Trăn trở của nữ học giả điều trị ung thư tủy xương

Gần như lúc nào tôi cũng cảm thấy kiệt sức - cứ như là não tôi bị bông quấn quanh hay có một màn sương mù ngăn cách tôi với thế giới bên ngoài vậy.

Ngày qua ngày, tôi, bà Marilyn đây, nằm dài trên ghế sô pha trong phòng khách ngắm nhìn đám cây sồi và thường xuân xanh mướt trong khuôn viên qua ô cửa sổ cao suốt từ sàn đến trần nhà. Giờ là mùa xuân, và tôi đã thấy lá xanh quay lại trên cây sồi Bắc Mỹ tuyệt đẹp trong vườn.

Sớm nay tôi thấy một con cú đậu trên cây vân sam mọc giữa cổng nhà chúng tôi và văn phòng ông Irv. Tôi cũng nhìn thấy được một phần vườn rau nơi anh chàng Reid con trai tôi trồng cà chua, đậu cô ve, dưa leo và bí xanh. Reid muốn tôi nghĩ đến những loài rau trái sẽ chín tới vào mùa hè, mùa mà tôi được cho là “sẽ khỏe hơn”.

Trong mấy tháng qua, kể từ khi bác sĩ chẩn đoán tôi bị ung thư tủy xương, phải uống thuốc liều cao và lại bị đột quỵ phải nhập viện, tôi khốn khổ vô cùng. Hàng tuần, cứ mỗi đợt hóa trị xong là tôi lại liên tục cảm thấy buồn nôn và đủ thứ loại đau đớn khác trong cơ thể mà tôi sẽ kể với bạn đọc. Gần như lúc nào tôi cũng cảm thấy kiệt sức - cứ như là não tôi bị bông quấn quanh hay có một màn sương mù ngăn cách tôi với thế giới bên ngoài vậy.

Một vài người bạn tôi bị ung thư vú, và giờ tôi mới hiểu được phần nào những gì họ phải trải qua khi chống chọi với bệnh tật. Hầu hết cuộc sống của họ chỉ xoay quanh hóa trị, xạ trị, phẫu thuật và các hội bệnh nhân cùng cảnh ngộ. Hồi tôi viết quyển Lịch sử vú cách đây hai mươi lăm năm, lúc đó ung thư vú vẫn được xem là một bệnh “nan y”.

 Ung thư tủy xương là căn bệnh khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong điều trị. Ảnh: Compass Oncology.

Ung thư tủy xương là căn bệnh khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong điều trị. Ảnh: Compass Oncology.

Ngày nay, các bác sĩ xếp bệnh này thuộc loại “mãn tính” có thể điều trị và khống chế. Tôi thật ganh tị với những bệnh nhân ung thư vú vì khi bệnh thuyên giảm thì không cần hóa trị nữa. Còn bệnh nhân ung thư tủy xương nói chung vẫn phải điều trị liên tục, chỉ là sẽ giãn hơn so với lịch hóa trị hàng tuần như tôi đang phải chịu đựng. Và tôi cứ tự hỏi mình hàng trăm lần là: Việc này có đáng không?

Tôi cũng 87 tuổi rồi. Tám mươi bảy tuổi thì ra đi cũng được. Khi tôi đọc mục cáo phó trên tờ San Francisco Chronicle Thời báo New York, đa số qua đời ở ngưỡng tám mươi hay trẻ hơn. Tuổi thọ trung bình ở Mỹ là 79 tuổi. Ngay cả ở Nhật, quốc gia được coi là có tuổi thọ cao nhất, thì tuổi thọ trung bình của phụ nữ cũng là 87. Mà tôi thì đã sống thật lâu và hạnh phúc với ông Irv, gần như suốt cuộc đời lúc nào cũng khỏe mạnh, thế thì tại sao giờ đây tôi lại phải chịu đựng đau khổ và tuyệt vọng triền miên?

Câu trả lời đơn giản là muốn chết thì cũng chẳng dễ dàng. Nếu tôi từ chối điều trị, tôi cũng chết đau đớn vì bị ung thư tủy xương nên chết sớm còn tốt hơn để muộn.

Irvin D.Yalom - Marilyn Yalom/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/tran-tro-cua-nu-hoc-gia-dieu-tri-ung-thu-tuy-xuong-post1546775.html
Zalo