hóa để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm thiết bị chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.

Việc phát triển vùng quế hữu cơ theo chuỗi giá trị tại Trấn Yên không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, mở ra cơ hội xuất khẩu bền vững. Đồng thời, mô hình này cũng góp phần thay đổi tư duy sản xuất, giúp người dân chủ động hơn trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị cây quế.

Hoài Văn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/346003/tran-yen-phat-trien-ben-vung-vung-nguyen-lieu-que-huu-co.aspx
Zalo